Trong phiên hôm qua, sau khi bị đẩy xuống vùng hỗ trợ 1.310-1.315 điểm từ khá sớm, thị trường đã bật trở lại nhờ dòng tiền có phần tự tin hơn, tập trung bắt đáy nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép, giúp VN-Index lấy lại ngưỡng 1.330 điểm.
Dù hồi phục tăng điểm khá tốt, nhưng nhìn chung tâm lý nhà đầu tư không lấy gì làm vui khi hệ thống HOSE liên tục bị lỗi, nhiều công ty không cho nhà đầu tư hủy, sửa lệnh.
Ngoài việc tài khoản bị hao hụt đáng kể sau những phiên giảm sâu trong tuần, thì bị đưa vào thế “tiến thoái lưỡng nan” khi giao dịch, bởi quyết định không cho hủy, sửa lệnh thì nhiều CTCK trước đó, trong bối cảnh bảng điện tử bảng điện cập nhật không kịp theo thời gian thực, nên khả dĩ nhất là chỉ dùng lệnh (MP) để mua bán đã càng khiến cho sự bực bội dâng cao.
Đỉnh điểm của sự ức chế đến từ việc hàng nghìn nhà đầu tư đã ồ ạt đánh giá "1 sao" tại thông tin giới thiệu Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trên Google, cùng những bình luận tỏ rõ sự bức xúc với đơn vị vận hành và quản lý thị trường. Thông tin giới thiệu HOSE trên Wikipedia cũng bị thay đổi với những câu nặng nề dành cho HOSE.
Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều, toàn bộ đánh giá và bình luận của người dùng trên Google đã biến mất. Điểm đánh giá trên Google trở về con số cũ 4.4/5 với 41 đánh giá.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 10/6, cùng với thông báo cho phép nhà đầu tư được hủy, sửa lệnh, hệ thống của HOSE cũng đã mượt hơn khi VN-Index và thanh khoản chung đã biến động cùng nhịp đập của thị trường. Giao dịch ở các mã cũng suôn hơn, giá hiện thị chính xác hơn.
Về diễn biến chung của thị trường, sự phân hóa diễn ra khá rõ nét, VN-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu, nhưng sau đó giảm mạnh khi trong nhóm bluechip, sắc đỏ đang chiếm ưu thế.
Tuy nhiên, đã 2 lần trong phiên sáng nay, VN-Index đều bật trở lại khi xuống vùng 1.320 - 1.325 điểm. Dường như, VN-Index đã tìm được điểm tựa vững chắc của mình.
Diễn biến này là điểm tiếp nối phiên giao dịch hôm qua và trong dự đoán, phiên hồi phục hôm qua dù tích cực nhưng khối lượng giao dịch thấp cho thấy những tín hiệu tiêu cực về xu hướng giảm chưa chấm dứt. Các mã tăng nóng giai đoạn trước vẫn đang chịu áp lực giảm điểm, điểm tích cực là dòng tiền vẫn chưa rời bỏ thị trường khi săn mua ở vùng giá thấp và lan sang một số mã, đặc biệt là dòng bất động sản vốn chưa tăng giá trước đó.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 121 mã tăng và 258 mã giảm, VN-Index giảm 8,62 điểm (-0,65%), xuống 1.324,28 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 408,8 triệu đơn vị, giá trị 13.958,3 tỷ đồng, giảm 19% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 19,3 triệu đơn vị, giá trị 872,1 tỷ đồng.
Không ít các bluechip hạ thấp độ cao, thậm chí đảo chiều giảm điểm về cuối phiên, trong đó, rổ VN30 có tới 25 mã giảm, 4 mã tăng và PNJ về được tham chiếu.
Trong số các cổ phiếu tăng, HPG bật lên hẳn +2,6% lên 51.600 đồng, khớp 21,4 triệu đơn vị. Ba mã còn lại chỉ nhích nhẹ với SSI +0,9%, PDR và VNM cùng chỉ tăng 0,2%.
Ở chiều ngược lại, giảm sâu nhất là REE -3,4% xuống 52.600 đồng, VJC -2,9% xuống 112.000 đồng, BID -2,4% xuống 44.350 đồng, PLX -1,9% xuống 52.800 đồng.
Các cổ phiếu TCB, NVL, HDB, BVH, GAS, STB, MBB, VHM giảm từ 1,2% đến 1,5%.
Thanh khoản VPB cao nhất nhóm và cũng là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất HOSE với hơn 35,5 triệu đơn vị khớp lệnh, và mã này giảm nhẹ 0,4% xuống 71.500 đồng.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, SCR trở lại mức giá trần +6,5% lên 11.400 đồng, khớp hơn 19,2 triệu đơn vị. Một số ít khác có sắc tím là MIG, HDC và KMR, khớp từ 1,5 triệu đến hơn 1,9 triệu đơn vị khớp lệnh.
Một số tăng khá cao như DCM +5,6% lên 18.900 đồng, VHC +4,3% lên 43.000 đồng, VCI +5% lên 88.700 đồng, DPM +4,7% lên 21.100 đồng, HAH +5% lên 29.500 đồng, SSB +2,2% lên 41.100 đồng, khớp từ 1,92 triệu đến 6,59 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu quen thuộc như FLC, HQC, HSG, HAG, FIT, TTF cũng có được sắc xanh, nhưng mức tăng không cao.
Phần còn lại chìm trong sắc đỏ, đáng kể là DXG -4,1% xuống 23.100 đồng, PVD -4,8% xuống 22.700 đồng, ITA -3% xuống 7.400 đồng, TSC -5,2% xuống 14.700 đồng, DIG -2,9% xuống 25.100 đồng, GVR -3,4% xuống 28.300 đồng, trong đó, DXG khớp lệnh cao nhất với hơn 10,76 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, diễn biến tương tự, khi HNX-Index nửa đầu phiên còn ở trên tham chiếu và chịu áp lực bán gia tăng ở nửa sau của phiên và lùi về dưới tham chiếu.
Giao dịch đáng chú ý nhất tại VND, khi có thời điểm chạm mức giá trần, trước khi kết phiên +8% lên 39.000 đồng, khớp lệnh dẫn đầu HNX với hơn 12,33 triệu đơn vị. Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền phát hành chào bán hơn 214,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của VND với giá 14.500 đồng/cổ phiếu.
Phần còn lại ngoài CEO, TVC, BSI, LAS, APS tăng điểm, cùng SHS, HUT và ACM đứng tham chiếu thì đều giảm.
Với những cái tên như SHB -1,3% xuống 30.900 đồng, PVS -2,1% xuống 27.800 đồng, NVB -2% xuống 19.200 đồng, AMV -2,9% xuống 10.000 đồng, PVC -2,5% xuống 11.900 đồng…
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 49 mã tăng và 130 mã giảm, HNX-Index giảm 1,04 điểm (-0,33%), xuống 315,83 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 82,1 triệu đơn vị, giá trị 1.964,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,73 triệu đơn vị, giá trị 32,2 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index tăng khá tốt ngay từ sớm, và mặc dù cũng có thời điểm lùi xuống dưới tham chiếu, nhưng nhờ sắc xanh còn chiếm ưu thế trên bảng đã giúp chỉ số bật trở lại sắc xanh.
Mặc dù vậy, giao dịch ở nhóm cổ phiếu thanh khoản cao khá ảm đạm, đặc biệt tại ba mã khớp lệnh cao nhất là BSR, VGT và OIL.
Theo đó, BSR -2,1% xuống 18.700 đồng, khớp hơn 6,1 triệu đơn vị, VGT -5% xuống 17.100 đồng, khớp 2,2 triệu đơn vị, OIL -4,1% xuống 13.900 đồng, khớp 1,82 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,12%), lên 87,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 31,2 triệu đơn vị, giá trị 549 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,18 triệu đơn vị, giá trị 43,5 tỷ đồng.