Giao dịch chứng khoán phiên chiều 14/4: Nhà đầu tư đứng nhìn, thị trường quay đầu giảm điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thanh khoản thị trường suy giảm và ở mức thấp do sự thận trọng cao của nhà đầu tư.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 14/4: Nhà đầu tư đứng nhìn, thị trường quay đầu giảm điểm

Sau phiên sáng tăng điểm chỉ nhờ vào động lực từ số ít bluechip, trong khi dòng tiền suy giảm, thị trường bước vào phiên chiều với lực bán gia tăng, nhưng bên mua chỉ đứng nhìn khiến VN-Index có cú rơi hơn 10 điểm, lùi về dưới tham chiếu.

Sự hào hứng trong phiên chiều qua đã không được duy trì trong phiên hôm nay khi tâm lý lo sợ bulltrap khiến nhà đầu tư không dám đua lệnh mua vào, mà đứng ngoài quan sát. Tâm lý thận trọng không chỉ ở bên nắm giữ tiền mặt, mà cả bên nắm giữ cổ phiếu khi sợ bán ra sẽ mất hàng, khiến giao dịch thị trường diễn ra ảm đạm.

Lực cầu yếu nến khi lực cung chốt lời gia tăng nhẹ ở một số mã bluechip tăng giá trước đó đẩy VN-Index lao theo VN30 trong phiên chiều.

Chốt phiên, sàn HOSE có 185 mã tăng và 271 mã giảm, VN-Index giảm 5,08 điểm (-0,34%), xuống 1.472,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 523,36 triệu đơn vị, giá trị 18.503,4 tỷ đồng, giảm hơn 22% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 24,4 triệu đơn vị, giá trị 1.264,8 tỷ đồng.

Nếu như trong phiên sáng, nhóm bluechip tạo động lực chính cho VN-Index là VPB, GAS, MWG và FPT tăng tốt, thì sang đến phiên chiều đã dần hạ nhiệt, với VPB chỉ còn +1,3% lên 39.500 đồng, thanh khoản vẫn cao nhất sàn với 23,3 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, MWG dù tăng tốt nhất trong rổ VN30, nhưng cũng không còn giữ được mức đỉnh trong phiên, đóng cửa +2,1% lên 159.500 đồng. Hai mã còn lại là FPT và GAS nhích nhẹ 1,3% và 1,4%.

Sắc xanh đáng kể khác chỉ còn tại SAB +2,1% lên 155.900 đồng, trong khi PNJ, ACB và AGR là những cổ phiếu còn tăng điểm.

Còn lại, ngoài PLX và VRE đứng tham chiếu thì đều giảm, với HDB -2,5% xuống 27.300 đồng, TPB -2,4% xuống 39.050 đồng, STB -1,8% xuống 30.800 đồng, các cổ phiếu VNM, SSI, BVH, TCB, PDR, VCB, NVL giảm từ 1,2% đến 1,8%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu liên quan đến hóa chất tăng vọt, như cặp đôi ngành phân bón DCM-DPM, với DCM tăng trần +7% lên 43.650 đồng, khớp 13,33 triệu đơn vị, DPM +6,2% lên 72.200 đồng.

Cổ phiếu DGC của Hóa chất Đức Giang cũng leo lên sắc tím +7% lên 247.200 đồng và là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index. Còn CSV +5,1% lên 60.000 đồng,

Các mã khởi sắc từ phiên sáng như CNG, NHH, HII, TGG giữ vững mức giá trần, và phiên này có thêm BWE, TNT, RDP.

Đáng chú ý là họ FLC đều tăng, ngoài FLC nhích nhẹ 0,8% thì HAI +1,7%, AMD +2,6% và đặc biệt là ROS khi có thời điểm đã chạm mức giá trần, trước khi đóng cửa +5,3% lên 5.380 đồng, khớp được hơn 17,1 triệu đơn vị, FLC khớp 14,8 triệu đơn vị.

Một số cổ phiếu khác còn tăng như OGC, IDI, PVD, CMX, DLG, VHC, APG và nhóm ngân hàng SHB, SSB, MSB, OCB, nhưng phần lớn chỉ tăng nhẹ, khớp từ 1,75 triệu đến 6,66 triệu đơn vị.

Ở phía sau, khối lượng khớp lệnh thấp hơn nhưng đáng chú ý hơn có cặp đôi bán lẻ DGW +5% lên 144.700 đồng, khớp 1,17 triệu đơn vị và FRT +6,6% lên 165.300 đồng, khớp 1,66 triệu đơn vị.

Hay như HAH +6,4% lên 101.800 đồng, TDH +6,4% lên 12.500 đồng, CTR +6,2% lên 116.300 đồng, nhóm dầu khí với PGD +5,3%, PSH +3,6%, PGC +3,2%, ASP +3,1%, TDG +2,7%...

Ở chiều ngược lại, HAG chịu sức ép lớn và giảm về giá sàn -7% xuống 11.300 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau VPB với hơn 21,22 triệu đơn vị. Cũng nằm sàn khác còn có PTL, PXI, RIC, CCI, TNC, PXS.

Giảm sâu khác như VTO, LSS, TCD, QBS, GEG, HTN, TTD, VNE, DPG, TSC, VIX, TTB, khi mất từ 3% đến 6,2%.

Ở nhóm thanh khoản cao, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế với VND, HQC, GEX, ASM, DXG, DIG, APH, ITA, LDG, FCN, LCG, BCG…trong đó, một số giảm sâu như DIG -6,3% xuống 74.500 đồng, VIX -6% xuống 20.200 đồng, TSC -4,5% xuống 16.000 đồng, LDG -3,7% xuống 18.300 đồng…khớp lệnh nhóm này từ 3,22 triệu đến 12,3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến tương tự, khi HNX-Index đảo chiều từ xanh xuống đỏ không lâu sau khi giao dịch trở lại trong phiên chiều và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Chốt phiên, sàn HNX có 118 mã tăng và 102 mã giảm, HNX-Index giảm 3,76 điểm (-0,88%), xuống 423,69 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 56,2 triệu đơn vị, giá trị 1.696,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,69 triệu đơn vị, giá trị 22,2 tỷ đồng.

Đa số các mã vốn hóa lớn đều giảm gây sức ép, như NVB -7,4% xuống 36.500 đồng, IDC -2,6% xuống 66.900 đồng, CEO -2,7% xuống 55.000 đồng, L14 -2,5% xuống 274.000 đồng, các cổ phiếu VCS, PVI, MBS, PHP, IDJ, TIG cũng chìm trong sắc đỏ, dù mức giảm không nhiều.

Ở chiều ngược lại, ba cổ phiếu LAS, PVC và PVG là điểm sáng lớn nhất, khi đều đóng cửa ở mức giá trần.

Hai cổ phiếu PVS và SHS thu hẹp đáng kể đà tăng so với cuối phiên sáng, với PVS chỉ còn +0,3% lên 31.300 đồng, còn SHS dù đã có lúc tăng kịch trần, nhưng kết phiên chỉ còn +2,4% lên 25.600 đồng, thanh khoản hai cổ phiếu này cao nhất sàn với 6,69 triệu và 5,04 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index may mắn hơn hai chỉ số chính, khi tìm về được trên tham chiếu ở những phút cuối.

Giao dịch khá tích cực ở các cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh cao, như VHG +3,8% lên 8.300 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 3 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác như VGI +7,2%, BSR +1,6%, VGT +2%, DDV +8%, QNS +4,4% VTP +6,1%...

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,1%), lên 113,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 31,7 triệu đơn vị, giá trị 794 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,25 triệu đơn vị, giá trị 24 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó, VN30F2204 giảm 7,2 điểm (-0,47%), xuống 1.512,5 điểm, khớp lệnh đạt hơn 126.300 đơn vị, khối lượng mở hơn 38.400 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, với CSTB2110 phiên này giao dịch sôi động nhất với 1,5 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 29% xuống 220 đồng/cq.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục