Lợi nhuận quý III cao chót vót, cổ phiếu cảng biển có còn dậy sóng?

0:00 / 0:00
0:00
Cổ phiếu cảng biển bùng nổ phiên giao dịch cuối tuần qua sau khi dự báo lợi nhuận tích cực quý III/2021 được công bố. Dù vậy, nhiều chuyên gia phân tích vẫn khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng.
Triển vọng lợi nhuận ngành cảng biển tích cực, song nhà đầu tư vẫn nên thận trọng với cổ phiếu. Triển vọng lợi nhuận ngành cảng biển tích cực, song nhà đầu tư vẫn nên thận trọng với cổ phiếu.

Lợi nhuận cảng biển còn tăng phi mã đến năm 2022

Phiên giao dịch cuối tuần qua (8/10), cổ phiếu vận tải biển, cảng biển dậy sóng trên sàn chứng khoán. Hàng loạt cổ phiếu ngành này đều tăng mạnh: VNL +6,94%; PHP +7,12%; HAH +5,58%; GMD +3,02%; DXP +5,91%...

Cổ phiếu cảng biển dậy sóng sau khi dự báo lợi nhuận quý III/2021 và triển vọng kinh doanh của năm 2021-2022 của một số doanh nghiệp cảng biển đầu ngành được hé lộ.

Cụ thể, theo nhận định của SSI Research, lợi nhuận thuần sau cổ đông thiểu số quý III/2021 của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) ước đạt 80 tỷ đồng, tăng tới 250% so với cùng kỳ. Mặc dù sản lượng vận chuyển chịu ảnh hưởng nhẹ do giãn cách xã hội và sản xuất ở mức thấp, tăng trưởng cao có thể đến từ thị phần tăng, giá cước vận chuyển tăng và doanh thu tăng đáng kể từ cho thuê tàu. Ước tính cả năm cũng rất tích cực.

“HAH hưởng lợi từ chu kỳ đi lên của ngành vận tải, cùng với giá cước tăng và giá cho thuê tàu tăng. Hiện HAH cũng đã khóa giá cước hợp đồng cho thuê tàu ở mức cao, giúp không còn lo ngại giá cước giảm trong 2 năm tới. Ước tính, lợi nhuận sau thuế của cổ đông thiểu số tăng 139% so với cùng kỳ trong năm 2021 và tăng 71% năm 2022”, SSI nhận định.

Hồi tháng 9/2021, HĐQT HAH đã thông qua nghị quyết đóng mới 2 tàu và mua lại 2 tàu container. Mới đây, HAH đã công bố bảng giá cước vận tải mới, có hiệu lực từ ngày 13/10. Sau lần điều chỉnh này, giá cước của HAH tăng 36% so với quý III/2021 và tăng trung bình 46% so với đầu năm. Nguyên nhân tăng giá cước của công ty là do nhu cầu vận tải container tăng mạnh trở lại trong quý IV/2021 khi hoạt động sản xuất dần trở lại sau các đợt giãn cách xã hội do Covid-19, trong khi nguồn cung trong nước khan hiếm do nhiều tàu container trong nước đã được cho thuê ra thị trường quốc tế trong năm nay.

Việc tăng giá cước vận tải sẽ giúp HAH bù đắp được chi phí nhiên liệu tăng, từ đó giúp biên lợi nhuận không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, kể từ quý IV/2021, số lượng tàu cho thuê sẽ tăng từ 2 lên 3 tàu, trong khi số lượng tàu tự vận hành giảm từ 6 xuống 5 tàu, giúp HAH giảm được rủi ro liên quan giá dầu nhiên liệu tăng và cải thiện biên lợi nhuận.

Với CTCP Gemadept (HOSE: GMD), SSI Research nhận định lợi nhuận quý III/2021 vẫn tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Mặc dù sản lượng qua cảng giảm chung, khu vực Cái Mép lại duy trì tăng trưởng tích cực và sản lượng qua cảng Gemalink tăng đúng tiến độ. Cảng Hải Phòng cũng cung cấp dịch vụ mới, giúp bù đắp cho mức giảm một số cảng tại khu vực phía Nam.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, sản lượng qua cảng năm 2021 của GMD được hỗ trợ bởi hoạt động thương mại toàn cầu của Việt Nam phát triển mạnh, cùng với đó là cảng nước sâu mới Gemalink đi vào hoạt động. Với giá định kinh tế phục hồi tốt trong quý IV/2021, các chuyên gia tin rằng, sản lượng của GMD sẽ duy trì mức tăng trưởng mạnh mức 70% năm nay và 25% năm 2022. Theo đó, năm nay, lợi nhuận GMD ước tăng 46,8% và sang năm 36,4%.

Cụ thể hơn,cảng Gemalink đã tăng sản lượng nhanh chóng và triển vọng sẽ có thể chạy hết công suất và có lãi từ quý IV/2021. Sản lượng ước tính đạt 900 nghìn đến 1 triệu TEU cho năm 2021, giúp cảng Gemalink có lãi ngay trong năm đầu và đóng góp mức tăng thêm 50% vào tổng sản lượng hệ thống cảng của GMD. Dự kiến Gemalink có thể đạt công suất tối đa trong năm 2022 nhờ nhu cầu hàng hóa tăng mạnh mẽ ở khu vực Cái Mép.

Trong bối cảnh cảng vận tải hưởng lợi nhờ thị trường vận tải biển nóng lên, GMD sẽ tăng cường cho thuê tàu để hưởng lợi từ giá thuê tăng cao, với 3 trên tổng số 4 tàu container được cho thuê.

Nhà đầu tư cần thận trọng

Với triển vọng lợi nhuận tích cực của ngành cảng biển, SSI Research khuyến nghị mua với cổ phiếu HAH với dự báo giá cổ phiếu sẽ tăng 18% trong vòng 1 năm tới (giá mục tiêu là 78.400 đồng/cổ phiếu), hiện HAH đang giao dịch ở P/E năm 2022 là 5,6x, một định giá khá hấp dẫn.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, cổ phiếu HAH đang giao dịch ở mức 70.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 3,9 lần so với đầu năm.

Cổ phiếu GMD cũng được SSI khuyến nghị khả quan với mức tăng thấp hơn, giá mục tiêu khoảng 56.200 đồng/cổ phiếu. Hiện định giá của cổ phiếu GMD đang ở mức khá cao, tương đương PE năm nay là 29,7x và năm 2022 là 21,8x.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GMD đang giao dịch ở mức 51.200 đồng/cổ phiếu, tăng 1,6 lần so với đầu năm.

Mặc dù triển vọng lợi nhuận ngành cảng biển khá hấp dẫn, song chuyên gia phân tích nhiều công ty chứng khoán khác lại tỏ ra thận trọng.

Theo ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty chứng khoán MBS, cổ phiếu cảng biển sau một thời gian kém sôi động đã trở thành “ngôi sao” trên thị trường chứng khoán những tháng đầu năm 2021 do hai nguyên nhân.

Thứ nhất, giá cước vận tải biển và bốc xếp hàng hóa duy trì ở mức cao nên cổ phiếu cảng biển đã được tái định giá lại (trước đây được đánh giá là ngành không có tiềm năng tăng trưởng, giờ lại được đánh giá là ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt).

Thứ hai, do đứt gãy nguồn cung nên giá cước vận tải biển, cước bốc xếp hàng hóa vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.

Mặc dù vậy, theo chuyên gia này, đa phần các doanh nghiệp cảng biển ở Việt Nam đều đã hoạt động hết công suất, ngoại trừ Gemadept có Gemalink. Hơn nữa, năm 2022, nếu hoạt động kinh tế trở lại bình thường, giá dịch vụ có thể cũng sẽ dần trở lại mức bình thường, khi đó lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp cảng biển có thể suy giảm.

“Nhà đầu tư nên thận trọng với nhóm ngành này”, ông Tuấn khuyến nghị.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng phòng tư vấn Công ty Chứng khoán Vndirect cũng cho rằng, Việt Nam là công xưởng thế giới, xuất khẩu chiếm tỷ lệ lớn trên GDP nên ngành cảng biển, xếp dỡ, kho bãi có nhiều cơ hội.

“Tuy vậy, ngành cảng biển ở Việt Nam rất phân mảnh, không có doanh nghiệp nào dẫn dắt được cả ngành, lợi thế cạnh tranh giữa các cảng biển, các công ty không quá mạnh khi so sánh với nhau. Chính sự phân mảnh này là sự rủi ro lớn nhất của ngành những năm tới”, ông Anh Tuấn nhìn nhận.

Thực tế, giá cổ phiếu cảng biển sau khi đạt đỉnh, trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, công ty con và người nhà lãnh đạo của các công ty này đều ồ ạt đăng ký bán ra cổ phiếu để hiện thực hóa lợi nhuận. Cuối tháng 9/2021, HAH cũng quyết định bán 1,39 triệu cổ phiếu quỹ để bổ sung vốn lưu động.

H.T
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ