Giao dịch chứng khoán phiên chiều 16/9: VN-Index giảm mạnh trong phiên tái cơ cấu của các quỹ ETF

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ảnh hưởng mạnh từ đợt tái cơ cấu danh mục của một số quỹ ETF, thị trường có phiên giao dịch đầy biến động từ sớm và càng trở nên tiêu cực hơn về cuối ngày.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 16/9: VN-Index giảm mạnh trong phiên tái cơ cấu của các quỹ ETF

Sau phiên sáng hãm được đà rơi ở những phút cuối, thị trường bước vào phiên chiều đã chịu áp lực bán dâng cao ở nhóm bluechip, khiến VN-Index rơi và nhanh về ngưỡng 1.235 điểm (MA50 ngày) nhưng đã bật lên sau đó từ ngưỡng hỗ trợ này.

Tưởng chừng ngưỡng điểm này sẽ giúp thị trường bớt tiêu cực khi VN-Index leo nhanh lên 1.240 điểm, nhưng sự thận trọng dâng cao về cuối phiên do đây là tái cơ cấu của một số quỹ ETFs đã khiến VN-Index có nhịp rơi thẳng về sát 1.230 điểm trước phiên ATC và thêm một lần bật nhẹ ở những phút cuối nhờ một số mã lớn được kéo mạnh.

Đóng cửa, sàn HOSE có 95 mã tăng và 368 mã giảm, VN-Index giảm 11,63 điểm (-0,93%), xuống 1.234,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 632,3 triệu đơn vị, giá trị 15.510 tỷ đồng, tăng gần 50% về khối lượng và gần 40% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 38 triệu đơn vị, giá trị 965,4 tỷ đồng.

Những cổ phiếu giúp thị trường không giảm sâu hơn phải kể đến PDR, VNM, VRE, NVL, VCB.

Theo đó, những mã lớn trên phần lớn thời gian của phiên đều lình xình quanh tham chiếu, nhưng đều được kéo mạnh lên mức cao nhất ngày ở những phút cuối.

Trong đó, PDR +4,3% lên 53.500 đồng, VRE +3,5% lên 29.850 đồng, VNM +2% lên 76.000 đồng, NVL và VCB nhích hơn 1%.

Ở chiều ngược lại, các bluechip giảm sâu đáng kể có KDH -4,5% xuống 33.900 đồng. Tiếp theo là GVR -3,5% xuống 24.600 đồng, CTG -2,6% xuống 26.200 đồng, MWG -2,6% xuống 72.000 đồng, STB -2,6% xuống 22.450 đồng, HPG -2,5% xuống 23.000 đồng.

Các cổ phiếu POW, FPT, VHM, TCB, MBB, ACB, VIC, SSI giảm từ 1,4% đến 2,3%, nhóm VJC, PLX, HDB, GAS, BID, TPB, VIB, BVH may mắn chỉ giảm nhẹ.

Các cổ phiếu được dự báo góp mặt trong danh sách tái cơ cấu của các quỹ ETF đáng chú ý như HPG, khi được ngoại mua bán mạnh tay nhất với hơn 12 triệu đơn vị, khối lượng giao dịch cũng cao nhất rổ VN30 với hơn 27,5 triệu đơn vị, cổ phiếu STB bị bán gần 11 triệu đơn vị và khối lượng mua chưa đến 1 triệu đơn vị, KDH bị bán ròng gần 2,3 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, ngược dòng thị trường đáng kể có BMC và ABS, khi đều leo lên mức giá trần tại 19.350 đồng và 12.900 đồng, khớp lệnh BMC có 0,19 triệu đơn vị và ABS khớp 4,4 triệu đơn vị.

Một số cổ phiếu khác cũng có được mức tăng khá tốt như nhóm bất động sản, xây dựng VCG +5,2% lên 25.250 đồng, khớp 15,1 triệu đơn vị, CIG +4,6% lên 8.180 đồng, FCN +3,2% lên 16.000 đồng, ITC +3,1% lên 14.850 đồng, hay cổ phiếu điện CPH +3,1% lên 26.800 đồng, VSH +2,9% lên 45.900 đồng, NT2 +2,6% lên 31.000 đồng…

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu AMD giảm sàn -6,6% xuống 1.970 đồng, khớp hơn 7,25 triệu đơn vị, ITA -6,5% xuống 5.710 đồng, khớp 3,95 triệu đơn vị.

Giảm sâu khác không ít và ở nhiều nhóm ngành bất động sản, công ty chứng khoán, thép, dịch vụ, với các cổ phiếu quen thuộc như: GEX, FTS, VND, TLH, NVT, SCR, HAX, LDG, DXG, LDG, KHP, ANV, TVB, HDG, DPG, DIG, HAG, HSG, BCG, APG, APH, CTS, HDC…với mức giảm từ khoảng 4% đến gần 6%.

Trong đó, các cổ phiếu HSG, DXG, HAG, APH, GEX dự báo nằm trong số các mã cơ cấu ETF cũng đã được khối ngoại xả hàng khá mạnh.

Thanh khoản phiên này cao nhất sàn là HAG với hơn 32,6 triệu đơn vị, HPG ngay phía sau đã nêu trên, VND khớp 27,5 triệu đơn vị, POW và SSI khớp 22,9 triệu và 19,4 triệu đơn vị…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau nửa đầu phiên chiều cầm cự đã lao thẳng xuống mức thấp nhất ngày và không thể bật lên do thiếu trụ đỡ, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Chốt phiên, sàn HNX có 49 mã tăng và 152 mã giảm, HNX-Index giảm 6,81 điểm (-2,43%), xuống 272,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 76,4 triệu đơn vị, giá trị 1.430,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,27 triệu đơn vị, giá trị 192,3 tỷ đồng.

Lác đác một vài sắc xanh tại MBG +4,1% lên 7.700 đồng, VC2 +4,7% lên 20.200 đồng, NRC +0,7% lên 14.200 đồng.

Phần còn lại bị sắc đỏ bao phủ, trong đó, hai cổ phiếu KLF và ART giảm sàn về 1.800 đồng và 3.000 đồng.

Các cổ phiếu khác giảm sâu như IDC, HTP, HUT, IDJ, AMV, TNG, APS, PVB, MBS, SHS, giảm 3 đến hơn 5%.

Giảm sâu hơn có CEO -8,6% xuống 26.700 đồng, VGS -9,2% xuống 19.700 đồng, HDA -6,2% xuống 10.600 đồng…

Khớp lệnh cao nhất phiên này là SHS với 10,35 triệu đơn vị, đáng chú ý là khối ngoại bán ròng hơn 2,2 triệu đơn vị, tiếp theo là PVS khớp 9 triệu đơn vị, KLF khớp 8,44 triệu đơn vị, CEO khớp 8,44 triệu đơn vị và bị bán ròng hơn 1,5 triệu đơn vị…

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng lùi bước trong phiên chiều và xoay nhẹ ở vùng đáy gần mức thấp nhất ngày cho đến khi đóng cửa.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,81 điểm (-0,9%), xuống 89,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 47,86 triệu đơn vị, giá trị 581,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2 triệu đơn vị, giá trị gần 60 tỷ đồng.

Cổ phiếu tích cực nhất là hai mã nhỏ LCM và PPI khi đều tăng trần lên 3.200 đồng và 1.300 đồng.

Phần còn lại, ngoài VHP, NHP, PAS, HVG, AVF đứng tham chiếu, thì đều giảm, thậm chí giảm sâu như KSH giảm sàn -7,7% xuống 1.200 đồng, DCS -6,7% xuống 1.400 đồng…

Phiên này, BSR vẫn là cổ phiếu hút giao dịch nhất với 7,38 triệu đơn vị, giảm 2,1% xuống 23.500 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều mất điểm, với VN30F2210 giảm tới 21,5 điểm, tương đương -1,71% xuống 1.237 điểm, khớp lệnh hơn 174.000 đơn vị, khối lượng mở gần 32.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ lan rộng, với CSTB2211 phiên này khớp lệnh cao nhất với gần 1,9 triệu đơn vị, giảm 9,8% xuống 370 đồng/cq.

Tiếp theo là CTPB2205 với hơn 1,56 triệu đơn vị, giảm 10% xuống 1.170 đồng/cq.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.82 0.0 0.0% 1,394 tỷ
UPCOM 88.76 0.0 0.0% 447 tỷ