"Sóng" đầu tư công: Kỳ vọng và ảo vọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính sách đẩy mạnh đầu tư công đã giúp nhiều cổ phiếu nhóm ngành liên quan liên tục dậy sóng. Với nhiều trường hợp, kỳ vọng này là có cơ sở, nhưng không ít trường hợp có thể chỉ là ảo vọng.
Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt vừa khánh thành ngày 28/8. Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt vừa khánh thành ngày 28/8.

Chính sách chưa thấm tới doanh nghiệp

Mỗi khi có thông tin về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công thì cổ phiếu các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành kinh doanh được cho là hưởng lợi như xây lắp, vật liệu xây dựng gần như ngay lập tức phản ánh sự kỳ vọng của nhà đầu tư. Diễn biến này được lặp lại không ít lần từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 đến nay.

Trên các diễn đàn về chứng khoán, những khuyến nghị về nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công ngày một nhiều, với những dẫn chứng cụ thể về khoản lãi lớn khi mua, bán đúng thời điểm, “ăn được vài vòng”.

Trong khi cổ phiếu được hưởng lợi nhờ những thông tin đó, thì trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nhóm này phản ánh chưa ghi nhận tác động thực tế của giải ngân đầu tư công đến hoạt động của mình.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) cho biết, nếu quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công là quá tốt, nhưng hiện tại, Công ty chưa thấy hưởng lợi gì nhiều vì phụ thuộc vào giải ngân trên thực tế.

Ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng và Khoáng sản Bình Dương (KSB) chia sẻ, đẩy mạnh đầu tư công đang là chủ trương của Chính phủ nhằm kích thích nền kinh tế tăng trưởng, nhưng từ chủ trương đến thực tiễn là quá trình lâu dài.

Trong khi đó, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến tiến độ của nhiều dự án, công trình. Trong nửa đầu năm 2020, đã mất 5 tháng thị trường tiêu thụ rất chậm, vừa do có kỳ nghỉ Tết và sau Tết là giãn cách xã hội làm ảnh hưởng nhiều hoạt động kinh doanh...

Thực tế doanh nghiệp phản ánh cũng không có gì bất ngờ nếu nhìn vào con số giải ngân vốn đầu tư công cả nước trong 7 tháng đầu năm là 203.000 tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch cả năm. Đó là chưa nói tới thực tế giải ngân đầu tư công có nhiều khác biệt ở các địa phương, có nơi giải ngân tốt nhưng có nơi rất ì ạch.

Dù nhận định nhóm cổ phiếu xây lắp hạ tầng và vật liệu xây dựng có thể được hưởng lợi sớm và phản ánh nhanh nhất vào kết quả kinh doanh, nhưng các công ty chứng khoán cho rằng, vẫn cần đánh giá kỹ hơn từng cổ phiếu trong ngành để xem xét đầu tư.

Nhóm doanh nghiệp xây dựng, các công ty lớn đầu ngành như Coteccons, Hòa Bình, CII, Licogi 16, Becamex, DIG hay các tổng công ty thuộc họ Cienco có thể được hưởng lợi nhờ sự lan tỏa từ chính sách thúc đẩy đầu tư công trong phần còn lại của năm.

Mức độ hưởng lợi của mỗi công ty còn tùy thuộc vào vị trí địa lý của các dự án được triển khai, năng lực của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm, giá chào thầu và nhiều yếu tố khác.

Đặc biệt là năng lực tài chính để đeo đuổi các dự án có vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng (đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính để đối ứng vốn và ứng phó với rủi ro thường gặp là thanh toán không đúng tiến độ dự kiến).

Doanh nghiệp xi măng khó hưởng lợi trong ngắn hạn

Những yếu tố trên dường như chưa được nhà đầu tư cân nhắc nhiều trong quyết định mua theo sóng đầu tư công. Đó là lý do nhiều cổ phiếu trong nhóm đã tăng giá quá đà, vượt khỏi giá trị thực tại của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, trong ngành xi măng, hai cổ phiếu tiêu biểu là HT1 (Xi măng Hà Tiên 1) và BCC (Xi măng Bỉm Sơn) đã có sóng tăng rất tốt.

Về lý thuyết, các doanh nghiệp ngành xi măng sẽ được hưởng lợi trong những tháng cuối năm khi việc giải ngân đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt hơn.

Tuy nhiên, ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, quá sớm để kỳ vọng vào việc ngành xi măng được hưởng lợi trong bối cảnh thị trường xi măng dư cung rất lớn.

Ước tính, tổng công suất của các nhà máy xi măng Việt Nam là 105 triệu tấn và có thể dư cung trên 30 triệu tấn trong năm 2020.

Mức độ hưởng lợi cũng phân theo vùng miền khi các nhà máy phân bổ theo vùng nguyên liệu núi đá vôi. Miền Bắc là nơi tập trung 60% nhà máy xi măng của cả nước (ước tính 70 nhà máy), nên mức độ cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Miền Nam chỉ có núi đá vôi lớn ở Bình Phước và Hà Tiên, số lượng công ty ít hơn nên với lợi thế địa phương, áp lực cạnh tranh thấp hơn.

Trong trường hợp đầu tư công được giải ngân mạnh, ông Minh đánh giá, sang giai đoạn 2022 - 2023, các công ty xi măng mới thực sự hưởng lợi từ các dự án đầu tư hạ tầng, sau khi các công trình sử dụng vốn công đã hoàn tất giải phóng mặt bằng.

Cổ phiếu đá xây dựng, kỳ vọng quá nhiều

Trong nhóm ngành đá xây dựng, cổ phiếu KSB đã tăng giá 25,5% trong vòng một tháng qua. Cổ phiếu C32 của Công ty cổ phần CIC39 và cổ phiếu DHA của Công ty cổ phần Hóa An đều tăng 16%. , với kỳ vọng doanh nghiệp có nhiều mỏ đá tập trung ở khu vực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên, trên thực tế, cả KSB và C32 - đơn vị khai thác tại cụm mỏ Tân Đông Hiệp, chỉ còn lại lượng đá tận thu trong quá trình cải tạo môi trường để hoàn tất việc đóng mỏ.

Nguồn cung từ cụm mỏ này sẽ giảm trong năm 2020 và hoàn toàn không còn sau năm 2021. Để bù đắp sản lượng giảm, KSB đã theo đuổi việc mua lại một doanh nghiệp sở hữu mỏ đá lớn từ vài năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả rõ ràng.

Nếu thương vụ này không thành, hoặc tiếp tục kéo dài hơn dự kiến thì với các mỏ hiện hữu, KSB hưởng lợi từ đầu tư công không như kỳ vọng.

Còn C32, dù có sở hữu chéo với DHA, nhưng tỷ lệ sở hữu của mỗi bên đều dưới 15%, nên khó đưa ra kết luận cặp đôi C32 cung cấp cống bê tông, còn DHA cung cấp đá xây dựng sẽ bổ trợ cho nhau khi tham gia các dự án.

Xây lắp hạ tầng, rủi ro trên nền tảng tài chính yếu

Trong lĩnh vực xây lắp hạ tầng, Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 (C4G) là một trong những nhà đầu tư tham dự thầu và đã qua vòng sơ tuyển ở nhiều dự án thành phần dự án cao tốc Bắc - Nam.

Đây là thông tin tích cực cho C4G trước xu hướng doanh thu xây lắp sụt giảm dần từ năm 2016 do khó cạnh tranh hơn và một số dự án bị kéo dài, chậm triển khai thu phí. Bức tranh tài chính của C4G không được cải thiện nhiều qua các năm.

Năm 2019, chi phí lãi vay của C4G là 232 tỷ đồng, tương đương 64,4% lợi nhuận gộp. Nợ phải trả của C4G tại ngày 30/6/2020 lên tới 6.072 tỷ đồng, tương đương 83% tổng tài sản. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên tới 4,7 lần.

Hệ số thanh toán là 1,07 lần và phụ thuộc nhiều vào khả năng xử lý các khoản phải thu ngắn hạn hơn 2.610 tỷ đồng.

Đây lý do thị giá C4G giảm mạnh từ 14.000 đồng/cổ phiếu về vùng giá “trà đá” khoảng 3.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2019.

Với thực trạng sức khỏe tài chính của C4G, các thông tin tích cực như doanh nghiệp trúng thầu thực hiện dự án sửa chữa đường băng của sân bay Tân Sơn Nhất; trúng một gói thầu hơn 600 tỷ đồng tại dự án Cam Lộ - La Sơn… vẫn chưa thể đưa thị giá cổ phiếu này về mệnh giá.

Một cổ phiếu ngành xây lắp khác là LCG của Công ty cổ phần LICOGI 16 ghi nhận tăng 19% trong 1 tháng và tăng đến 42% trong quý vừa qua khi lọt qua vòng sơ tuyển của dự án cao tốc Bắc - Nam.

LCG cũng đang thực hiện các dự án hạ tầng giao thông như cao tốc 45 Nghi Sơn, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, nhưng dự báo khả năng cũng sẽ bị chậm tiến độ và dời sang năm 2021.

Từ năm 2018, dòng tiền thuần của LCG liên tục âm, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn để tài trợ cho các dự án, chủ yếu do khoản phải thu khách hàng từ hoạt động xây dựng hạ tầng giao thông tăng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản.

Cụ thể, cuối năm 2019, khoản mục này lên đến gần 1.525 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2018, gấp 2,54 lần năm 2017. Nguyên nhân là các chủ đầu tư gặp khó khăn nên chậm tiến độ nghiệm thu và thanh toán cho các dự án: cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, nhà máy nước Phú Ninh, dự án điện mặt trời Mỹ Sơn 1 và 2, nhà máy nước Tây Mỗ…

Ngoài ra, việc giá cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá làm ảnh hưởng đến việc huy động vốn, do đó, LCG liên tục vay nợ làm gia tăng áp lực trả lãi vay. Ngay tại Đại hội đồng cổ đông LCG, lãnh đạo doanh nghiệp đã thốt lên chua xót khi thấy giá cổ phiếu quá thấp, không ai mua khiến không huy động được vốn để đầu tư.

Mặt khác, LCG cũng đang phân bổ nguồn lực cho mảng năng lượng điện mặt trời, dự kiến là mảng tạo ra nguồn thu ổn định cho LCG trong dài hạn. Bên cạnh đó, Công ty còn có mảng bất động sản, nước.

Với dòng tiền không quá mạnh lại dàn trải ở nhiều mảng, nợ vay gia tăng đang tạo ra áp lực tài chính cho LCG - một yếu tố rất rủi ro trong hoạt động xây lắp hạ tầng.

Đánh giá kỹ điểm mạnh và điểm yếu của từng doanh nghiệp cũng như các rủi ro đi kèm như pháp lý, năng lực tài chính… để xây dựng danh mục đầu tư phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro khi lướt theo sóng đầu tư công là điều mà nhà đầu tư cần chú ý.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục