Giao dịch chứng khoán: Khi lòng tham lấn át nỗi sợ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong những ngày cuối tháng 8/2020, thị trường cổ phiếu Mỹ đã vượt mức trước khủng hoảng. Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều lập mức điểm kỷ lục mới.
Ảnh: Shutterstock. Ảnh: Shutterstock.

Bên cạnh thông tin về vắc-xin và thuốc trị Covid-19, việc nhiều nền kinh tế vượt qua quý II/2020 đầy khó khăn với mức sụt giảm GDP từ 25-30% cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán hồi phục.

Người ta đang nhìn về quý III đầy hy vọng với những dự báo về mức tăng trưởng GDP 15-20% so với quý trước.

Mặc dù con số này chưa thể bù đắp cho mức sụt giảm của quý II, nhưng các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều dự đoán GDP cả năm của Mỹ và nhiều nền kinh tế chủ chốt sẽ tăng tích cực hơn trong quý III. Điều đó có nghĩa, kinh tế thế giới đã bước qua thời điểm xấu nhất và bắt đầu đi lên.

Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh).
Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh).

Thực tế, rủi ro với các nền kinh tế vẫn còn đó. Thị trường việc làm của những nền kinh tế chủ chốt có tín hiệu hồi phục chậm lại trong tháng 8 do nhiều công ty lớn tiếp tục sa thải nhân công và một số gói hỗ trợ kinh tế lớn đi dần đến điểm kết thúc.

Tuy nhiên, với nhà đầu tư chứng khoán, điều cần quan tâm lúc này là lấy lại những gì đã mất với các cổ phiếu ngân hàng, máy bay và khách sạn, hơn là các rủi ro của nền kinh tế.

Mặt khác, nhiều nhà đầu tư đã bỏ lỡ đợt tăng giá 40-50% của các cổ phiếu công nghệ, cá biệt có những mã tăng gần 200% kể từ tháng 3, nên bây giờ không muốn vuột mất cơ hội một lần nữa.

Đây là hội chứng FOMO (fear of missing out) mà giới phân tích đang đề cập khi nói về những nhà đầu tư đang vội vã đầu tư vào cổ phiếu công nghệ hay ngân hàng.

Trong bối cảnh các nhà đầu tư đang bắt đầu lạc quan trở lại, có 3 chủ đề chính mà thị trường tài chính sẽ chú ý trong tháng 9.

Thứ nhất là thương thảo giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bất định của thị trường tài chính hiện nay.

Những ngày cuối tháng 8, có dấu hiệu cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang ngồi lại với nhau, ít nhất là đã nối lại những cuộc điện đàm giữa bộ trưởng tài chính 2 nước, cho thấy sự biến chuyển sau nhiều tháng căng thẳng.

Thứ hai là về dịch Covid-19, vắc-xin và thuốc trị. Sự tăng trưởng vượt qua đỉnh cao cũ của các chỉ số S&P 500 và Nasdaq có sự giúp ích không nhỏ từ tin tức lạc quan về vắc-xin và thuốc trị Covid-19. Dẫu vậy, mức tác động vẫn sẽ rất lớn khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều nền kinh tế.

Thứ ba là có thể sẽ diễn ra một sự xoay chuyển dòng vốn từ các cổ phiếu công nghệ vào các cổ phiếu bị tác động xấu bởi dịch như ngân hàng, máy bay, dầu khí và khách sạn. Hiện tại, nhiều cổ phiếu trong nhóm này đang ở mức giá không xa so với mức đáy tạo lập hồi tháng 3, trong khi nhiều cổ phiếu công nghệ đã tăng mạnh. Vì thế, đây được xem là thời điểm thích hợp để “bại binh phục hận”.

Tương tự, trong khi cổ phiếu Mỹ tăng mạnh qua đỉnh cũ, cổ phiếu châu Âu vẫn đang chật vật đi lên.

Vì vậy, một số ngân hàng đầu tư khuyến nghị khách hàng nên “đa dạng hóa danh mục”, mà ngầm ý là chuyển bớt tiền sang đầu tư cổ phiếu châu Âu và các cổ phiếu ngân hàng, khách sạn Mỹ - vốn có giá “mềm” hơn những cổ phiếu công nghệ với P/E hơn 1.000 lần như Tesla, hoặc đã tăng 200% như Nvidia.

Nhìn xa hơn, một số nhà phân tích chỉ ra rằng, thị trường mới nổi sẽ thu hút thêm vốn từ cuối năm nay.

Hiện tại, mức chiết khấu chỉ số P/E của thị trường mới nổi so với thị trường phát triển là gần 25%, trong khi thông thường chỉ là dưới 10%.

Mức chênh lệch này tạo kỳ vọng rằng, một số quỹ đầu tư sẽ sớm di chuyển một phần vốn về thị trường mới nổi, đặc biết nếu nhóm thị trường này công bố số liệu kinh tế quý III khả quan.

Mặc cho một số nhà phân tích và chuyên gia quản lý quỹ vẫn tỏ ra nghi ngờ về tiến trình tăng giá có phần kỳ lạ của cổ phiếu từ giữa tháng 8, dòng tiền sợ mất cơ hội mua cổ phiếu vẫn đang thúc đẩy thị trường đạt những mức giá mới và những cổ phiếu bị dịch Covid-19 “dập” tơi tả bắt đầu gượng dậy. Ở thời điểm này, lòng tham đang lấn át nỗi sợ.

Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục