Giao dịch chứng khoán chiều 9/5: Thị trường đã “trong, sạch”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một phiên bán tháo lại diễn ra, phiên giảm sâu thứ hai trong nhịp điều chỉnh kéo dài hơn 1 tháng vừa qua. Câu chuyện bây giờ giữa các nhà đầu tư đó là “bạn đã sống sót thế nào?”.
Giao dịch chứng khoán chiều 9/5: Thị trường đã “trong, sạch”

“Thị trường hôm nay đã trong, sạch”, đó là nhận xét của một nhà đầu tư nhiều năm trên thị trường. Trong ở đây là “trong trắng” với bên mua trắng trơn do có tới 223 mã sàn trên HOSE, còn tính chung toàn thị trường thì số mã giảm sàn còn gấp đôi, “sạch” ở đây là “force sạch” lượng margin mà các nhà đầu tư còn đang cố trụ.

Không có gì cản nổi đà rơi dù lượng bắt đáy tiếp tục nhích hơn so với các phiên trước giúp thanh khoản thị trường tăng khoảng 20%. Một số nhà đầu tư kinh nghiệm chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán rằng, họ đã không chỉ một lần cơ cấu tài khoản trong đợt rơi này do không nghĩ thị trường giảm sốc vậy. Đầu tiên là giảm margin, tiếp nữa là bán các cổ phiếu tăng nóng để dịch chuyển sang các cổ phiếu có báo cáo kinh doanh quý I/2022 và năm 2021 tích cực với kỳ vọng nhóm này sẽ sớm tăng lại, nhưng đến thời điểm hiện tại thì buộc phải thanh lọc tiếp nhằm giữ lại một ít tiền chờ cơ hội mới.

Trên thực tế, nếu nhà đầu tư nào còn giữ cổ phiếu hoặc mua bắt đáy trong nhịp hồi giữa tháng 4 vừa qua thì không thể có lãi. Mọi chiến thuật nhằm giảm lỗ đều thua cách rút tiền đứng ngoài thị trường, một số nhà đầu tư nhanh nhạy có thể kiếm lời bằng cách quay sang thị trường phái sinh đua lệnh short, nhưng đây chỉ là số ít vì với các nhà đầu tư mới thì phái sinh khá… khó chơi!

Câu hỏi hiện tại là thị trường còn rơi tới khi nào?

Trong một thị trường bán tháo như hiện tại, với kinh nghiệm quá khứ thì câu trả lời phù hợp sẽ là… không biết khi nào!

Có thể sẽ là phiên ngày mai khi VN-Index đã về vùng điểm số thấp nhất trong 10 tháng, và mẫu hình 2 đáy của thị trường đang có kỳ vọng hình thành. Nhưng cũng có thể thị trường còn rơi tiếp vì mức mất đi 260 điểm so với vùng đỉnh 1.530 điểm của VN-Index, tương ứng với 17,1% vẫn chưa là gì so với các đợt sụt giảm mạnh trước đó.

Tuy nhiên có một điều luôn đúng là thị trường không thể cứ rơi mãi. Có một dấu hiệu để biết về mặt tâm lý đầu tư về thời điểm đáy thị trường là khi bạn nghe được câu chuyện "mua chứng khoán ăn cổ tức có lời hơn gửi tiết kiệm". Kiểu như doanh nghiệp thường xuyên chia cổ tức ở mức khoảng 20%/năm mà thị giá chỉ dưới 20.000 đồng/CP, lãi mỗi năm trên 10% (cao gấp đôi lãi suất tiết kiệm).

Khi thị trường xuất hiện những mã kiểu như vậy với số lượng tương đối, khi có những nhà đầu tư xử lý bài toán tài chính cá nhân như vậy thì mua vào không bao giờ lỗ.

Chốt phiên, VN-Index giảm 59,64 điểm (-4,49%) xuống 1.269,62 điểm với 27 mã tăng, trong khi có tới 445 mã giảm (223 mã giảm sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 674 triệu đơn vị, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 18.768 tỷ đồng, tăng 19,5% về lượng và 10,4% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 46,15 triệu đơn vị, giá trị gần 1.625 tỷ đồng.

Nhóm VN30 có tới gần 1/2 số mã nằm sàn, còn lại là giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm chủ yếu lớn hơn 3%. Trong số các mã giảm sàn đáng chú ý có mã lớn như TCB, BID, BVH, CTG, SSI, PLX.

Kết phiên, chỉ số VN30 cũng để mất tới gần 60 điểm và dừng chân ở vùng đáy 1.314 điểm.

Ngoài 13 mã trong rổ bluechip giảm sàn, trên sàn HOSE còn có tới 210 mã khác cũng kết phiên trong sắc xanh mắt mèo. Điều này khiến danh mục các mã có thị giá dưới mệnh giá càng nới rộng hơn với sự góp mặt thêm của các mã như APG, TVB, QCG, POM, TSC, CIG…

Xét về nhóm ngành, diễn biến tiêu cực cũng diễn ra. Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, số mã giảm sàn cũng chiếm tới hơn nửa với TCB, BID, CTG, VPB, STB, MSB, OCB, LPB; ngoài ra MBB và SHB cùng giảm hơn 6,4%, TPB giảm gần 6%...

Đáng chú ý, toàn bộ cổ phiếu chứng khoán trên sàn HOSE đồng loạt nằm sàn và đều trong trạng thái dư bán sàn. Đáng kể các mã lớn chất dư bán sàn khá lớn như VND dư bán sàn hơn 1,22 triệu đơn vị, SSI dư bán sàn hơn 0,87 triệu đơn vị, HCM dư bán sàn gần nửa triệu đơn vị, VCI dư bán sàn 0,72 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu thép chỉ còn HPG thoát khỏi sắc xanh mắt mèo nhưng vẫn kết phiên giảm mạnh với biên độ 4,4% về mức giá thấp nhất trong ngày 39.950 đồng/CP, còn lại HSG, NKG, TLH, POM, SMC đều giảm sàn.

Ở nhóm bất động sản, cặp đôi lớn VHM và VIC có chút thu hẹp biên độ giảm chỉ loanh quanh 1%, nhưng các mã ở top vừa và nhỏ thì không thoát khỏi trạng thái la liệt sàn, như KDH, DIG, DXG, VCG, NLG, ITA, BCG, SCR, CII, HDG, HDC…

Các nhóm cổ phiếu khác như thủy sản như VHC, CMX, ANV, IDI, ASM; phân bón như DCM, DGC, DPM, BFC; bán lẻ như FRT, DGW, PET; hay dệt may như EVE, GIL, MSH… cũng bị bán tháo và kết phiên giảm sàn.

Trên sàn HNX, thị trường tiếp tục nới rộng đà giảm sâu trong phiên chiều.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 10,07 điểm (-5,84%), xuống 323,39 điểm với 27 mã tăng (5 mã trần), 222 mã giảm (103 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 88,61 triệu đơn vị, tổng giá trị đạt hơn 1.887 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm hơn 9,77 triệu đơn vị, giá trị 150,44 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 có 3 mã đi ngược xu hướng thị trường thành công khi kết phiên trong sắc xanh gồm LHC tăng 5,4%, NRC tăng 3,9%, NBB tăng 2,4%.

Trái lại có 27 mã giảm, trong đó có tới 19 mã nằm sàn như THD, IDC, SHS, CEO, L14, HUT…

Trong đó, cổ phiếu PVS giảm 9,1% và kết phiên tại mức giá thấp nhất ngày 22.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HNX, đạt hơn 11,8 triệu đơn vị. Tiếp theo đó, các mã bluechip như IDC, SHS, CEO có khối lượng khớp lệnh hơn 6-8 triệu đơn vị.

Cũng như sàn HOSE, phiên lao dốc hôm nay cũng khiến thêm nhiều mã trên HNX lùi về vùng mệnh giá như PSI, MBG, TVC…

Trên UPCoM, thị trường cũng về vùng đáy trong ngày. Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 5,38 điểm (-5,29%) xuống 96,5 điểm với 67 mã tăng và 276 mã giảm (32 mã giảm sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,82 triệu đơn vị, giá trị hơn 815 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm hơn 3,45 triệu đơn vị, giá trị gần 74 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn đều nới rộng biên độ giảm trong phiên chiều, trong đó BSR giảm 6,5% xuống mức 20.200 đồng/CP và vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt 7,24 triệu đơn vị.

Các mã giảm mạnh khác như VGT giảm 11,5%, VGI giảm 13,3%, MSR giảm 13,7%, OIL giảm 7,3%, VEA giảm 3,6%...

Cổ phiếu C4G kết phiên giảm sàn với khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 5 triệu đơn vị, chỉ thua BSR về thanh khoản.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, VHG thoát nằm sàn nhưng kết phiên giảm 13% xuống sát giá sàn 4.700 đồng/CP và khớp 3,62 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm mạnh. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 5 là VN30F2205 giảm 53,9 điểm (-4%) xuống 1.308,1 điểm với 323.620 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 27.497 hợp đồng.

Thị trường chứng quyền cũng chìm trong biển đỏ. Trong đó, CFPT2203 dẫn đầu thanh khoản, đạt 198.410 đơn vị, kết phiên giảm 19,8% xuống 3.250 đồng/CQ. Tiếp theo là CHPG2117 khớp 167.830 đơn vị và kết phiên giảm 25% xuống 90 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ