Sau đợt giảm mạnh trong tháng 4 đã lấy đi hơn 125 điểm, tương ứng tới 8,4%, chỉ số VN-Index tiếp tục chứng kiến những phiên lao dốc mạnh trong đầu tháng 5. Chỉ trong 3 phiên giao dịch trong tuần ngắn ngủi đầu tháng 5, chỉ số này tiếp tục để mất thêm 37,5 điểm, tương ứng giảm 2,7% và rơi về dưới mốc 1.330 điểm.
Tổng cộng số điểm đã mất đi của VN-Index tới giữa phiên sáng nay lên tới 240 điểm từ mức đỉnh 1.530 điểm, tương ứng với 15,6%. Đây là mức chưa phải kỷ lục cho một đợt giảm trong lịch sử, và cũng chưa phải là mức quá lớn cho một xu hướng giảm giá trung hạn (20-24%), nhưng với nhiều cổ phiếu thì mức chiết khấu đã vượt trên 50% khiến nhà đầu tư sử dụng margin coi như đã mất tài khoản vì bị ép bán.
Thị trường đang trong trạng thái mất cân bằng khi thiếu vắng dòng tiền hỗ trợ cũng như cổ phiếu có thể ổn định thị trường. Hầu hết các công ty chứng khoán vẫn đưa ra dự báo thị trường vẫn tiếp tục trong trạng thái giảm mạnh trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Hữu Bình, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH), nhịp giảm này chưa dừng lại và với chỉ số chung còn tiếp tục. Nếu nhìn theo dữ liệu quá khứ, VN-Index thường chạm đáy khi mức giảm từ 20-24% từ đỉnh. VN-Index đóng cửa cuối tuần trước tại 1.329 điểm thì mức giảm mới chỉ là 13,1%, nếu theo tính toán này thì rõ ràng khoảng cách lớn nữa.
Quay lại diễn biến thị trường chứng khoán sáng đầu tuần ngày 9/5, giao dịch vẫn trong trạng thái ảm đạm khi sắc đỏ phủ trên diện rộng bảng điện tử.
Trên các sàn giao dịch, sau khoảng hơn 1 giờ giao dịch, số mã tăng chỉ vài ba chục mã, trong khi có tới hàng trăm mã mất điểm. Cụ thể, sàn HOSE có tới gần 400 mã giảm, gấp tới 10 lần số mã tăng; trong khi HNX cũng có gần 170 mã giảm, gấp hơn 8 lần số mã tăng.
Các chỉ số chính đồng loạt giảm sâu, chỉ số VN-Index rơi xuống dưới mốc 1.300 điểm khi để mất gần 2,4%; còn HNX-Index giảm hơn 3% xuống sát mốc 330 điểm. Điều này khiến nguy cơ thị trường retest mức đáy ngắn hạn tuần trước tại ngưỡng 1.260 điểm đang hiện hữu.
Trong nhóm bluechip, hiện chỉ có duy nhất VNM đi ngược xu hướng chung khi nhúc nhắc tăng 1-2 bước giá. Còn xét về nhóm ngành cũng không có nhóm nào lội ngược dòng thành công.
Các mã giao dịch sôi động trên thị trường hiện đang có mức giảm sàn hoặc sát sàn. Trong đó, FLC đang dẫn đầu thanh khoản với hơn 12 triệu đơn vị, hiện đang nằm sàn với khối lượng dư bán sàn hơn 0,6 triệu đơn vị. Tiếp theo đó là STB và GEX cũng tạm nằm sàn với khối lượng khớp vài triệu đơn vị.
Mặc dù thanh khoản có phần cải thiện tích cực nhưng với áp lực xả bán ồ ạt trên thị trường khiến các chỉ số duy trì đà giảm sâu trong hơn 1 giờ cuối phiên và tạm khép lại phiên sáng trong vùng giá thấp nhất trong ngày.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 28 mã tăng (1 mã tăng trần) và tới 424 mã giảm (79 mã giảm sàn), VN-Index giảm 47,23 điểm (-3,55%), xuống 1.282,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 378 triệu đơn vị, giá trị hơn 10.291 tỷ đồng, tăng gần 35% về khối lượng và tăng 22,62% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 6/5. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,18 triệu đơn vị, giá trị hơn 390 tỷ đồng.
Nhóm Vn30 không có mã nào giữ được mốc tham chiếu, toàn bộ 30 mã đều mất điểm. Trong đó STB sát giá sàn khi giảm 6,7% xuống mức 23.800 đồng/CP; các mã giảm sâu khác như PLX giảm 6,1%, KDH giảm 5,9%, GVR giảm 5,8%, SSI giảm 5,7%...
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng đua nhau giảm sâu với nhiều mã nóng như FLC, HQC, ROS, GEX, PTL, TSC, HAI, AMD… đồng loạt nằm sàn.
Xét về nhóm ngành, dòng bank chỉ có duy nhất NVB trên sàn HNX tăng nhẹ chưa tới 1%, còn lại đều giảm khá sâu. Điển hình như các mã TCB giảm 5,3%, BID giảm 4,46%, CTG giảm 5%, VPB giảm 5,42%, VIB giảm 4,31%, OCB giảm 5,86%...
Nhóm chứng khoán có phần tiêu cực hơn với nhiều mã như AGR, APG, BSI, CTS, FTS, VCI, VIX, WSS chốt phiên nằm sàn; các mã còn lại cũng trong trạng thái giảm sâu, ngoại trừ duy nhất PHS trên UPCoM tăng 4,2% với 1 lệnh mua duy nhất chỉ khớp 100 đơn vị.
Nhóm cổ phiếu rộng nhất thị trường là bất động sản và xây dựng cũng la liệt nằm sàn như HBC, HDG, VGC, SCR, DXG, HDC, LHG, FCN, DPG, DXS, PHC… Trong khi các mã lớn trong ngành như VHM, VIC, NVL đều giảm hơn 2%.
Nhóm cổ phiếu thép với NKG giảm sàn, còn lại chủ yếu giảm trên dưới 5%, ngoại trừ cổ phiếu đầu ngành HPG có phần bớt tiêu cực hơn. Mặc dù có thời điểm le lói sắc xanh nhưng áp lực bán gia tăng cũng khiến HPG không thoát khỏi xu hướng chung của thị trường. Tuy vậy, chốt phiên sáng nay, HPG là mã có biên độ giảm thấp nhất trong nhóm ngành khi để mất 1,7%, tạm đứng tại mức giá 41.100 đồng/CP và khớp lệnh 12,26 triệu đơn vị.
Các nhóm cổ phiếu khác trên thị trường cũng đua nhau giảm mạnh, như nhóm phân bón và hóa chất có DGC, DPM, DCM; hay nhóm bán lẻ có FRT, DGW, PET…
Trên HNX, thị trường lao dốc mạnh. Chốt phiên, HNX-Index giảm 17,53 điểm (-5,1%), xuống 325,93 điểm với 17 mã tăng (5 mã tăng trần) và 200 mã giảm (21 mã giảm sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,72 triệu đơn vị, giá trị 911,37 tỷ đồng, tăng 42,6% về lượng và 28,63% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,75 triệu đơn vị, giá trị đạt 105,5 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 chỉ có NVB nhích nhẹ và cặp LHC cùng SLS đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm với biên độ khá rộng, chủ yếu trên 5%.
Trong đó, cổ phiếu THD sau khi xuất hiện sắc xanh nhạt ở đầu phiên đã “quay xe” nằm sàn và chốt phiên sáng nay tại mức giá 98.500 đồng/CP với khối lượng dư bán sàn 22.800 đơn vị.
Các mã bluechip giảm mạnh khác như HUT giảm 9,4%; L14, LAS, TAR, VNR cùng giảm 9,3%, L18 giảm 9,2%, PLC giảm 8,8%, MBS giảm 8,7%, SHS giảm 8,4%...
Ở nhóm vừa và nhỏ, các mã cũng lao dốc mạnh với KLF thoát giá sàn nhưng chốt phiên giảm 6,8%, ART giảm 8,2%, BII giảm 7,7%, PVC giảm 6,8%, IDJ giảm 7%, MBG giảm 6%, DL1 giảm 6,7%...
Về thanh khoản, cổ phiếu PVS dẫn đầu thị trường với hơn 5,75 triệu đơn vị khớp lệnh; tiếp theo là SHS và CEO cùng khớp hơn 3,1 triệu đơn vị; các mã IDC, KLF, HUT, TNG, TVC, ART, APS khớp hơn 1 – 2 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, sắc đỏ bao trùm cũng khiến thị trường cắm đầu đi xuống.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 4,02 điểm (-3,95%), xuống 97,86 điểm với 59 mã tăng và 231 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22,97 triệu đơn vị, giá trị 401,73 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,9 triệu đơn vị, giá trị tương ứng đạt 31,71 tỷ đồng.
Các mã có thanh khoản tốt hơn trên thị trường với khối lượng khớp hơn 1-3 triệu đơn vị đều chốt phiên giảm khá mạnh.
Cụ thể, BSR giảm 4,6% xuống 20.600 đồng/CP và khớp 3,38 triệu đơn vị; C4G giảm 12% xuống 14.600 đồng/CP và khớp 2,53 triệu đơn vị; VHG giảm 9,3% xuống 4.900 đồng/CP và khớp 1,75 triệu đơn vị, QTO giảm 7,4% và khớp 1,52 triệu đơn vị ABB giảm 4,8% và khớp 1,28 triệu đơn vị, VGT giảm 7,5% và khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác cũng không thoát khỏi xu hướng giảm mạnh của thị trường chung như VGI giảm 9,1%, OIL giảm 5,8%, MSR giảm 9,2%...