Thị trường chứng khoán đã đón một năm giao dịch đầy biến động khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện và lây lan khiến áp lực bán tháo diễn ra và các chỉ số đã lao dốc không phanh. Tuy nhiên, sự hồi phục nhanh chóng quay trở lại, đặc biệt, trong thời gian cuối năm, chỉ số VN-Index liên tục xác lập đỉnh mới của năm.
Tính chung trong cả năm qua, chỉ số VN-Index đã tăng 142,88 điểm, tương ứng tăng 14,87% và kết thúc phiên cuối cùng của năm ở mức 1.103,87 điểm. Đặc biệt là HNX-Index có mức tăng ấn tương tới hơn 100 điểm, tương ứng gần gấp đôi so với thời điểm kết năm 2019 và đứng tại mức 203,12 điểm khi đóng cửa phiên 31/12/2020.
Mặc dù thị trường tăng tốc ấn tượng cùng dòng tiền nội giao dịch sôi động, đặc biệt trên sàn HOSE trong 2 tuần cuối năm liên tục có những phiên giao dịch vượt con số 14.000 tỷ đồng bởi việc gia tăng mạnh mẽ của lượng nhà đầu tư F0. Điều này thậm chí khiến hệ thống giao dịch trên sàn HOSE có những phiên bị cho là nghẽn mạch. Tuy nhiên, khối ngoại lại giao dịch hoàn toàn ngược lại.
Nhà đầu tư nước ngoài đã có một năm giao dịch không mấy tích cực khi trạng thái bán ròng được duy trì khá đều đặn qua từng tuần, từng tháng, với hàng loạt phiên bán ròng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ như phiên 6/5 hay 28/8. Tính chung trong cả năm qua, khối ngoại đã bán ròng tới 18.894 tỷ đồng.
Thống kê giao dịch trên sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng tới 9 tháng và chỉ mua ròng 3 tháng, tổng cộng bán ròng tới hơn 15.210 tỷ đồng.
Trong đó, tháng 3 là tháng bán ròng mạnh nhất lên tới hơn 7.840 tỷ đồng. Ngoài ra, tháng 10, khối ngoại cũng bán ròng hơn 7.000 tỷ đồng, tháng 4 bán ròng 6.500 tỷ đồng, tháng 2, 11 và 12 bán ròng trên 2.000 – 3.000 tỷ đồng, còn tháng 4, 5 và 8 là những tháng bán ròng thấp hơn với giá trị vài trăm tỷ đồng.
Trái lại, tháng 1, tháng 6 và tháng 9 là những tháng mua ròng trong năm, trong đó riêng tháng 6, với giao dịch mua ròng thỏa thuận khủng cổ phiếu lớn VHM (trong phiên 15/6), đã khiến khối ngoại mua ròng kỷ lục tới hơn 14.590 tỷ đồng. Đồng thời, cổ phiếu VHM cũng chính là mã được mua ròng mạnh nhất trong năm qua, với tổng giá trị đạt hơn 18.500 tỷ đồng, tương đương khối lượng gần 238,6 triệu đơn vị.
Nếu xét về khối lượng, chứng chỉ quỹ FUEVFVND dẫn đầu danh mục mua ròng mạnh, đạt 318,89 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt hơn 4.390 tỷ đồng.
Trái lại, những cố phiếu bluechip đều nằm trong top đầu những mã bị bán ròng mạnh như MSN bị bán ròng tới gần 4.540 tỷ đồng, HPG bị bán ròng gần 3.995 tỷ đồng và VIC bị bán ròng hơn 2.935 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại cũng không mấy khả quan hơn khi duy trì trạng thái bán ròng trong 11 tháng, trong đó tháng 3 cũng là tháng ghi nhận con số kỷ lục nhất, đạt 881,19 tỷ đồng và chỉ mua ròng duy nhất tháng 10 với giá trị chỉ hơn 17 tỷ đồng. Tính chung trong cả năm, khối này đã bán ròng hơn 228 triệu cổ phiếu, giá trị tương ứng xấp xỉ 2.447 tỷ đồng.
Trong danh mục mua bán, cổ phiếu VCS dẫn đầu danh mục được mua ròng mạnh, đạt hơn 142 tỷ đồng; còn SHB và PVS là mã bị bán ròng mạnh nhất, lần lượt đạt 76,84 triệu đơn vị, giá trị gần 952 tỷ đồng và 51,87 triệu đơn vị, giá trị hơn 637 tỷ đồng.
Trên UPCoM, khối ngoại cũng chỉ mua ròng 3 tháng vào tháng 1, 7 và 12, còn lại có tới 9 tháng bán ròng, trong đó tháng 4 bán ròng mạnh nhất, đạt 267,9 tỷ đồng, còn tháng bán ròng thấp nhất là tháng 9 đạt giá trị 5,78 tỷ đồng. Tổng cộng, khối này đã bán ròng khoảng 1.124 tỷ đồng.
Trong đó, MCH là mã được mua ròng mạnh nhất, đạt xấp xỉ 140 tỷ đồng, đây cũng là mã duy nhất được mua ròng hơn trăm tỷ đồng; ngược lại, cổ phiếu ACV dẫn đầu danh mục bán ròng, đạt 313,54 tỷ đồng.
Sau một năm bán ròng kỷ lục, CTCK Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng sự trở lại của dòng vốn ngoại vào các thị trường mới nổi. Theo BVSC, bên cạnh xu hướng về dòng tiền chảy mạnh vào thị trường mới nổi, triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cũng là yếu tố có thể giúp thị trường chứng khoán đón nhận sự trở lại của dòng vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường Việt Nam trong năm tới.