Giao dịch chứng khoán phiên chiều 10/6: Lực bán thắng thế, VN-Index tiếp nhịp điều chỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Sau phiên phục hồi kỹ thuật hôm qua, thị trường chứng khoán đã quay trở lại nhịp giảm điểm của 2 phiên đầu tuần. Tình trạng bán tháo diện rộng không xuất hiện, ngưỡng hỗ trợ 1.315 - 1.320 điểm tỏ ra khá vững.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 10/6: Lực bán thắng thế, VN-Index tiếp nhịp điều chỉnh

Sau phiên sáng giao dịch trong sự thận trọng, thị trường bước vào phiên chiều với áp lực bán gia tăng khiến VN-Index nhanh chóng thủng 1.320 điểm.

Nhưng ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn này đã giúp thị trường bật lại ngay sau đó, mặc dù vậy, lực mua là không đủ mạnh và chỉ hướng đến một số cổ phiếu đơn lẻ đã không thể giúp chỉ số trở lại tham chiếu mà giằng co nhẹ quanh 1.325 điểm cho đến khi đóng cửa.

Đóng cửa, sàn HOSE có 162 mã tăng và 236 mã giảm, VN-Index giảm 9,32 điểm (-0,07%), xuống 1.323,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 723,48 triệu đơn vị, giá trị 25.351,7 tỷ đồng, giảm 12% về khối lượng và 2% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 49,2 triệu đơn vị, giá trị 2.056,3 tỷ đồng,

Ở nhóm cổ phiếu bluechip tại VN30, trong phiên sáng HPG là mã duy nhất tăng tốt, thì sang đến phiên chiều có sự góp mặt theo của VNM và SBT.

Theo đó, VNM tăng tốt nhất nhóm +3,5% lên 92.200 đồng, SBT +3,3% lên 21.700 đồng, HPG giữ nguyên mức tăng 2,6% lên 51.600 đồng của cuối phiên sáng. Sắc xanh khác chỉ có ở PDR +1,2%, SSI +0,6% và FPT +0,2%.

Trong khi đó, VPB trở lại giá tham chiếu 71.800 đồng, thanh khoản tăng vọt và dẫn đầu thị trường với hơn 76,5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở chiều ngược lại, tạo gánh nặng đến chỉ số là BID -3,4% xuống 43.900 đồng, VRE -2,8% xuống 30.800 đồng, NVL -2,5% xuống 103.600 đồng, PLX -2,4% xuống 52.500 đồng, STB -2,4% xuống 28.900 đồng, HDB -2,1% xuống 32.700 đồng, CTG -2% xuống 49.500 đồng.

Nhiều mã như VJC, MSN, TCB, GAS, BVH, POW, MBB, TPB, REE, VIC, VHM giảm từ 1,3% đến 1,9%.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sự phân hóa mạnh của dòng tiền diễn ra trong phiên, đặc biệt trong phiên chiều với hàng loạt các cổ phiếu riêng lẻ nhận dòng tiền mua mạnh và tăng kịch trần như SCR, DCM, VHC, IDI, VCI, MIG, ANV, ELC, HDC, KMR, DPG, PC1, FMC, SGT…khớp lệnh có từ 1,2 triệu đến 10,6 triệu đơn vị, riêng SCR khớp được hơn 21,8 triệu đơn vị, và phần lớn còn dư mua giá trần và trăm nghìn đơn vị.

Tăng mạnh khác còn có DPM +6,7% lên 21.500 đồng, SSB +2,3% lên 41.300 đồng, ASM +4,4% lên 14.200 đồng, HAH +3,9% lên 29.200 đồng…

Trái lại, không ít mã bị xả mạnh và giảm sâu như PVD và TSC, khi đều lùi về mức giá sàn tại 22.200 đồng và 14.450 đồng, khớp lần lượt 18,6 triệu và 8,42 triệu đơn vị. Tương tự là FTM và DAH, nhưng chỉ khớp hơn 0,4 triệu đơn vị.

Đặc biệt, PVD bị bán tháo mạnh giảm sàn xuống 22.200 đồng, khớp 18,6 triệu đơn vị và trắng bên mua. PVD bị bán mạnh sau thông tin Công ty KrisEnergy có trụ sở tại Singapore, khách hàng đang nợ PVD 107,3 tỷ đồng đã đệ đơn lên tòa án xin phá sản.

Trong nhóm bất động sản có sự phân hóa, khi DXG -2,1% xuống 23.600 đồng, khớp hơn 20 triệu đơn vị, ITA -3% xuống 7.400 đồng, khớp 12,8 triệu đơn vị, KBC -3,4% xuống 33.800 đồng, khớp hơn 4 triệu đơn vị… hay các mã lớn như VHM, NVL... cũng giảm giá, trong khi nhiều mã bật tăng mạnh SCR tăng trần lên 11.400 đồng, còn dư mua giá trần gần nửa triệu đơn vị, HQC +3,2% lên 3.890 đồng, HAH +3,9% lên 29.200 đồng. Các mã tăng khác có SJS, PDR, NBB, HPX, AGG, CRE, SGR, NLG...

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tiếp tục lùi bước trong phiên chiều, khi hàng loạt mã lớn nới rộng đà giảm như SHB, PVS, trong khi đà tăng của VND bị chặn lại càng khiến HNX-Index giảm sâu.

Đóng cửa, sàn HNX có 64 mã tăng và 144 mã giảm, HNX-Index giảm 5,56 điểm (-1,75%), xuống 311,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 142,3 triệu đơn vị, giá trị 3.452,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,76 triệu đơn vị, giá trị 156,8 tỷ đồng.

Cổ phiếu VND sau phiên sáng tăng vọt, có thời điểm chạm giá trần, đã bị chốt lời nhanh trong phiên chiều và đóng cửa chỉ còn +4,4% lên 37.700 đồng.

Cổ phiếu PVI trở thành điểm sáng, khi tăng kịch trần +9,8% lên 39.100 đồng, sau thông tin cổ đông lớn là HDI Global Se vừa thông báo đăng ký bán hơn 13,84 triệu cổ phiếu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 10/6 đến 9/7.

Mặc dù vậy, hai cổ phiếu này chỉ giúp chỉ số HNX-Index không rơi sâu thêm, khi mà hàng loạt mã lớn khác nới rộng biên độ giảm.

Theo đó, SHB -5,8% xuống 29.500 đồng, PVS -5,3% xuống 26.900 đồng, NVB -3,6% xuống 18.900 đồng, S99 -5,1% xuống 20.500 đồng, PVC -4,9% xuống 11.600 đồng, MBS -2,5% xuống 27.200 đồng, NDN -2,1% xuống 23.000 đồng, cùng không ít sắc đỏ khác tại CEO, IDC, ART, AMV, TNG, THD, PAN, BAB….

Thanh khoản phiên này SHB trở lại đứng đầu với hơn 18,3 triệu đơn vị, VND đứng ngay sau với hơn 18,1 triệu đơn vị. Tiếp theo là PVS với hơn 15,7 triệu đơn vị, SHS khớp 10,95 triệu đơn vị…

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index ít biến động trong phiên chiều, khi gần như chỉ bò ngang quanh tham chiếu cho đến khi đóng cửa.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,09%), xuống 87,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 75 triệu đơn vị, giá trị 1.474,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 9,28 triệu đơn vị, giá trị 267,1 tỷ đồng.

Nhóm các cổ phiếu thanh khoản tốt nhất phiên sáng tiếp tục ở sắc đỏ, với BSR -3,7% xuống 18.400 đồng, khớp 14,8 triệu đơn vị, VGT -5,6% xuống 17.000 đồng, khớp 4,1 triệu đơn vị, OIL -4,8% xuống 13.800 đồng, khớp 2,95 triệu đơn vị.

Chiều nay, cổ phiếu BDT của CTCP Xây lắp và Vật liệu Xây dựng Đồng Tháp đột ngột vươn lên dẫn đầu thanh khoản với hơn 16,29 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu cũng tăng vọt, khi có thời điểm chạm giá trần, trước khi đóng cửa +14,3% lên 27.900 đồng.

Nhiều khả năng chiếm phần lớn trong này là giao dịch đăng ký bán bớt cổ phiếu DBT của UBND tỉnh Đồng Tháp, khi UBND tỉnh Đồng Tháp đã đăng ký bán hơn 16,01 triệu cổ phiếu BDT từ ngày 13/5 đến 11/6. Trước giao dịch, UBND tỉnh Đồng Tháp nắm giữ gần 35,7 triệu cổ phiếu DBT, tỷ lệ 92,5%.

Trên thị trường phái sinh, cả bốn hợp đồng tương lai đều đóng cửa giảm, trong đó, VN30F2106 giảm 6 điểm (-0,41%), xuống 1.453 điểm, với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 343.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 32.200 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, áp lực phân hóa mạnh diễn ra khi hai nửa xanh đỏ khá cân bằng, trong đó, giao dịch sôi động nhất tại CHPG2108 với hơn 0,42 triệu đơn vị khớp lệnh và mã này tăng hơn 8% lên 5.740 đồng/cq.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục