Trong phiên giao dịch sáng, sự phân hóa diễn ra rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu và các mã cùng nhóm khiến VN-Index chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu. Thanh khoản dù giảm hơn so với phiên sáng qua, nhưng dòng tiền vẫn hoạt động khá tích cực, nhất là nửa cuối phiên sau những phút giây hụt hẫng của nhà đầu tư nhỏ lẻ với thông tin HOSE đang xem xét nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu để khắc phục tình trạng nghẽn lệnh.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư đoán trước được việc giao dịch trong phiên chiều sẽ khó khăn, nên đã tranh thủ giao dịch trong phiên sáng, giúp thị trường duy trì mức thanh khoản khá với giá trị giao dịch trên 10.000 tỷ đồng.
Bước vào phiên giao dịch chiều, như thường lệ, sau những phút đầu khá suôn sẻ, tầm qua 14h hệ thống giao dịch của HOSE lại có vấn đề khiến giao dịch diễn ra chậm hẳn, các mã gần như đứng hình với giao dịch nhỏ giọt. VN-Index cũng chỉ lình xình với biên độ hẹp và nhiều nhà đầu tư cho rằng, kết quả của phiên giao dịch hôm nay đã được định đoạt ở thời điểm 14h và nên tắt bảng điện tử nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, dù giao dịch chậm, nhưng thị trường không đến nỗi bị đơ như các phiên trước, nên giao dịch túc tắc vẫn diễn ra, một số lực mua giá cao được khớp giúp VN-Index nhích dần và thoát sắc đỏ trong ít phút cuối phiên.
Chốt phiên, VN-Index tăng 0,34 điểm (+0,03%), lên 1.186,95 điểm với 270 mã tăng và 168 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 631,7 triệu đơn vị, giá trị 15.297,4 tỷ đồng, tăng 9,5% về khối lượng, nhưng tương đương về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 47 triệu đơn vị, giá trị 1.546 tỷ đồng.
Trong khi các mã bluechip giao dịch chậm lại trong phiên chiều, thì một cái tên cũ lại nổi lên trở thanh tâm điểm của thị trường, đó là FLC.
Lình xình quanh mức giá 6.200 đồng trong phiên sáng với thanh khoản không quá nổi bật, FLC bất ngờ nhận lực cầu rất ngay khi bước vào phiên chiều, kéo mã này tăng thẳng đứng lên mức giá trần 6.520 đồng với giao dịch rất sôi động, thanh khoản đạt 21,6 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sau HPG và còn dư mua giá trần tới hơn 5 triệu đơn vị, dù gần như không có thông tin gì liên quan tác động tới mức giá của FLC trong phiên hôm nay.
Trong các mã lớn, cùng với CTG, VPB, BCM, MWG, HDB, sắc xanh cũng đã xuất hiện thêm tại HPG, TCB, VRE, NVL, ACB, MSB. Trong đó, MSB gây ấn tượng khi bật tăng mạnh 6,6% lên 20.200 đồng, mức cao nhất ngày với 5,6 triệu đơn vị được khớp.
Các mã tăng mạnh khác có BCM tăng 5,35% lên 61.000 đồng, NVL tăng 2,65% lên 81.400 đồng, VRE tăng 2,31% lên 35.500 đồng, VPB tăng hơn 2% lên 41.600 đồng, CTG tăng 1,58% lên 38.600 đồng, các mã khác tăng khiêm tốn dưới 1%.
HPG đảo chiều thành công với mức tăng nhẹ 0,21% lên 46.800 đồng khi chốt phiên với thanh khoản vẫn đứng đầu thị trường 22,3 triệu đơn vị.
STB và MBB vẫn là các mã có thanh khoản đứng kế tiếp, dưới FLC với trên dưới 16,5 triệu đơn vị, nhưng đều giảm nhẹ khi đóng cửa.
Trong các mã gây chú ý trong phiên chiều ngoài FLC không thể không nhắc tới TDH. Sau chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp với thông tin bị Cục Thuế TP.HCM truy thu và phạt thuế lên tới hơn 450 tỷ đồng, TDH đã bất ngờ bùng nổ trong phiên hôm nay với lực cầu bắt đáy khá tốt, kéo mã này lên mức giá trần 7.660 đồng, thanh khoản đạt hơn 2,9 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.
Liên quan đến vụ việc bị truy thu thuế này, sáng nay, TDH đã có thông cáo báo chí chính thức phản hồi lại các thông tin đăng trên truyền thông dẫn nguồn từ Tổng cục Hải Quan nghi ngờ Công ty xuất khống hàng hóa để hoàn thuế.
Không chỉ FLC và TDH, dường như nhà đầu tư nhỏ lẻ sợ HOSE sẽ nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 đồng, chặn đường đầu tư vào nhóm bluechip nên đã ồ ạt rót tiền vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giúp nhiều cổ phiếu nhóm này nổi sóng.
Ngoài FLC và TDH, trong nhóm cổ phiếu nhỏ cũng có nhiều mã nổi sóng tăng trần trong phiên chiều nay như TSC, SJF, IDI, MCG, HAP, TTF… Trong khi đó, dù không tăng trần, nhưng HQC, ROS, ITA cũng có mức tăng tốt với thanh khoản tăng vọt trong phiên chiều. Trong đó, HQC tăng 2,3% lên 2.620 đồng, khớp hơn 15 triệu đơn vị, ROS tăng 3,5% lên 3.550 đồng, khớp 13 triệu đơn vị, ITA tăng 4% lên 6.790 đồng, khớp 11,4 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, giống như những phiên gần đây, khi sàn HOSE gặp khó trong giao dịch của phiên chiều, HNX lại có những thời điểm thanh khoản tăng vọt, nhất là sau 14h. Về diễn biến của chỉ số, với sự vững vàng của THD, gần như chắc chắn nhà đầu tư đã biết HNX-Index sẽ tiếp tục có phiên tăng tốt, bất chấp phần lớn các mã khác có biến động thế nào.
Dù vậy, trong phiên chiều nay, đà tăng của HNX-Index cũng có một phần hỗ trợ từ các mã bluechip khác khi SHB về tham chiếu, VCS, NVB đảo chiều tăng, còn IDC và PVS cũng hãm đà giảm, giúp chỉ số này đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 6,16 điểm (+2,48%), lên 254,1 điểm với 137 mã tăng và 66 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 131,2 triệu đơn vị, giá trị 1.987,6 tỷ đồng, tăng 9,8% về khối lượng, nhưng lại giảm 6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 13 triệu đơn vị, giá trị 211,7 tỷ đồng.
Mã có thanh khoản tốt nhất HNX là SHB với 18,9 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 16.100 đồng. Tiếp theo là PVS với 8 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,44% xuống 22.700 đồng. Thứ ba là CEO với 7 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,73% lên 11.300 đồng.
Tuy nhiên, điểm tựa chính cho đà tăng không biết mệt mỏi của HNX-Index là THD và phiên hôm nay người khổng lồ trên sàn HNX này tiếp tục tăng ấn tượng 6,28% lên 203.000 đồng, khớp hơn 377.000 đơn vị, tương đương vốn hóa 71.050 tỷ đồng.
Cũng giống như sàn HOSE, nhiều mã nhỏ trên HNX cũng nhận được sự quan tâm của dòng tiền, trong đó ART tăng trần lên 5.600 đồng, khớp 6,7 triệu đơn vị, HUT tăng 3,92% lên 5.300 đồng, khớp 6 triệu đơn vị, KLF tăng 3,85% lên 2.700 đồng, khớp 5,85 triệu đơn vị.
Các mã nhỏ các tăng trần hôm nay có VC6, L43, VE8, APP, DST, KVC…
Trong khi đó, tân binh mới chào sàn hôm nay là BAB của BAC A BANK vẫn giữ nguyên mức trần 20.800 đồng, nhưng không có thêm giao dịch khi bên bán không ra hàng, chỉ bên mua xuống lệnh, giúp lượng dư mua nhiều hơn so với phiên sáng.
Trên UPCoM, diễn biến của chỉ số chính thị trường này cũng tích cực khi chỉ dao động trên tham chiếu và đóng cửa có mức tăng khá.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,64 điểm (+0,83%), lên 78,10 điểm với 180 mã tăng và 101 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 59 triệu đơn vị, giá trị 907 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
BSR vẫn là “vua” thanh khoản trên thị trường UPCoM khi chốt phiên có 11,2 triệu đơn vị đương sang tay, đóng cửa tăng 0,7% lên 14.000 đồng. Tiếp theo là VGT với 5,3 triệu đơn vị, đóng cửa tăng mạnh 6,3% lên 20.100 đồng. BVB và G36 là 2 mã có thanh khoản lớn tiếp theo với hơn 3 triệu đơn vị và đều đóng cửa tăng mạnh, trong đó BVB tăng 5,5% lên 13.400 đồng, còn G36 tăng tới 10,2% lên 15.100 đồng.
Các mã có thanh khoản tốt tiếp theo là EVF, VHG, DDV và đều đóng cửa ở mức giá trần 10.800 đồng, 1.700 đồng và 14.000 đồng.
Giảm nghẽn lệnh: Không chuyển cổ phiếu trong VN30, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp tự nguyện dời giao dịch sang HNX
Nâng lô giao dịch 1.000 cổ phiếu: Tạo đường cho xe hơi, phải giữ lối cho xe đạp
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng tốt hơn thị trường cơ sở. Cụ thể, VN30-Index tăng nhẹ 0,07% lên 1.195,6 điểm với 11 mã tăng và 15 mã giảm, còn hợp đồng có thời hạn đáo hạn gần nhất là VN30F2103 tăng 0,46% lên 1.199,5 điểm với 125.104 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 28.440 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng, giảm khá cân bằng, trong đó mã có thanh khoản tốt nhất là CVRE2007 với gần 0,94 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,1% xuống 930 đồng. Tiếp đến là CVRE2014 với hơn 0,73 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa lại tăng mạnh 8,5% lên 8.460 đồng.