Định giá về vùng quá tốt
Sau cú sập bất ngờ trong phiên 6/7/2021 và một số phiên biến động mạnh sau đó, chỉ số VN-Index tiếp tục có một phiên rơi hơn 50 điểm vào đầu tuần qua (12/7) và rơi gần 18 điểm vào ngày 14/7. Dù lấy lại màu xanh trong hai phiên cuối tuần, nhưng chỉ số VN-Index lại lao dốc mất hơn 55 điểm trong phiên hôm qua (19/7), nâng tổng số điểm đã mất tới hơn 180 điểm kể từ đỉnh ngắn hạn 1.424 điểm. Nhiều cổ phiếu đã giảm về vùng giá đầu năm nay.
Dồn dập các phiên giảm điểm sâu, cộng với lo ngại đại dịch Covid-19 bùng phát ở trong nước, đặc biệt là tại đầu tàu kinh tế Đông Nam Bộ sẽ ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khiến tâm lý hoang mang bao trùm thị trường.
Việc ước tính, đo lường hay dự báo về ảnh hưởng của dịch bệnh tới các doanh nghiệp ở thời điểm này là việc bất khả thi. Nhưng trước đợt sụt giảm mạnh mẽ vừa qua, nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng, đây là cơ hội để mua vào những cổ phiếu thuộc doanh nghiệp tốt, có tiềm năng tăng trưởng, mà trong điều kiện bình thường khó có mức giá như hiện nay và bình tĩnh nắm giữ, thay vì chạy theo các nhịp sóng ngắn hạn trên thị trường.
Nói một cách đơn giản hơn, nhà đầu tư cần đưa cổ phiếu của những doanh nghiệp có thể tiếp tục thu lợi nhuận cao trong các quý tới vào tầm ngắm.
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) nhận xét, “đợt điều chỉnh này khiến định giá của nhiều cổ phiếu vào vùng quá tốt cho việc đầu tư 6 tháng và dài hơi hơn”.
Vẫn còn cơ hội đối với một số ngân hàng có nền tảng cơ bản tốt
Ngay với nhóm cổ phiếu ngân hàng, tâm điểm của sóng tăng giá trong 6 tháng đầu năm, có cổ phiếu xác lập đà tăng bằng lần, thì dù đã có sự lan rộng các quan điểm bi quan về đà tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm cũng như triển vọng tăng giá của cổ phiếu trên sàn, theo ông Thành đánh giá, “vẫn còn cơ hội đối với một số ngân hàng có nền tảng cơ bản tốt”.
Cơ sở cho nhận định đó là đà tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng chắc chắn sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm 2021, nhưng bức tranh chung cả năm vẫn đạt mức tăng trưởng tốt, với mức tăng trưởng 33% (tổng thể) theo ước tính hiện tại với 17 ngân hàng niêm yết.
Các cổ phiếu khuyến nghị hàng đầu của Maybank Kim Eng trong nhóm này là TCB, VPB, VCB và OCB. Trên thị trường chứng khoán, thị giá TCB đã giảm hơn 10% tính từ ngày 6/7 đến 15/7, VPB giảm 12%, VCB giảm 10%, OCB giảm gần 14%...
Theo MBKE nhận xét, bất cứ nhịp giảm nào đối với các cổ phiếu này do sự điều chỉnh chung của thị trường và việc chưa hiểu rõ về triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng (như đã đề cập ở trên) sẽ tạo điểm mua tốt cho danh mục đầu tư trung và dài hạn.
Nhiều doanh nghiệp vẫn “ăn nên làm ra”
Giới phân tích cho rằng, có nhiều doanh nghiệp vẫn đang ăn nên làm ra nhờ mô hình kinh doanh bền vững, hay lĩnh vực kinh doanh gắn với sự phục hồi của thị trường thế giới, xuất khẩu, giá dầu…
Chẳng hạn, trong nhóm bất động sản có Vinhomes (VHM); nhóm chứng khoán có VND, SHS, VCI…; dầu khí có GAS; hóa chất có DGC; logistics có GMD; ngành thép có HPG và NKG là những cổ phiếu được khuyến nghị mua vào nhiều nhất.
Cơ sở cho khuyến nghị này là gì? Chẳng hạn, ngành vật liệu xây dựng (đá xây dựng, thép...) được dự báo sẽ hưởng lợi từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và nhu cầu đầu tư mở rộng của các doanh nghiệp. Mặc dù giá thép giảm có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong ngắn hạn, nhưng cũng cần một góc nhìn khác là giá thép giảm và ổn định sẽ giúp thị trường thép tăng trưởng ổn định hơn.
Tạm thời bệnh dịch Covid-19 sẽ khiến hoạt động xây dựng, xây lắp chậm lại, nhưng giá điều chỉnh như hiện nay đã hợp lý hơn. Theo đó, doanh nghiệp đầu ngành như HPG triển vọng vẫn tốt, hay với NKG hiện P/E còn dưới 4 lần là mức hấp dẫn.
Ông Thành đưa ra kịch bản, nếu dịch bệnh Covid-19 được cơ bản kiểm soát trong tháng 8, GDP tăng trưởng vẫn là 5% như mức dự báo bi quan nhất hiện nay thì HPG vẫn có thể đạt được lợi nhuận kỷ lục tầm 13.000 tỷ đồng.
Trong kịch bản xấu hơn, xác suất khoảng 20% là tình hình dịch bệnh Covid-19 vượt quá tầm kiểm soát thì ông Thành cho rằng, hiện tại dự báo tiêu cực đã phản ánh vào giá. Có thể xấu hơn thêm 7%, tức VN-Index về 1.200 điểm, thì đã có thể mua dần.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Trung, Phó giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán SSI khẳng định, năm 2021, khối công ty chứng khoán tiếp tục hưởng lợi từ thị trường. Giá trị giao dịch bình quân tăng vọt và việc tăng vốn hỗ trợ rất tốt cho mảng môi giới và cho vay margin của công ty chứng khoán.
Đồng thời, VN-Index đã tăng 25% so với cuối năm 2020, còn nếu tính từ mức đáy xác lập vào tháng 3/2020 thì hiện đã tăng 40%, do đó, mảng tự doanh các công ty chứng khoán dự báo cũng sẽ tích cực. Ngoài ra, các công ty chứng khoán có các dịch vụ khác mang lại nguồn thu ổn định.
“Khi thị trường hồi phục, hoạt động của các công ty chứng khoán sẽ càng khởi sắc”, ông Trung nói.
Vận tải biển cũng đang được đánh giá là lĩnh vực triển vọng. Trong khi giá cước vận chuyển hàng rời và hàng lỏng khá ổn định trong thời kỳ dịch Covid-19, giá cước container đã tăng gấp 4 lần so với trước khi dịch bệnh xảy ra.
Diễn biến giá cước tăng cũng tác động đến các lĩnh vực liên quan như ngành logisics. Chuyên gia phân tích SSI cho rằng, về tổng thể, mức tăng trưởng lợi nhuận rất khả quan (tăng 106% so với cùng kỳ 2020, và không chỉ tăng từ mức cơ bản thấp) đối với tất cả các lĩnh vực logistics nhờ hoạt động xuất nhập khẩu mạnh mẽ và nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ logistics như kho bãi hoặc vận chuyển nội địa.
Theo số liệu của SSI, ước tính sản lượng hàng hóa thông qua các cảng của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 20% trong năm 2021. Sở hữu mạng lưới logistics rộng khắp cả nước, với nhiều cảng biển quan trọng, Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD) là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi chính từ xu hướng này.
Tương tự, cổ phiếu HAH (của Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An) được đánh giá là một cơ hội đầu tư tốt trong ngành logistics, với mô hình kinh doanh tích hợp (cảng – vận tải - kho bãi - logistics) và năng lực quản lý tốt. Phân khúc vận tải là động lực tăng trưởng chính cho HAH trong những năm gần đây.
Công ty có đội tàu container lớn nhất Việt Nam, đầu tư với chi phí vốn thấp trong chu kỳ đi xuống của ngành vận tải và sẵn sàng hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành cùng với nhu cầu vận tải container ngày càng gia tăng ở thị trường trong nước.
Ở mức giá hiện tại, HAH đang giao dịch với hệ số P/E năm 2021 và 2022 là 8 lần và 5,3 lần, đây là mức hấp dẫn đối với một công ty đang phát triển nhanh.