Áp lực bán tăng rất mạnh phiên hôm nay (12/10) sau khi thị trường có 6 phiên liên tiếp tăng điểm, phiên hôm nay là phiên thứ hai liên tiếp thị trường có số mã giảm điểm áp đảo nhưng chỉ số vẫn tăng, sự khác biệt được tạo ra bởi VIC.
Nếu như phiên hôm qua (11/10), cặp đôi VIC-VHM, các cổ phiếu ngân hàng và HPG đóng vai trò chính giúp VN-Index tăng trên 20 điểm thì phiên hôm nay, nhóm ngân hàng đã phân hóa khá mạnh, chỉ còn BID và VIB có mức tăng tốt còn hầu hết đã quay đầu giảm điểm hoặc giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu. Trong nhóm VN30 có tới 17 mã giảm điểm và chỉ còn 8 mã tăng điểm, đây là lý do thị trường mất đi sự hưng phấn được tạo ra từ đầu phiên.
Mặc dù nhóm ngân hàng tỏ ra lưỡng lự nhưng điểm tích cực là hầu hết các cổ phiếu trong nhóm này đều không giảm sâu, diễn biến theo chiều hướng điều chỉnh kỹ thuật sau phiên tăng nóng, giảm điểm với thanh khoản thấp. Đây là cơ sở đề kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng sớm có được đà tăng trong thời gian tới.
Về mặt kỹ thuật, thị trường đã vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh 1.380 điểm và tiến tới vùng đỉnh thị trường tạo ra từ đầu tháng 7/2021 ở ngưỡng 1.420 điểm của VN-Index nên dự báo thời gian tới thị trường sẽ có biến mạnh trong các phiên ở khu vực từ 1.380-1.420 điểm trên nền thanh khoản tốt. Đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư có thể cơ cấu lại danh mục của mình, ưu tiên chọn các mã có kết quả kinh doanh quý III khả quan, các mã được dự báo có kết quả kinh doanh tốt trong quý IV.
Hiện tại, số lượng báo cáo chính thức của các doanh nghiệp niêm yết chưa nhiều, mà hầu hết là dự báo đến từ các tổ chức tài chính, đây chỉ là số liệu dự báo nên cần cẩn trọng khi tham khảo để ra quyết định đầu tư.
Chốt phiên, sàn HOSE có 175 mã tăng và 228 mã giảm, VN-Index tăng 0,71 điểm (+0,05%), lên 1.394,8 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 742,8 triệu đơn vị, giá trị 22.192 tỷ đồng, tăng 17% về khối lượng và 24% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 35 triệu đơn vị, giá trị 1.922,4 tỷ đồng.
Nhóm bluechip có thêm nhiều sắc đỏ hơn so với cuối phiên sáng với 17 mã trong VN30, nhưng đa số cũng chỉ giảm nhẹ dưới 1%, chỉ còn PNJ -2% xuống 100.000 đồng, SSI -1,2% xuống 41.400 đồng, MSN và NVL giảm 1%.
Trái lại, POW phiên này tăng tốt nhất +2,4% lên 12.700 đồng, MWG +2% lên 132.100 đồng.
Cổ phiếu VIC giằng co nhẹ trên tham chiếu trong suốt cả phiên, nhưng đã bứt lên trong phiên ATC, tuy chỉ +1,1% lên 92.900 đồng, nhưng là cổ phiếu đóng góp tích cực nhất cho VN-Index.
Nhóm trụ cột ngân hàng sau phiên dẫn dắt hôm qua đã trở nên phân hóa mạnh, với ACB, TCB đứng tham chiếu, chỉ còn STB và BID tăng nhẹ, trong khi phần còn lại đều giảm, nhưng cũng chỉ mất điểm không đáng kể.
Thanh khoản POW tốt nhất với hơn 22,1 triệu đơn vị khớp lệnh, HPG khớp 18,1 triệu đơn vị, nhóm ngân hàng CTG, STB, TCB, MBB khớp từ 10,8 triệu đến 14,87 triệu đơn vị.
Ở những nơi khác, một số cổ phiếu bất động sản, xây dựng duy trì được sức mua tốt từ phiên sáng và đóng cửa tăng điểm, thanh khoản cao như FLC, IJC, DIG, SCR, HQC, KBC, FIT, DXG, HAR, BCG, LDG, DRH, NTL, IDI...khớp từ 2,3 triệu đến 12,4 triệu đơn vị, riêng FLC khớp hơn 34,9 triệu đơn vị, tăng 2,5% lên 12.450 đồng, trong khi đó, HAR là điểm sáng khi tăng kịch trần +6,9% lên 6.200 đồng, và còn dư mua giá trần 1,36 triệu đơn vị.
Cũng có sắc tím khác là VRC, HU1 và cổ phiếu họ Louis TDH +6,6% lên 11.300 đồng, khớp tới hơn 4,27 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu dầu khí yếu dần sau khi có được mức tăng khá trong phiên sáng, với các mã còn tăng là PVD +3,8% lên 24.750 đồng, PXS +3,3% lên 7.270 đồng, PLX nhích nhẹ, trong khi CNG, GAS và PSH chìm trong sắc đỏ.
Giao dịch sôi động nhất phiên này vẫn thuộc về cổ phiếu mới chuyển sàn SHB, với hơn 38,1 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên SHB giảm 0,3% xuống 30.200 đồng.
Mất điểm khác chỉ còn ở các cổ phiếu vừa và nhỏ như ROS, DLG, HAG, HNG, ITA, LCG, nhưng đa số chỉ giảm nhẹ và giảm sâu nhất là TGG, khi vẫn nằm sàn -6,9% xuống 28.550 đồng, mặc dù trong phiên chiều, lượng dư bán giá sàn được hấp thụ hết với hơn 2,06 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên sàn HNX, sự xuất sắc của một vài mã lớn đã may mắn giúp HNX-Index không giảm điểm, khi mà sắc đỏ dần lan rộng hơn.
Đóng cửa, sàn HNX có 65 mã tăng và 76 mã giảm, HNX-Index tăng 1,34 điểm (+0,36%), lên 375,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 105,2 triệu đơn vị, giá trị 2.450,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,59 triệu đơn vị, giá trị 31,7 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu tích cực nhất hôm nay là PVS +2,5% lên 29.200 đồng, khớp lệnh cao nhất HNX với hơn 13,8 triệu đơn vị khớp lệnh. NVB +3,6% lên 29.200 đồng, khớp 0,33 triệu đơn vị.
Tiếp theo là tân binh KSF, giữ giá trần +10% lên 68.300 đồng, khớp 13.000 đơn vị và dư mua giá trần gần 1,2 triệu đơn vị.
Một vài cổ phiếu còn tăng khác là NDN, TVC, PVC, DL1, MBG, LAS và cổ phiếu BII tăng kịch trần +9,8% lên 13.500 đồng, VKC cũng tăng hết biên độ +9,9% lên 13.300 đồng.
Níu chân chỉ số lớn nhất là IDC -7% xuống 50.600 đồng và PVI -2,3% xuống 45.900 đồng, cùng hàng loạt mã lớn SHS, TNG, MBS, BCC, TIG...
Trên UpCoM, nhờ một số cổ phiếu lớn nới biên độ tăng đã giúp UpCoM-Index tìm về được tham chiếu sau khi giảm nhẹ trong phiên sáng.
Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn nổi bật nhất với BSR +4,1% lên 22.700 đồng, khớp lệnh bỏ xa phần còn lại với hơn 24,7 triệu đơn vị. OIL +1,3% lên 15.300 đồng, khớp 3,6 triệu đơn vị.
VGT nhảy vọt +3,8% lên 21.600 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau BSR, với hơn 8,66 triệu đơn vị.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng nhẹ 0,02 điểm (+0,02%), lên 98,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 96,9 triệu đơn vị, giá trị 2.032,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 24,67 triệu đơn vị, giá trị 324 tỷ đồng, với phần lớn là hơn 15,2 triệu cổ phiếu EVF ở mức giá sàn, trị giá 193,4 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều giảm, với VN30F2110 giảm 3,5 điểm (-0,23%), xuống 1.510 điểm, khớp lệnh gần 160.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 39.600 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, số mã giảm cũng chiếm phần lớn, với CHPG2113 và CVHM2110 phiên này khớp 2,65 triệu và 2,13 triệu đơn vị, và đều giảm nhẹ xuống 3.300 đồng và 1.350 đồng/cq.