Giữ ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau vụ Tân Hoàng Minh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kể từ năm nay sẽ có hàng trăm ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, nếu không duy trì được sự ổn định cho thị trường sẽ có không ít doanh nghiệp đối mặt với rủi ro.
Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành tính đến cuối năm 2021 đạt khoảng 1,39 triệu tỷ đồng. Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành tính đến cuối năm 2021 đạt khoảng 1,39 triệu tỷ đồng.

“Vụ nổ” trái phiếu của Tân Hoàng Minh sẽ tác động thế nào đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp là câu hỏi đáng suy nghĩ lúc này.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán chia sẻ, ông từng nghĩ rằng, trái phiếu của Tân Hoàng Minh chỉ có một vài tổ chức mua, nhưng sau khi tìm hiểu thì thấy nhiều cá nhân cũng mua. Chẳng đâu xa, bạn bè, họ hàng, người nhà của đồng nghiệp, mỗi người mua 2 - 4 tỷ đồng trái phiếu.

Điều đáng lo ngại là nếu xử lý vụ việc này không khéo có thể gây tâm lý hoang mang cho những người đầu tư trái phiếu và ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, các doanh nghiệp phát hành tổng cộng 722.700 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021, tăng 56% so với năm 2020. Số trái phiếu doanh nghiệp phát hành ròng năm 2021 (lượng phát hành mới trừ đi lượng đáo hạn và mua lại trước hạn) ước tính là 438.000 tỷ đồng, tăng 63% so với lượng phát hành ròng năm 2020.

Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành tính đến cuối năm 2021 đạt khoảng 1,39 triệu tỷ đồng, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm trong giai đoạn 2017 - 2021. Quy mô thị trường tăng mạnh từ 4,93% GDP năm 2017 lên 16,6% GDP năm 2021.

Các doanh nghiệp bất động sản vẫn là nhóm phát hành nhiều nhất, tổng cộng 318.200 tỷ đồng trong năm 2021, chiếm 44% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020.

Năm 2021 có 193 doanh nghiệp bất động sản huy động 318.200 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu.

Tính riêng nhóm trái phiếu bất động sản, số trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc đảm bảo (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu là 172.500 tỷ đồng, chiếm 54,2% lượng phát hành năm 2021. Con số thực tế có thể lớn hơn, vì có 33.000 tỷ đồng (10%) trái phiếu bất động sản phát hành không có thông tin về tài sản bảo đảm.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho hay, trong quý I/2022 có khoảng 40.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm trên 40% và trái phiếu các tổ chức tín dụng chiếm trên 20%. Đặc biệt, trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm tỷ trọng lớn, hơn 77,8%.

Theo ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank (MSVN), năm 2022 sẽ có 226.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, năm 2023 - 2024 có gần 600.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Ở thời điểm đáo hạn, nếu doanh nghiệp vẫn đang phát triển, họ sẽ tìm kiếm thêm nguồn để vận hành và thường là phát hành trái phiếu mới. Giả sử thị trường trái phiếu doanh nghiệp khựng lại, thì nhiều doanh nghiệp có thể rơi vào tình thế khó khăn.

Không chỉ lãi suất trái phiếu có thể bị đẩy lên vì lo ngại rủi ro lớn hơn, mà việc phát hành thành công hay không cũng là vấn đề. Theo đó, nếu vụ việc tại Tân Hoàng Minh không được xử lý gọn gàng và đảm bảo quyền lợi cho trái chủ thì e rằng tới thời điểm đáo hạn, các doanh nghiệp không huy động được vốn mới sẽ đối mặt với rủi ro.

Ở góc độ ngân hàng, từ vài năm nay, Ngân hàng Nhà nước luôn yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ cho vay bất động sản, nên dư nợ không quá 7% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống trong 4 năm qua.

Xét dài hạn, ngành ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ việc siết lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Vài năm gần đây, có một phần đáng kể tiền gửi bị rút ra để đầu tư vào kênh trái phiếu. Trong thời gian tới, các nhà đầu tư có thể sẽ có động thái giảm bớt vốn ở kênh này và gia tăng ở kênh ngân hàng, giúp hệ thống ngân hàng tăng thanh khoản, ổn định mặt bằng lãi suất.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục