Giải ngân đầu tư công: Kỳ vọng vừa phải

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quyết tâm thúc đẩy đầu tư công là rõ ràng, nhưng còn nhiều trở ngại để biến quyết tâm này thành kết quả thực tế.
Giải ngân đầu tư công: Kỳ vọng vừa phải

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 8 tháng đầu năm, vốn đầu tư công thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước mới đạt 244.900 tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

8 tháng đầu năm, vốn đầu tư công thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước mới đạt 244.900 tỷ đồng, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

TS. Nguyễn Đức Kiên, chuyên gia kinh tế nhận định, trong quý III, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công không duy trì được như 7 tháng đầu năm (bằng 44,3% kế hoạch năm và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020) vì nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều công trình xây dựng bị dừng thi công.

“Năm 2020, đầu tư công được xác định là một cú huých cho nền kinh tế, song đến năm nay, cú huých này giảm lực do nhiều tác động khách quan”, TS. Kiên đánh giá.

Nhìn lại năm 2020, dù trong nước xảy ra hai đợt bùng phát dịch Covid-19, nhưng mức độ lây lan của chưa quá nghiêm trọng và dịch bệnh nhanh chóng được khống chế. Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực đầu tư công không bị gián đoạn, công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng không bị tác động quá tiêu cực.

Năm nay, hai đợt bùng dịch bệnh đều kéo dài và phức tạp hơn, đặc biệt, đợt bùng phát lần thứ 4 đang ảnh hưởng nặng nề đến hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM. Nguồn lực đất nước bị phân tán cho hoạt động chống dịch nên khó có thể kỳ vọng quá lớn vào lực đẩy đầu tư công lúc này.

Trong buổi trao đổi với báo chí mới đây, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, vì vậy, đầu tư công chủ yếu là thực hiện các bước chuyển tiếp của giai đoạn trước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Sắp tới, nhiều dự án được dự kiến khởi công, đấu thầu tạo điều kiện giải phóng lượng vốn hơn 70.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, đà tăng giá chóng mặt của nguyên vật liệu đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án. Đặc biệt, các nhà thầu đã ký hợp đồng ở giai đoạn vật liệu xây dựng còn ở mặt bằng giá thấp sẽ chịu sức ép rất lớn về phương án tài chính khi triển khai thi công.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của các doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng đã tăng giá tích cực nhờ kỳ vọng của nhà đầu tư về việc hiệu quả kinh doanh sẽ khởi sắc khi hoạt động đầu tư công được thúc đẩy.

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, ngành xây dựng năm 2021 dự phóng tăng trưởng rất nhẹ, trong trường hợp xấu nhất là suy giảm. Những tháng qua đã có nhiều doanh nghiệp quyết định tạm hoãn thi công để chờ quyết định bù trừ giá vật tư tăng quá cao và vốn khiến tiến độ có thể chậm hơn từ 6 - 18 tháng.

Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hữu Bình cũng đưa ra dự báo, khi dịch bệnh chưa được khống chế, sản xuất đình trệ, các doanh nghiệp xây lắp khó thoát lỗ trong quý III, tình trạng này sẽ kéo dài sang cả quý IV.

“Để phỏng đoán câu chuyện doanh nghiệp xây lắp được hưởng lợi từ đầu tư công trong ngắn hạn và mang theo sự kỳ vọng của thị trường là rất khó. Nhưng trong chiến lược trung và dài hạn, chắc chắn vẫn còn rất nhiều cơ hội đầu tư đối với các doanh nghiệp này”, ông Bình nói.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ