Trong phiên giao dịch sáng VN-Index đã 3 lần test ngưỡng 1.360 điểm và đều thất bại khi dòng tiền không mạnh, trong khi 2 nhóm dẫn dắt phiên tăng mạnh hôm qua là ngân hàng và chứng khoán hạ nhiệt nhanh. May mắn nhờ sự hỗ trợ của GAS, HPG, VHM và GVR, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh nhạt trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.
Bước vào phiên giao dịch chiều, thị trường tiếp tục gặp rung lắc nhẹ khi lực cầu thận trọng, nhưng việc bên bán không chịu ra hàng giá thấp giúp VN-Index không bị đẩy xuống sâu như cuối phiên sáng.
Sau khoảng 50 phút giao dịch của phiên chiều, đột biến đã xảy ra khi dòng tiền ồ ạt hướng vào nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng, kéo hàng loạt mã tăng mạnh, trong đó có nhiều mã tăng trần như DIG, HQC, NBB, CKG, PHC, sau đó lan toả ra nhiều nhóm ngành khác giúp sắc xanh tràn ngập bảng điện tử, gấp hơn 2 lần sắc đỏ, trong đó có 22 mã tăng trần so với chỉ 5 mã trong phiên sáng.
VHM dù không tăng quá mạnh, nhưng cùng với người anh em VRE góp công lớn cho đà tăng của VN-Index hôm nay. Bên cạnh đó, phải kể đến sự vững vàng của GAS, HPG, GVR và sự đóng góp thêm của TCB, giúp VN-Index tăng vọt lên mức cao nhất ngày, nhưng thanh khoản vẫn chưa được cải thiện.
Về mặt kỹ thuật, đây là phiên thứ 2 liên tiếp VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất ngày, vượt hẳn ra ngoài dải trên Bollinger Band, đưa tín hiệu thị trường phá vỡ xu hướng đi ngang kéo dài gần cả tháng 9 và đầu tháng 10. Chỉ số đang gần tiếp cận ngưỡng cản ở khu vực 1.375 điểm, là đỉnh của VN-Index đạt được tháng 6/2021 và tháng 8/2021, nếu vượt qua thì cơ hội tìm lại đỉnh cũ 1.420 sẽ mở ra.
Chốt phiên, VN-Index tăng 8,19 điểm (+0,6%) lên 1.362,82 điểm với 274 mã tăng, hơn gấp đôi so với 129 mã giảm và 60 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 637 triệu đơn vị, giá trị 19.436,6 tỷ đồng, tương đương với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thoả thuận đóng góp 43 triệu đơn vị, giá trị 2.051 tỷ đồng.
Nếu như phiên sáng, DLG gây ấn tượng khi tăng vọt lên mức giá trần 5.080 đồng với lượng dư mua trần hơn 5,55 triệu đơn vị, thì trong phiên chiều, do lực cung không còn, DLG nhường sân khấu cho HQC khi mã này được kéo tăng thẳng đứng ngay khi bước vào phiên chiều. Dù chịu lực cung khá lớn, nhưng với sức cầu mạnh, HQC vẫn giữ được mức giá trần 3.810 đồng khi chốt phiên với thanh khoản 16,2 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.
Ngoài HQC, một mã bất động sản khác là DIG cũng gây ấn tượng khi tăng trần lên 33.250 đồng, khớp 12,5 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, phải kể đến FCN khi bất ngờ nhận lực cầu lớn giúp thanh khoản tăng vọt lên 14,76 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức giá trần 15.450 đồng và còn dư mua giá trần.
Trong các nhóm lớn, TCB là mã nổi bật nhất của nhóm ngân hàng khi tăng 2,48% lên 50.300 đồng, khớp gần 8,6 triệu đơn vị, phiên tăng thứ 2 liên tiếp. Ngoài TCB, có thêm 5 mã ngân hàng khác trên HOSE tăng giá, nhưng mức tăng nhẹ, dưới 1%. Như TPB tăng 0,95% lên 21.200 đồng, SSB tăng 0,70% lên 36.200 đồng, MBB tăng 0,36% lên 27.500 đồng...
Trong khi ở chiều ngược lại, MSB giảm mạnh nhất khi mất 3,85% xuống 27.500 đồng, VPB giảm 1,6% xuống 61.600 đồng, khớp 16,5 triệu đơn vị. Đây là phiên giảm thứ 8 liên tiếp của VPB, vượt ra ngoài phía dưới dải Bollinger. Đây cũng là phiên có khối lượng lớn nhất gần 3 tháng cho thấy áp lực bán với VPB là rất lớn.
Nhóm chứng khoán cũng không khá hơn khi chỉ có BSI, FTS, VDS và thêm APG đảo chiều tăng trong phiên chiều, còn lại đa số giảm giá. APG tăng sau thông tin Chủ tịch HĐQT đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, nhóm thép vẫn giữ được phong độ với POM, TLH, TNI tăng trên 2%, HSG, HPG và NKG tăng từ hơn 1% đến gần 2%, các mã còn lại tăng dưới 1%, chỉ có 2 mã giảm nhẹ. Trong đó, với mức tăng 1,45%, HPG đóng cửa ở mức 56.100 đồng, lấy hết cả vốn lẫn lãi trong phiên chỉnh nhẹ hôm qua, thanh khoản 26,8 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường.
Nhóm dầu khí cơ bản cũng đã lấy lại được đà tăng, với GAS dẫn dắt tăng mạnh nhất 4,13% lên 113.500 đồng, mức cao nhất ngày và hướng tới phá đỉnh lịch sử 115.800 đồng thiết lập ngày 2/4/2018.
Một số mã khác cũng có giao dịch tích cực như POW tăng 0,8% lên 12.850 đồng, khớp 18,6 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sau HPG. TCH tăng 0,3% lên 17.600 đồng, khớp gần 9,7 triệu đơn vị, hay BCG tăng 2,9% lên 19.200 đồng, khớp gần 4,5 triệu đơn vị.
Các mã thị trường như FLC, FIT, ROS, AMD, ITA, HAI, LCG, HAG... cũng có giao dịch tích cực.
Trên sàn HNX, sau hơn 30 phút lình xình đầu phiên chiều, chỉ số chính sàn này cũng bứt mạnh, nhưng nhịp bán cuối phiên khiến không giữ được mức cao nhất ngày.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,97 điểm (+0,54%) lên 368,47 điểm với 137 mã tăng, trong khi chỉ có 77 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 102 triệu đơn vị, giá trị 2.198,5 tỷ đồng, giảm 32,6% về khối lượng và 37% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thoả thuận đóng góp 3,8 triệu đơn vị, giá trị 117,8 tỷ đồng.
Phiên chiều nay TNG trở thành tâm điểm của sàn HNX khi tăng lên mức giá trần 31.200 đồng lúc đóng cửa, thanh khoản cũng cao nhất sàn vượt qua PVS với 8,2 triệu đơn vị. PVS khớp 7,7 triệu đơn vị và chỉ còn tăng nhẹ 0,3%, đóng cửa ở mức 28.800 đồng.
CEO trong khi đó mất đà tăng, đóng cửa ở tham chiếu 10.800 đồng, khớp 5,9 triệu đơn vị. DL1, NDN và KLF là các mã có thanh khoản tốt tiếp theo với hơn 3 triệu đơn vị, trong đó DL1 đóng cửa tăng mạnh 7,7% lên 11.200 đồng, có lúc lên trần 11.400 đồng; NDN tăng 1,8% lên 22.200 đồng; còn KLF đứng giá tham chiếu 4.700 đồng.
PVL vẫn giữ được mức giá trần 4.700 đồng với thêm gần 1 triệu đơn vị được khớp, nâng tổng khớp lên gần 3 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.
UPCoM sau khi mất sắc xanh trong phiên sáng, đã bùng dậy mạnh mẽ trong phiên chiều khi leo thẳng một mạch lên mức cao nhất ngày lúc đóng cửa.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,48 điểm (+0,50%), lên 97,38 điểm với 203 mã tăng và 106 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 95 triệu đơn vị, giá trị 1.881,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thoả thuận đóng góp 6,6 triệu đơn vị, giá trị 125,7 tỷ đồng.
Trong các mã tăng trần khi đóng cửa trên UPCoM, chỉ có KHB đáng chú ý khi khớp 1,51 triệu đơn vị, còn lại thanh khoản thấp, thậm chí nhiều mã chỉ được kéo giá chỉ bằng 1 lệnh tối thiểu.
Trong khi đó, các mã có thanh khoản lớn vẫn là những mã quen thuộc như BSR 12,57 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1% lên 21.200 đồng; VGT 11,34 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,1% lên 21.000 đồng; C4G 5,44 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,3% lên 12.000 đồng; HHV 5,14 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4% lên 20.600 đồng.
Trên thị trường phái sinh, VN30 hôm nay tăng kém hơn VN-Index cho thấy dòng tiền hướng đến các cổ phiếu vừa và nhỏ. Chốt phiên, VN30-Index tăng 5,51 điểm (+0,38%) lên 1.461,72 điểm. Các hợp đồng tương lai chỉ số này đều tăng thấp hơn thị trường cơ sở, trong đó hợp đồng đáo hạn tháng 10 tăng 3 điểm (+0,21%) lên 1.452 điểm với 105.601 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 42.503 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng giảm tỏ ra cân bằng và không có mức biến động quá đột biến. Trong đó, 2 mã tăng mạnh nhất đều do VCSC phát hành là CHPG2109 tăng 16,7% lên 7.880 đồng và CVPB2107 tăng 14,9% lên 5.860 đồng, thanh khoản cả 2 trên 155.000 đơn vị.
Ở chiều ngược lại, 2 mã giảm mạnh nhất cũng đều do VCSC phát hành là CMSN2107 giảm 12,2% xuống 4.040 đồng và CMWG2108 giảm 11,9% xuống 4.230 đồng, nhưng thanh khoản rất thấp.
Về thanh khoản, hôm nay có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 1 mã do HSC phát hành là CHPG2113 với 1,64 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,3% lên 3.180 đồng và 2 mã do SSI phát hành là CHPG2111 với 1,03 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,7% lên 2.990 đồng; CVRE2106 với 1,01 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,9% lên 2.130 đồng.