Cổ phiếu bất động sản, xây dựng: “Cú huých” đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đầu tư công đang là “cú huých” cho cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, là nguồn cảm hứng cho nhà đầu tư địa ốc trong tháng cuối cùng của năm.
Hạ tầng giao thông là đôi cánh cho bất động sản bay cao. Ảnh: Dũng Minh. Hạ tầng giao thông là đôi cánh cho bất động sản bay cao. Ảnh: Dũng Minh.

Động lực tăng trưởng chính

Thông tin từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong tháng 11/2021, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình đầu tư công.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11/2021 ước đạt 48.500 tỷ đồng, tăng 14,7% so với tháng 10/2021.

Ngày 22/11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1962/QĐ-TTg thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/10/2021 dưới 60% kế hoạch được giao, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thủ tục về đầu tư công còn bất cập để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định, nhất là quy định về xây dựng, đất đai, tài nguyên…

Những chuyển biến này được cho là hết sức quan trọng và tạo tâm lý phấn khởi cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

“Là doanh nghiệp tham gia nhiều dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công, tôi thấy rất lạc quan. Theo tôi, điểm sáng nổi bật là sự quyết liệt và tính chiến lược rõ ràng trong công tác điều hành của Chính phủ”, ông Cao Đăng Hoạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ruby Group bày tỏ sự hồ hởi khi mở đầu câu chuyện về nguồn cảm hứng từ đầu tư công với phóng viên,

Ông cho biết, không chỉ thể hiện tinh thần này với các hoạt động kinh tế - xã hội trong nước, mà cả với hoạt động ngoại giao, khi Việt Nam đang có quan hệ rất tốt với các quốc gia, các định chế tài chính lớn, nâng cao được uy tín, vị thế của đất nước, khiến cho các nhà đầu tư lớn trên thế giới ngày càng tin tưởng hơn để đầu tư vào Việt Nam.

Tất cả những điều này đã, đang và sẽ tạo ra cảm hứng, động lực tăng trưởng cho không chỉ thời gian trước mắt, mà cả giai đoạn tới.

Theo ông Hoạt, việc Bộ Giao thông Vận tải trình Quốc hội về 12 tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 và khả năng sẽ được thông qua trong kỳ họp bất thường dự kiến diễn ra trong tháng 12 này với tổng vốn đầu tư gần 150.000 tỷ đồng, sẽ thực sự trở thành động lực tăng trưởng cho cả nước trong 5 năm tới.

“Cao tốc Bắc - Nam được triển khai sẽ nối liền Lạng Sơn cho đến Cà Mau và đánh thức tiềm năng của các vùng miền, đặc biệt ở các địa bàn có tuyến cao tốc đi qua. Khu vực miền Trung, Tây Nam Bộ được ví như ‘cô gái đang ngủ yên’ và đầu tư công qua các dự án giao thông trọng điểm sẽ đánh thức ‘cô gái’ này. Chúng tôi vẫn hay nói với nhau rằng, ‘đại lộ’ là ‘đại phú’, có hạ tầng, đường sá, giao thông thì kinh tế - xã hội và cả thị trường bất động sản sẽ theo đó mà phát triển mạnh mẽ”, ông Hoạt hào hứng nói.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư công và phát triển hạ tầng sẽ tạo lực đỡ rất lớn, giúp thị trường bất động sản có thể nhanh chóng hồi phục sau giãn cách.

Giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn đầu tư công là 2,87 triệu tỷ đồng (tăng 43% so với thực hiện giai đoạn 2016 - 2020) và tỷ lệ giải ngân phấn đấu đạt 95%, cao hơn mức giải ngân 75% của giai đoạn 2016 - 2020. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp như hiện nay, dòng tiền chảy vào bất động sản khả năng sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới.

Bên cạnh “cú huých” đầu tư công, theo ông Lực, nền tảng vững chắc cũng là yếu tố quan trọng để thị trường bật dậy, khi hàng nghìn doanh nghiệp bất động sản đã hoạt động trở lại.

Ba quý đầu năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 148.000 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 37% tổng lượng trái phiếu phát hành, đứng thứ hai sau nhóm ngân hàng. Các dữ liệu cho thấy, dòng tiền tiếp tục dịch chuyển vào bất động sản, cộng với hiệu ứng đầu tư công, cơ hội phục hồi của thị trường địa ốc sẽ rộng mở.

Mở cánh cửa tăng trưởng

Trao đổi với phóng viên, đại diện một đơn vị phát triển bất động sản, logistics và cảng biển cho rằng, kể cả việc đưa ra các gói kích thích kinh tế thì bản chất vẫn là tung tiền ra để đẩy mạnh đầu tư công, do đó, để đảm bảo hiệu quả của hoạt động này, quan trọng là phải đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng, điều tiết tốc độ bơm tiền, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án và khơi thông thị trường.

Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư công sẽ giúp các dự án bất động sản được hưởng lợi mạnh mẽ, bởi trong câu chuyện hình thành giá trị cho dự án, không thể không nhắc đến yếu tố vị trí, tính kết nối, mà điều này phụ thuộc vào các dự án giao thông lớn, các dự án đầu tư về hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội từ vốn đầu tư công.

Cũng theo vị đại diện này, về cơ bản, Nhà nước giữ vai trò điều tiết, kết nối hạ tầng theo các kế hoạch ngắn và trung hạn, nhưng hiện tại nên tập trung vào các dự án hạ tầng thiết yếu.

Một điểm đáng lưu ý nữa là Việt Nam sở hữu mặt tiền biển lớn, có thể mang lại nhiều lợi ích nếu có được các dự án đầu tư hiệu quả để khơi thông nguồn lực, tận dụng tiềm năng ở các lĩnh vực logistics, cảng biển...

“Việc thúc đẩy đầu tư công là rất quan trọng, nên cần được đôn đốc thường xuyên trong suốt năm, thay vì tập trung vào thời điểm cuối năm, bởi thời điểm điểm này sẽ thích hợp hơn với việc lên kế hoạch cho năm sau. Với các dự án chậm tiến độ, cần khẩn trương rà soát một cách liên tục trong năm để có hướng xử lý, vì sự chậm trễ có một nguyên nhân quan trọng là yếu kém trong công tác quản lý”, vị đại diện doanh nghiệp thẳng thắn nói.

Lạc quan hướng tới 2022

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, bức tranh chung hiện tại có nhiều điểm sáng như tăng độ phủ tiêm vắc-xin Covid-19, đẩy mạnh đầu tư công…, đây là tiền đề quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế và thị trường địa ốc.

Ông Thành cho biết, nhiều tổ chức uy tín quốc tế dự báo, năm 2022, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% cho thấy kỳ vọng về một sự bứt phá mạnh mẽ, mà thời điểm cuối năm 2021 là nền tảng, là quá trình hình thành và tích lũy.

Chia sẻ thêm về câu chuyện đầu tư công, ông Thành cho biết, lĩnh vực này đang có sự chuyển biến rõ nét về mặt vĩ mô, khi nhiều địa phương cùng làm quy hoạch, cùng có tham vọng phát triển mạnh mẽ.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng đã có những quyết sách rõ ràng về hạ tầng, ngân sách phân bổ trung hạn và khi giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh thì các quy hoạch sẽ thành hiện thực và hạ tầng thì luôn là bệ đỡ cho bất động sản thăng hoa, chẳng hạn chỉ riêng khu vực miền Trung sẽ có 6/12 sân bay được nâng cấp lên thành các cảng hàng không quốc tế và khi đó, bất động sản khu vực này sẽ càng có giá trị.

Còn theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, thực tế cho thấy, bất động sản luôn là lĩnh vực bật dậy mạnh mẽ sau mỗi lần dịch được khống chế và ngoài đầu tư công, thị trường chứng khoán cũng khá ổn định, là kênh luân chuyển tiền tệ cho thị trường địa ốc, hay nhiều cơ chế, chính sách được khơi thông cũng kỳ vọng sẽ mang đến sự thăng hoa cho thị trường này.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam đánh giá, việc đẩy mạnh đầu tư công là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản. Một số dự án lớn tại khu vực phía Nam như sân bay Long Thành, các tuyến metro và các trục giao thông nối TP.HCM với các địa phương lân cận, quy hoạch phân khu nội đô lịch sử và sông Hồng tại Hà Nội… có tác động tích cực đến thị trường bất động sản trong trung và dài hạn. Các chủ đầu tư sở hữu quỹ đất tại các khu vực này sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển cơ sở hạ tầng và giá đất tăng.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục