Đây là ý kiến của các chuyên gia chứng khoán nói về phiên giao dịch 3/11 bùng nổ thanh khoản chưa từng có trong lịch sử với 51,97 ngàn tỷ đồng, tương đương 2,6 tỷ USD và hiện tượng “nằm sàn” la liệt của các cổ phiếu bất động sản sau giai đoạn tăng “nóng” khiến thị trường nhanh chóng đảo chiều dưới mức tham chiếu, VN-Index đóng cửa giảm hơn 8 điểm.
Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư lo ngại về phiên phân phối, manh nha lo sợ cho kịch bản thị trường “sập”.
Không phải phân phối đỉnh
VNindex kết phiên ở mức 1444,30 giảm -0,56%, khối lượng giao dịch tăng đột biến 49,71% so với phiên trước. Áp lực bán chốt lãi, phân phối ngắn hạn đối với nhóm mã midcap, bất động sản tăng nóng.
Lý giải thanh khoản kỷ lục, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới hội sở CTCK Mirae Asset cho rằng, mức thanh khoản này chưa thể hiện nhiều việc dòng tiền mới tham gia thị trường nhưng cho thấy tần suất giao dịch tăng lên rất nhiều .
Khi trường vượt đỉnh 1.420 đã hút tiền vào rất nhiều, và vẫn luôn có các nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp, chờ đợi thị trường điều chỉnh mới tham gia thì phiên 3/11 cho phép họ mở vị thế, vì có nhiều cổ phiếu có mức chiết khấu 7%. Và họ cũng chính là một trong các đối tượng gia tăng tần suất giao dịch (thông qua việc giá cao bán và mua lại giá thấp hơn).
Ngoài ra, áp lực bán chốt lãi đối với nhóm mã midcap, bất động sản tăng nóng, thì dòng tiền đầu cơ cũng nhanh chóng cơ dịch chuyển gia tăng vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, VN30.
Thế nhưng, 3/11 không phải là phiên phân phối đỉnh - là khẳng định có tính thống nhất của nhiều chuyên gia cũng như các nhà đầu tư lâu năm trên thị trường. Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc CTCK KIS Việt Nam phân tích, phân phối đỉnh diễn ra khi khối lượng giao dịch quá lớn (như phiên 3/11) và phải đi kèm với số lượng mã giảm điểm chiếm ưu thế. Còn phiên hôm qua, chưa có tín hiệu xác thực, vẫn có nhiều cổ phiếu tăng giá trong phiên, như nhóm cổ phiếu ngân hàng. Dòng tiền chốt lời đang quá mạnh, nên bán khá nhiều, đặc biệt cổ phiếu bất động sản.
Có thể xem là hôm qua phiên điều chỉnh kỹ thuật, vì đã tăng từ 1390 đến nay, nhiều cổ phiếu đã tăng rất mạnh vài chục phần trăm, dòng tiền có dịch chuyển từ các nhóm ngành nóng như nhóm bất động sản, thép…đang nhích dần qua nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhưng theo ông Phương, đây là diễn biến ngắn hạn, dòng tiền luân phiên dịch chuyển giữa các ngành, chứ không phải rời bỏ hẳn 1 ngành để chọn ngành khác. Thị trường chưa có lý do thuyết phục để điều chỉnh mạnh, và đang chờ đợi thông tin tích cực như gói đầu tư công, các gói hỗ trợ kích thích kinh tế lớn (đã giúp thị trường bùng nổ đầu tuần).
Ông Tuấn cũng đồng quan điểm, yếu tố vĩ mô đang tốt, hiện định giá P/E khoảng 16,5 lần, là rẻ so với khu vực. Nhìn năm 2022 đang chờ đợi gói kích cầu siêu lớn, ít nhất 500.000 tỷ đồng, và giúp xoay chuyển cục diện kinh tế từ mức suy kiệt sang có sức khoẻ để sản xuất, để bình thường, và tăng tốc trở lại. Đó là sự kì vọng, gói kích cầu sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, mang lại nhiều tác động tích cực cho TTCK.
Vậy có thể nói rằng, đây là phiên buộc phải có, “giảm bớt các đầu nóng”, và cần tạo ra trạng thái tích luỹ.
Cổ phiếu bất động sản sẽ sớm hút lại dòng tiền, nhưng phân hoá
Việc giảm sàn la liệt của cổ phiếu bất động sản là dễ hiểu và đã được các môi giới kì cựu cảnh báo trước, bởi tốc độ tăng giá quá nóng, quá nhanh.
Quan sát của ông Huỳnh Minh Tuấn, một vài cổ BDS đã đạt trạng thái gom sạch về floating (độ trôi nổi) – là điều kiện thuận lợi để muốn đẩy giá bao nhiêu cũng được.
Thực tế là nhiều mã cổ phiếu tăng quá nhanh so với giá trị nội tại của DN tạo sự phi lí trên thị trường. Cổ phiếu bất động sản đang bị “cào bằng”, thượng vàng hạ cám, không phân tách được DN bên cạnh có quỹ đất sạch thì còn phải có năng lực triển khai, tiềm lực tài chính, bán hàng… Điều này tạo nên “bong bóng ngắn hạn” cho nhóm cổ phiếu bất động sản, và điều chỉnh là hoàn toàn bình thường.
Như vậy, để lý giải cho việc giàm sàn la liệt ở nhóm này, theo ông Tuấn có 2 lý do chính, thứ nhất là nhà đầu tư đang kì vọng thái quá vào nền tảng nội tại ở nhiều DN bất động sản. Thứ hai, hội tụ tâm lý thoát hàng bằng mọi giá.
Nhà đầu tư sẽ bán tháo nếu tình hình kinh tế vĩ mô bước vào khủng hoảng thực sự, lan tới thị trường chứng khoán, sẽ thúc đẩy tâm lý bán thoát khỏi thị trường, nhưng phiên 3/11 không có vấn đề tiêu cực gì về vĩ mô. Vậy sẽ nằm ở tính huống, là nhà đầu tư bán để “bảo vệ thành quả” - bán chốt lời, hành vi của nhà đầu tư đa phần bán lệnh MP (lệnh thị trường) nên đổ sàn rất nhanh.
Ông Tuấn khẳng định, đây là phiên đảo chiều dòng tiền khỏi “bong bóng ngắn hạn của nhóm cổ phiếu bất động sản”, chuyển qua nhóm cổ phiếu ngân hàng – đang được dẫn động bởi chiêu thức "Viral marketing" từ những người có ảnh hưởng đáng kể, từ đó tạo ra sự dịch chuyển mạnh mẽ dòng tiền từ cổ phiếu bất động sản sang “Bank”.
“Sau phiên hôm qua, mọi người sẽ hoàn hồn, và nay thị trường sẽ bình ổn”, ông Tuấn nói.
Dự kiến trong phiên tiếp theo, nhóm mã midcaps, bất động sản đã chịu áp lực bán mạnh sẽ có hồi phục trở lại trong phiên. Lời khuyên dành cho nhà đầu tư, ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm phân tích CTCK SHS chi nhánh Hồ Chí Minh cho rằng, vì thị trường diễn biến nhanh, khá sốc đối với nhiều cổ phiếu nên cần ưu tiên đánh giá lại danh mục. Tranh thủ các phiên hồi, nhà đầu tư bán hạ tỉ trọng đầu cơ, loại giảm tỉ trọng nhóm mã suy yếu, hạ tỷ trọng magrin. Ưu tiên bảo toàn lợi nhuận đối với nhóm mã đã tăng mạnh trước đó.
Dòng tiền ngắn hạn vẫn trong thị trường và xoay tua gia tăng ở VN30, cổ phiếu ngân hàng. Đối với các trường hợp đã cơ cấu danh mục thành công và tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng… ông Nhật khuyến nghị, có thể chủ động chọn lọc đầu cơ đối với cổ phiếu ngân hàng khi điều chỉnh.
Chia sẻ về cổ phiếu bất động sản, ông Trương Hiền Phương không cho rằng đây là đoạn cuối con đường đối với nhóm này, cuộc chơi vẫn tiếp tục. Cổ phiếu BDS có khả năng sớm hút lại dòng tiền và kì vọng tiếp tục sôi động trở lại ở giai đoạn cuối năm 2021 – yếu tố chu kỳ của ngành bất động sản, giúp tăng dòng tiền, là điểm rơi lợi nhuận; Bên cạnh đó còn có tác động tích cực từ các dự án hạ tầng giao thông, kết nối vùng được thúc đẩy.
Cổ phiếu ngân hàng có tạo sóng dài?
Ngược lại với cổ phiếu bất động sản, nhóm bank lại cho tín hiệu tích cực, hầu như đều kết phiên trong sắc xanh – là cứu tinh cho đà giảm của VN-Index dừng lại ở con số 8 điểm. Cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh và tạm im lìm trong khoảng hơn 4 tháng nay, trong khi báo cáo quý 3 của nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt so với cùng kỳ - tạo sức hấp dẫn cho dòng tiền đầu cơ dịch chuyển từ nhóm BĐS qua trú ẩn ở nhóm này.
Tuy nhiên, để kì vọng con sóng cổ phiếu ngân hàng mạnh mẽ, kéo dài, các chuyên gia cho rằng hơi khó. Ngân hàng là nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, chiếm 25%-30% vốn hoá toàn thị trường, để kích hoạt cần có dòng tiền lớn tham gia. Trong khi phiên 3/11, theo ông Huỳnh Minh Tuấn không phải dòng tiền mới, lớn tham gia mà do tần suất giao dịch.
Thứ hai là kết quả kinh doanh thì tới nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm chưa tới 10%. Dự kiến tăng trưởng tín dụng nhóm bank cả năm không nhiều, và có tiềm ẩn nợ xấu. Theo đó, nhóm cổ phiếu này có thể hiểu là “hứng được dòng tiền tạm đảo qua”, chứ chưa xác định xu hướng dài và hiện đang có vai trò tạo cân bằng trên thị trường. Dĩ nhiên, ông Tuấn cho biết, vẫn có những cổ phiếu đang ở vùng đáy, hấp dẫn.
Nhìn về triển vọng thị trường, ông Tuấn dự báo EPS fw2022 tăng ít nhất 25%, đưa định giá P/E về mức rẻ. Trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên làm quen với biến động thị trường, còn kì vọng trung hạn chưa có gì thay đổi, chưa kể các gói kích cầu sẽ hỗ trợ tích cực tới TTCK.