Giao dịch chứng khoán chiều 8/12: VN-Index giữ sắc xanh trong phiên giao dịch thót tim

(ĐTCK) Thị trường có pha đổ đèo thót tim đầu phiên chiều, nhưng nhờ sự hỗ trợ từ nhóm ngân hàng và chứng khoán, VN-Index vẫn giữ được đà tăng phiên thứ 2 liên tiếp.

Sau phiên hồi phục mạnh hơn 33 điểm hôm qua, thị trường tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên sáng nay với sự trợ giúp đến từ nhóm ngân hàng. Dù có chút rung lắc cuối phiên, nhưng với sự vững vàng của nhóm ngân hàng, cùng sự ủng hộ tích cực từ nhóm chứng khoán, VN-Index đã bật trở lại và có mức tăng tốt hơn 10 điểm.

Quán tính từ lực cầu ở cuối phiên sáng kéo VN-Index nhích thêm khi bước vào phiên giao dịch chiều. Tuy nhiên, khi chỉ số vừa tiến sát ngưỡng 1.460 điểm, lực cung đã gia tăng mạnh khiến thị trường có pha đổ đèo thót tim. VN-Index mất hơn 11 điểm chỉ trong 45 phút giao dịch. Khi mọi người đã nghĩ tới kịch bản về phiên kéo xả và đợt phục hồi kỹ thuật của thị trường đã kết thúc, thì nhóm ngân hàng đã một lần nữa thể hiện vai trò nâng đỡ, giúp VN-Index bật trở lại và có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp, dù mức đóng cửa thấp hơn phiên sáng.

Chốt phiên, VN-Index tăng 6,10 điểm (+0,42%), lên 1.452,87 điểm với 207 mã tăng và 222 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 771 triệu đơn vị, giá trị 21.611,2 tỷ đồng, tương đương với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 39 triệu đơn vị, giá trị 1.559,4 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng chỉ có TCB đóng cửa ở tham chiếu, còn lại đều tăng giá, trong đó TPB thậm chí tăng trần lên 51.100 đồng, khớp 9,19 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn nửa triệu đơn vị. Tiếp theo là EIB tăng 4,3% lên 26.700 đồng, SSB tăng 2,33% lên 39.500 đồng, VIB tăng 2,08% lên 41.800 đồng, SHB tăng 2% lên 22.900 đồng, khớp 14,04 triệu đơn vị.

Trong khi đó, mã có thanh khoản tốt nhất là VPB tăng 0,3% lên 35.750 đồng, khớp 16,49 triệu đơn vị. Tiếp đến là STB tăng 1,96% lên 28.600 đồng, khớp 15,75 triệu đơn vị. “Anh cả” VCB cũng tăng 0,51% lên 98.70 đồng. Ngoài ra, CTG tăng 0,92% lên 33.000 đồng, BID cũng tăng 0,92% lên 44.000 đồng, HDB tăng 1% lên 30.300 đồng, LPB tăng 0,95% lên 21.150 đồng.

Tương tự, nhóm bất động sản cũng có giao dịch khá tích cực với sắc xanh chiếm ưu thế hơn, trong đó QCG tăng trần lên 12.850 đồng, khớp 2,64 triệu đơn vị. Các mã tăng mạnh khác có SJS tăng 6,53% lên 81.600 đồng; TDH tăng 5,54% lên 14.300 đồng; ITA tăng 5,24% lên 15.050 đồng, khớp 33,77 triệu đơn vị, thuộc top mã thanh khoản tốt nhất sàn; DXS tăng 4,15% lên 33.850 đồng; KBC tăng 4,13% lên 53.000 đồng. Trong khi đó, ROS giảm mạnh nhất 5,06% xuống 8.060 đồng, khớp 55 triệu đơn vị, cao nhất thị trường.

Trong các mã họ FLC trên HOSE, ROS là mã tiêu cực nhất, còn lại GAB đứng giá tham chiếm, FLC tăng 1,36% lên 14.900 đồng, AMD tăng 3,44% lên 6.620 đồng, HAI tăng 3,8% lên 7.100 đồng.

Nhóm chứng khoán cũng có sắc xanh nhiều hơn sắc đỏ (chỉ 4 mã giảm), nhưng mức tăng cũng không lớn, chỉ có CTS tăng hơn 2%.

Trong khi đó, nhóm thép sau những thời khắc lóe sáng cùng thị trường, đã nhanh chóng trở lại nhịp điều giảm quen thuộc với mã lớn nhất ngành HPG giảm 0,84% xuống 47.200 đồng. HSG giảm 1,66% xuống 35.500 đồng, NKG giảm 2,57% xuống 37.900 đồng. Đặc biệt, sau chuỗi tăng nóng, TNI trải qua chuỗi giảm sàn liên tục 6 phiên. Sau khi hồi trần cùng thị trường phiên hôm qua, TNI đã nhanh chóng quay lại giảm sàn xuống 8.910 đồng hôm nay.

Trong các mã khác, HAG khởi sắc với mức tăng trần lên 9.870 đồng, khớp tới 38,3 triệu đơn vị và còn dư mua trần. HNG cũng tăng mạnh 4,6% lên 9.170 đồng, khớp 15,6 triệu đơn vị.

Ngoài ra, POW cũng giao dịch tích cực với thanh khoản 41,63 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,7% lên 15.100 đồng. BCG tăng mạnh 4,4% lên 24.850 đồng, khớp hơn 3 triệu đơn vị.

Trong khi đó, sàn HNX yên bình hơn trong phiên chiều khi chỉ số chính của sàn này giao dịch biên độ hẹp quanh giá đóng cửa của phiên sáng và đóng cửa nhỉnh hơn chút ít so với phiên sáng.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 3,34 điểm (+0,75%), lên 449,74 điểm với 101 mã tăng và 121 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 145 triệu đơn vị, giá trị 3.586 tỷ đồng, tăng 23% về khối lượng và 7,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 23 triệu đơn vị, giá trị 420 tỷ đồng.

Hôm nay, KLF trở thành tâm điểm trên sàn HNX khi tăng trần lên 7.100 đồng với thanh khoản cao nhất sàn 21,81 triệu đơn vị. Trong khi đó, “anh em” cùng nhà là ART lại giảm 2,1% xuống 13.800 đồng, khớp 2,33 triệu đơn vị.

Cũng nổi bật như KLF là OCH khi tăng trần lên 9.600 đồng, khớp 8,26 triệu đơn vị, đứng thứ 4 về thanh khoản và còn dư mua giá trần.

Trong top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn HNX, chỉ có BAB giảm nhẹ 0,43% xuống 22.900 đồng, còn lại đều tăng. Trong đó, tăng mạnh nhất là mã vốn hóa lớn thứ 2 thị trường IDC tăng 7,52% lên 88.700 đồng, thanh khoản cũng lớn gần 7 triệu đơn vị. Tiếp đến là SHS tăng 4,21% lên 49.500 đồng, khớp 11,4 triệu đơn vị. PVS tăng 2,32% lên 26.500 đồng, khớp 10,14 triệu đơn vị.

Ngoài ra, PVC tăng 8% lên 14.800 đồng, khớp 4,51 triệu đơn vị, TVC tăng 2,9% lên 21.600 đồng, khớp 2 triệu đơn vị. Trong khi đó, CEO giảm trở lại 4,8% xuống 39.900 đồng…

Trên thị trường UPCoM, diễn biến giao dịch phiên chiều khá giống phiên sáng khi có những cú “quay xe” liên tục, nhưng đóng cửa có được sắc xanh.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,45 điểm (+0,4%), lên 111,29 điểm với 211 mã tăng, nhiều hơn so với 131 mã giảm. Tổng khối lượng giao địch dạt 65,3 triệu đơn vị, giá trị 1.432,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,6 triệu đơn vị, giá trị 124,4 tỷ đồng.

Phiên hôm nay EVF bất ngờ vượt qua các tên tuổi quen thuộc trên thị trường này trở thành mã có thanh khoản lớn nhất 6,7 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 13,1% lên 20.700 đồng, mức cao nhất ngày.

Trong khi đó, BSR tăng 1,4% lên 21.600 đồng, thanh khoản 6,16 triệu đơn vị. HHV tăng 0,8% lên 24.800 đồng, khớp 5,97 triệu đơn vị. Các mã có thanh khoản trên 3 triệu đơn vị là ABB, VGT và VHG.

Trên thị trường phái sinh, chỉ có 1 hợp đồng tương lai đáo hạn tháng 1/2022 tăng theo thị trường cơ sở, còn lại đều giảm. Cụ thể, VN30-Index tăng 3,54 điểm (+0,23%), lên 1.516,16 điểm với 19 mã tăng 10 mã giảm và 1 mã đứng giá tham chiếu, trong đó TPB tăng trần. Trong khi đó, hợp đồng đáo hạn tháng 12 giảm 1 điểm (-0,07%), xuống 1.511 điểm với 144.500 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 35.863 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, có sự cân bằng giữa sỗ mã tăng giảm. Trong đó, mã tăng mạnh nhất là CPNJ2105 do SSI phát hành với 35,8% lên 1.100 đồng, thanh khoản hơn nửa triệu đơn vị. Trong khi mã giảm mạnh nhất là CTCB2111 do BSC phát hành giảm 31,4% xuống 1.620 đồng, thanh khoản chỉ hơn 15.000 đơn vị.

Phiên hôm nay có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là CVHM2114 và CVIC2106 do KIS phát hành, cùng CHPG2111 do SSI phát hành.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục