Giao dịch chứng khoán chiều 8/5: Áp lực bán gia tăng, VN-Index vẫn đứng vững trên mốc 810 điểm

(ĐTCK) Áp lực bán xuất hiện trong nửa cuối phiên chiều khiến thị trường hạ độ cao. Tuy nhiên, với dòng tiền sôi động cùng sự dẫn dắt của các bluechip, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vua, đã giúp VN-Index trụ vững trên mốc 810 điểm trong phiên cuối tuần 8/5.
Giao dịch chứng khoán chiều 8/5: Áp lực bán gia tăng, VN-Index vẫn đứng vững trên mốc 810 điểm

Bất chấp những dự báo rung lắc và điều chỉnh sẽ đến trong phiên cuối tuần khi thị trường duy trì đà tăng trong 3 phiên liên tiếp kéo VN-Index tiến sát vùng đỉnh cũ, nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục là điểm tựa giúp chỉ số này dễ dàng có được mốc 800 điểm.

Tâm lý hưng phấn sau quyết định giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán đã kích hoạt dòng tiền mạnh. Đà tăng từ nhóm cổ phiếu bluechip đã lan rộng sang thị trường, nhấc VN-Index bay cao. Chỉ số này đã tăng hơn 22 điểm và xác lập mức cao nhất trong gần 2 tháng qua khi tạm chốt phiên giao dịch sáng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu tiếp tục tăng mạnh giúp thị trường nới rộng biên độ tăng. Chỉ số VN-Index nhanh chóng leo lên mốc 825 điểm chỉ trong khoảng 20 phút của phiên chiều.

Tuy nhiên, ngay khi tiếp cận vùng giá này, áp lực bán chốt lời đã xuất hiện khiến thị trường hạ nhiệt. Mặc dù không giữ được mốc cao nhất nhưng “liều thuốc” kích hoạt đã giúp nhiều nhà đầu tư có được niềm vui ngày cuối tuần.

Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là điểm tựa chính giúp VN-Index đứng vững trên mốc 810 điểm.

Cụ thể, nhóm cổ phiếu vua vẫn bảo toàn đà tăng mạnh với một số mã điển hình như TCB tiếp tục tím trần, VCB +5,5% lên 73.500 đồng/CP, VPB và HDB nới rộng biên độ tăng 5-6% và cũng có thời điểm khoác áo tím. Còn lại BID, CTG, MBB, STB đều tăng trên dưới 2%.

Đây cũng là nhóm cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường với 4 mã dẫn đầu thanh khoản gồm STB khớp 15,59 triệu đơn vị, VPB khớp 14,72 triệu đơn vị, CTG khớp 12,67 triệu đơn vị, MBB khớp 12,65 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều bluechip có mức tăng 1-2% như VIC, VNM, BVH, GAS, SAB, đáng kể một số mã như VHM, PLX, VJC có thời điểm tăng kịch trần nhưng sau đó có phần hạ nhiệt với biên độ tăng đều trên 4%.

Mặt khác, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, khá nhiều mã chịu áp lực bán đã quay đầu điều chỉnh sau phiên sáng nhích nhẹ như ITA, HSG, HAG, HQC, AMD, OGC…

Chốt phiên, sàn HOSE có 228 mã tăng và 140 mã giảm, VN-Index tăng 17,19 điểm (+2,16%), lên 813,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 371,34 triệu đơn vị, giá trị 7.026,39 tỷ đồng, tăng 54,21% về khối lượng và 60,71% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 31,18 triệu đơn vị, giá trị 734,63 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, sau nhịp tăng vọt đầu phiên, thị trường cũng thu hẹp biên độ, tuy nhiên HNX-Index kết phiên vẫn cao hơn đỉnh của phiên sáng.

Đóng cửa, sàn HNX có 89 mã tăng và 70 mã giảm, HNX-Index tăng 1,65 điểm (+1,55%), lên 108,31 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 62 triệu đơn vị, giá trị hơn 544 tỷ đồng, tăng 65,78% về lượng và 51,3% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,46 triệu đơn vị, giá trị 21,28 tỷ đồng.

Bộ 3 cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm của thị trường với ACB +0,9% lên 21.400 đồng/CP, SHB +5,6% lên mức cao nhất ngày 17.000 đồng/CP, NVB +3,8% lên 8.200 đồng/CP.

Trái lại, một số mã quay đầu điều chỉnh hoặc tiếp tục đi xuống như VCS -1,7% xuống 63.800 đồng/CP, VCG -0,8% xuống 25.400 đồng/CP, DGC -1% xuống 28.600 đồng/CP… hay các mã dầu khí đang lình xình quanh mốc tham chiếu, đã tác động không mấy tích cực khiến HNX-Index hạ độ cao.

Cặp đôi cổ phiếu thị trường KLF và HUT dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với khối lượng khớp lệnh tương ứng 13,69 triệu đơn vị và 10,57 triệu đơn vị. Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng khiến KLF kết phiên tại mức giá sàn còn HUT dừng chân tại mốc tham chiếu.

Trên UPCoM, sau khi được kéo qua mốc 53 điểm đầu phiên, thị trường cũng đã giật lùi. Tuy nhiên, kết phiên UPCoM-Index vẫn đứng trên đỉnh của phiên sáng.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,54 điểm (+1,03%), lên 52,91 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29,48 triệu đơn vị, giá trị 268,35 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,85 triệu đơn vị, giá trị 50,69 tỷ đồng.

Cổ phiếu LPB nới rộng biên độ tăng nhờ lực cầu sôi động. Kết phiên, LPB +4,23% lên 7.400 đồng/CP và khối lượng giao dịch tăng vọt, đạt 8,44 triệu đơn vị.

Trong khi đó, BSR giữ nguyên mức giá 6.100 đồng/CP và khớp 4,94 triệu đơn vị, còn OIL lên mức 8.000 đồng/CP và khớp 2,12 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai tăng điểm và 1 giảm là VN30F2012. Trong đó, VN30F2005 tăng 0,27% lên 743,9 điểm với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 276.290 đơn vị, khối lượng mở hơn 30.070 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, chỉ có 5 mã giảm và 6 mã đứng giá, còn lại đều tăng. Trong đó, dẫn đầu thanh khoản là CVPB2004 với 124.130 đơn vị được khớp lệnh và đóng cửa tăng lên 80 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục