Giao dịch chứng khoán chiều 5/11: Dòng tiền lan tỏa, VN-Index tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu bluechip hồi phục đã dẫn dắt đà tăng mạnh của thị trường, giúp VN-Index vượt xa mốc 1.450 điểm. Điểm sáng thị trường thuộc về nhóm cổ phiếu phân bón với nhiều mã đua nhau tăng trần.
Giao dịch chứng khoán chiều 5/11: Dòng tiền lan tỏa, VN-Index tăng tốc

Sau phiên đảo chiều hồi phục hôm qua cùng áp lực bán suy giảm, thị trường dường như đã bước vào trạng thái an toàn hơn và xu hướng hiện tại vẫn trong trend tăng.

Trong phiên giao dịch sáng nay, dù tâm lý lo ngại về lượng hàng lớn, lên tới hơn 40.000 tỷ đồng trong phiên 3/11 sẽ về tài khoản trong phiên đầu tuần tới khiến thanh khoản sụt giảm và VN-Index rung lắc nhẹ, nhưng với sự luân chuyển của dòng tiền qua các nhóm ngành, trong đó phải kể đến sự lên ngôi của nhóm dầu khí và đà hồi phục của nhóm bất động sản, thị trường vẫn chốt phiên trong sắc xanh.

Bước vào phiên chiều, sau hơn 30 phút thăm dò, dòng tiền đã trở nên hưng phấn hơn. Bên cạnh nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục đi lên, các cổ phiếu phân bón đua nhau tăng trần, đặc biệt là sự hồi phục của một số cổ phiếu bank cùng nhóm cổ phiếu thép, đã giúp VN-Index tăng vọt, áp sát mốc 1.560 điểm trước khi hạ nhiệt đôi chút về cuối phiên.

Cổ phiếu phân bón tăng mạnh được cho là xuất phát từ tin Nga áp dụng hạn ngạch xuất khẩu một số loại phân bón trong 6 tháng, bắt đầu từ 1/12/2021, điều này sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất phân bón Việt Nam được hưởng lợi.

Nhóm cổ phiếu bất động sản sau phiên bị bán mạnh ngày 3/11, hôm nay vẫn nhận được sự chú ý, một số nhà đầu tư vẫn kỳ vọng phiên bán mạnh chỉ là "tai nạn" giúp mở ra cơ hội mới, nhưng chiều ngược lại, một số nhà đầu tư lo ngại đây chỉ là nhịp hồi kỹ thuật và nguy cơ tạo mẫu hình 2 đỉnh trong thời gian tới là có thể. Điều này khiến cho nhóm cổ phiếu này không có sức bật tăng quyết liệt, nhiều mã được kéo lên nhưng sau đó đã giảm nhẹ trở lại vì lực bán tăng.

Về tổng thể thị trường, VN-Index với sự hỗ trợ cực mạnh của GAS (đóng góp 2,6 điểm tăng) đã chốt phiên tuần trong sắc xanh khá tích cực. Đồng thời giúp cho thị trường có 6 phiên liên tiếp giữ được mốc trên 1.440 điểm, đưa mốc này trở thành ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn.

Xu hướng tăng vẫn tiếp tục được bảo đảm trên đồ thị kỹ thuật với dải BB tiếp tục được mở rộng, MA20 và các đường MACD tiếp tục cắt lên. Điểm trừ ngày hôm nay là thanh khoản chỉ đạt mức trung bình so với các phiên trong tuần, và ở mức thấp nhất trong 8 phiên liên tiếp. Chỉ báo về khối lượng cho thấy, việc tăng điểm ngày hôm nay thuần túy là do lực bán đã giảm chứ không phải do sức mua tăng lên, đây cũng là cơ sở để dự báo về phiên khó khăn đầu tuần tới khi gần 1,5 tỷ cổ phiếu giao dịch ngày 3/11 đã về tài khoản.

Chốt phiên, sàn HOSE có 303 mã tăng và 148 mã giảm, VN-Index tăng 8,17 điểm (+0,56%), lên 1.456,51 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 874 triệu đơn vị, giá trị 26.140,68 tỷ đồng, giảm 5,97% về khối lượng và 6,21% so với phiên kỷ lục hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 29,57 triệu đơn vị, giá trị 1.330,64 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng khởi sắc trở lại khi có tới 17 mã tăng và chỉ còn 11 mã giảm. Trong đó, cổ phiếu lớn họ dầu khí là GAS vẫn dẫn đầu mức tăng, đạt 4,5% và kết phiên đứng tại mức giá 122.400 đồng/CP; PLX cũng nới rộng biên độ khi tăng 2,3% lên 53.900 đồng/CP.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu bất động sản như KDH, PDR, NVL cũng tăng hơn 1%, GVR tăng nhẹ; hay các mã lớn khác như FPT, MWG, VNM, BVH, HPG đều kết phiên tăng nhẹ.

Mặc dù không thuộc nhóm VN30 nhưng đóng góp tích cực giúp thị trường tăng vọt phải kể đến cổ phiếu SHB – điểm sáng của dòng bank. Kết phiên, SHB tăng 3,28% lên mức giá cao nhất ngày 31.500 đồng/CP cùng thanh khoản tiếp tục vượt phiên bùng nổ hôm qua, đạt hơn 45,43 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, các mã giảm trong biên độ khá hẹp với cặp đôi HDB và VRE giảm mạnh nhất chỉ nhích hơn 1%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giao dịch vẫn khởi sắc và sôi động với điểm đáng chú ý là cổ phiếu HAG bất ngờ tăng kịch trần trong phiên chiều lên mức 5.740 đồng/CP cùng thanh khoản tăng vọt, đạt hơn 33 triệu đơn vị và dư mua trần 2,84 triệu đơn vị.

Các mã khác như AMD, HAI, IDI vẫn trong trạng thái dư mua trần khá lớn; ROS, HQC, FLC, HNG, ITA, DXG… đều kết phiên trong sắc xanh.

Xét về nhóm ngành, bên cạnh điểm sáng SHB, một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng đã xanh nhạt trở lại như CTG, LPB, STB, còn lại vẫn giao dịch dưới mốc tham chiếu với biên độ giảm khá hẹp chủ yếu chưa đến 1%.

Nhóm chứng khoán vẫn phân hóa nhẹ với VND, CTS, VIX, HCM, VDS tăng nhẹ, trong khi SSI, VCI, FTS, AGR, TVS giao dịch trong sắc đỏ.

Trong khi đó, các cổ phiếu thép đã đảo chiều hồi phục trở lại sau những phiên điều chỉnh nhẹ gần đây, tuy nhiên, đà tăng vẫn còn khá hạn chế chỉ trên dưới 1%. Trong đó, HSG là mã tăng tốt nhất, với mức tăng 1,4% và kết phiên đứng tại 46.450 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh hơn 8 triệu đơn vị; còn HPG chỉ tăng nhẹ 0,5% lên 56.600 đồng/CP và khớp 19,38 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu phân bón dậy sóng trở lại với hàng loạt mã như DPM, DCM, BFC đều tăng trần, TSC và VÀ cùng tăng hơn 2%, DGC tăng 4,3% lên mức 163.200 đồng/CP và đã có thời điểm kéo sát trần.

Nhóm cổ phiếu bất động sản – xây dựng tiếp tục hồi phục tích cực, đáng kể là VGC tăng kịch trần, nhiều mã khác như BCG, HU1, UDC có mức tăng trên 5%, HBC tăng 4,8%, TCH tăng 2,8%, KBC cũng tăng nhẹ trở lại…

Nhóm dệt may hôm nay cũng hút được dòng tiền và bật tăng khá tốt như May Phú Thịnh (NTS) hay GIL đều tăng kịch trần, TNG tăng hơn 6% lên mốc 33.400 đồng/cổ phiếu,...

Trên sàn HNX, nhóm HNX30 tiếp tục là điểm tựa chính cho đà tăng của thị trường.

Đóng cửa, sàn HNX có 132 mã tăng và 100 mã giảm, HNX-Index tăng 5,22 điểm (+1,24%), lên 427,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 145 triệu đơn vị, giá trị 3.439 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,5 triệu đơn vị, giá trị 49,1 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 nhiều mã tăng tốt như TAR hồi phục mạnh và kết phiên tăng kịch trần, lên mức giá 39.400 đồng/CP, hay cổ phiếu lớn nhóm bất động sản – xây dựng là IDC có thời điểm chạm trần và kết phiên tăng 8,2% lên mức 86.700 đồng/CP, các mã NRC, LAS, TNG đều tăng hơn 6%...

Ở chiều ngược lại, chỉ có 8 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu, với VC3 giảm sâu nhất khi để mất 2,4% xuống mức giá thấp nhất ngày 41.500 đồng/CP.

Xét về nhóm ngành, nhóm phân bón và hóa chất cũng là điểm sáng trên sàn HNX. Cụ thể, PMB và PSW cùng tăng kịch trần, LAS tăng 6,2%, PCE tăng 8,1%, NFC tăng 4,7%.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản – xây dựng cũng giao dịch ấn tượng. Ngoài các mã lớn trong nhóm HNX30 tăng mạnh, ở top vừa và nhỏ cũng có nhiều điểm sáng, điển hình như LIG tăng kịch trần cùng giao dịch sôi động, đạt 5,73 triệu đơn vị khớp lệnh.

Về thanh khoản, cổ phiếu họ FLC là KLF vẫn dẫn đầu với gần 14,5 triệu đơn vị được khớp lệnh thành công, nhưng áp lực bán khiến cổ phiếu này mất sắc tím, kết phiên đứng tại mức giá 5.400 đồng/CP.

Trên UPCoM, sau diễn biến rung lắc trong nửa cuối phiên sáng, thị trường đã hồi phục khá tích cực và kết phiên tại vùng giá cao nhất ngày.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,82 điểm (+0,76%), lên 108,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 167,66 triệu đơn vị, giá trị 2.267,19 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,65 triệu đơn vị, giá trị 413,56 tỷ đồng.

Trong tổng số 201 mã tăng trên UPCoM, có tới 89 mã tăng trần và chủ yếu là tập trung vào nhóm cổ phiếu nhỏ. Cổ phiếu PVX tiếp tục là điểm sáng khi kết phiên trong sắc tím với lượng dư mua trần chất đống, lên tới hơn 13,5 triệu đơn vị và khớp lệnh 12,62 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu lớn, cổ phiếu dầu khí BSR vẫn giao dịch sôi động với 11,86 triệu đơn vị được khớp lệnh thành công và kết phiên tăng 2,1% lên 24.200 đồng/CP.

Ngoài ra, các mã lớn khác như MSR tăng 1,6% lên 25.500 đồng/CP, VGT tăng 2,2% lên 27.600 đồng/CP, các mã ACB, VEA, MCH đều tăng nhẹ…

Ở nhóm cổ phiếu thép, TVN hồi phục tích cực khi tăng 4,7% lên mức 20.100 đồng/CP và khớp gần 3,5 triệu đơn vị, TIS tăng 1,9% lên 15.700 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, với VN30F2111 tăng nhẹ 5,3 điểm (+0,3%), lên 1.535,1 điểm, khớp lệnh hơn 92.400 đơn vị, khối lượng mở gần 30.750 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm chủ đạo hơn, trong đó CHPG2114 dẫn đầu thanh khoản với 144.850 đơn vị được khớp lệnh và đóng cửa tăng 3,6% lên 1.160 đồng/CQ.

Tiếp theo là CFPT2107 khớp 140.350 đơn vị và kết phiên tăng 2% lên 1.040 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục