Giao dịch chứng khoán chiều 3/12: Ồ ạt xả bán, VN-Index bốc hơi gần 40 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán diễn ra mạnh mẽ và lan tỏa khiến thị trường cắm đầu đi xuống. Chỉ số VN-Index bốc hơi gần 40 điểm và thủng ngưỡng kháng cự 1.450 điểm.
Giao dịch chứng khoán chiều 3/12: Ồ ạt xả bán, VN-Index bốc hơi gần 40 điểm

Diễn biến thị trường đã có phần tiêu cực hơn trong phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 3/12 khi áp lực bán có dấu hiệu lan rộng trên thị trường khiến sắc đỏ ngày càng mở rộng hơn trên bảng điện tử và nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng Vingroup đã làm tốt vai trò là những má phanh giúp thị trường không bị giảm sâu.

Bước sang phiên chiều, thị trường chỉ kịp le lói sắc xanh rồi nhanh chóng chìm sâu trong biển đỏ trước áp lực bán diễn ra ồ ạt trên toàn thị trường. Lực bán mạnh và dứt khoát đã khiến VN-Index cắm đầu đi xuống, xuyên qua vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.470-1.475 điểm (MA20) và thủng mốc 1.450 điểm, xuống dưới chạm mép dưới dải bollinger.

Sau khi tạo lập đỉnh 1.500 điểm, thị trường đã có chuỗi phiên sideway với thanh khoản giảm dần. Đặc biệt, trong 2 phiên gần nhất, thanh khoản sụt giảm khá mạnh cho thấy nhà đầu tư đã giảm bán. Đây là tín hiệu tốt và chỉ cần một vài phiên lực bán thấp, thị trường sẽ tích lũy đủ để trở lại xu hướng tăng.

Tuy nhiên, trong phiên chiều nay, điều đó đã không xảy ra khi lực bán rũ bỏ xảy ra lúc gần 14h khiến thị trường lao dốc, sắc đỏ bao trùm bảng điện tử. Đặc biệt, trong mỗi nhịp giảm mạnh, khối lượng rất lớn cho thấy lực bán quá mạnh.

Dù lực mua cũng hoạt động khá tốt, nhưng trước lực bán rũ bỏ, VN-Index có phiên giảm mạnh nhất trong 3 tháng rưỡi (kể từ 20/8), đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Đóng cửa, sàn HOSE có tới 415 mã giảm (25 mã giảm sàn) và chỉ còn 61 mã tăng, VN-Index giảm 38,73 điểm (-2,61%), xuống 1.443,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.096,3 triệu đơn vị, giá trị 32.864 tỷ đồng, tăng 43,51% về khối lượng 42,87% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 61,82 triệu đơn vị, giá trị 2.211,3 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn duy nhất PDR giữ được sắc xanh với mức tăng nhẹ chỉ 1 bước giá và VJC đứng giá tham chiếu, còn lại đồng loạt giảm khá mạnh.

Trong đó, cổ phiếu lớn họ chứng khoán là SSI vẫn là mã giảm sâu nhất khi để mất 6,5% về gần mức giá sàn 50.500 đồng/CP, đây cũng là mức giá thấp nhất trong ngày.

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác cũng tìm về mức giá thấp nhất trong ngày như GVR giảm 5,6%, VRE giảm 5,2%, BID giảm 5%, BVH giảm 4,6%...

Mặt khác, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bên cạnh những mã giảm sàn từ phiên sáng như IDI, SJF, TSC, trong phiên chiều nay có sự gia nhập của nhiều mã nóng khác như OGC, MCG, HAR, TNI, TNT, PTL, HHS.

Về nhóm ngành, nếu trong phiên sáng nay, dòng bank le lói niềm hy vọng cho giới đầu tư về nhịp hồi cho thị trường, thì trong phiên chiều, đồng loạt đều chuyển đỏ với các mã giảm sâu như BID giảm gần 5%; STB và MSB cùng giảm hơn 4%; LPB, OCB, VPB giảm hơn 3,5%; TCB, CTG, MBB, SHB, TPB… giảm hơn 2%.

Trong nhóm cổ phiếu chứng khoán, có khá nhiều mã đã kết phiên trong sắc xanh mắt mèo như AGR, BSI, CTS, VDS và VIX, bên cạnh những mã lớn đầu ngành như SSI, HCM, VND, VCI dù không bị nằm sàn nhưng đều xác lập mức giá thấp nhất ngày khi để mất hơn 6%.

Một trong bộ 3 trụ cột còn lại là nhóm cổ phiếu thép cũng không thoát khỏi đà giảm sâu và lần lượt các mã cũng tìm về vùng giá thấp nhất trong phiên như HPG giảm 1,9%, HSG giảm 4,8%, NKG giảm 4,2%, SMC giảm 3,5%, TLH giảm 6,7%.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu nhà Vingroup đều đảo chiều giảm, trong đó VIC giảm 1,59%, VHM giảm 2,55%, còn VRE giảm tới 5,23%.

Các mã khác trong nhóm cũng lần lượt quay đầu hoặc nới rộng biên độ giảm như NVL giảm 2,9%, DIG giảm 4,83%, VCG giảm 6,2%, DXG giảm 3,4%, HBC giảm 6,3%... Thậm chí TCH, BCM, NBB, VPH… nằm sàn.

Trong khi thị trường nhuộm trong sắc đỏ với nhiều mã vừa và nhỏ nằm sàn và các thành viên của FLC là FLC, HAI, AMD cũng điều chỉnh giảm, thì ROS lại có màn lội ngược dòng ngoạn mục. Kết phiên, ROS đã tăng 6,9% lên mức giá trần 8.060 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lên tới xấp xỉ 55,6 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường cùng lượng dư mua trần lên tới hơn 11,9 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng lao dốc do lực bán mạnh diễn ra trên diện rộng.

Đóng cửa, sàn HNX có tới 208 mã giảm (8 mã giảm sàn) và chỉ còn 59 mã tăng (10 mã tăng trần), HNX-Index giảm 8,96 điểm (-1,96%) xuống 449,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 124 triệu đơn vị, giá trị 3.067,6 tỷ đồng, tăng 24% về lượng và hơn 30% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,27 triệu đơn vị, giá trị 154,2 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 vẫn có 5 mã giữ sắc xanh gồm LHC tăng 4,4%, LAS tăng 4,3%, CEO tăng 3,1%, VC3 tăng 2,2%, IDC tăng 0,4%; còn lại đều giảm điểm.

Các mã vốn hóa lớn cũng nới rộng đà giảm như BAB giảm 1,7% xuống 23.400 đồng/CP, NAB giảm 2% xuống mức giá thấp nhất ngày 29.000 đồng/Cp, VCS giảm 2% xuống 120.500 đồng/CP…

Đáng kể là các cổ phiếu trong nhóm chứng khoán giảm khá mạnh với BVS và SHS cùng để mất 8,4%, MBS giảm 8,3%; các mã cùng ngành không thuộc rổ HNX30 cũng giảm mạnh như IVS giảm sàn, VIG giảm 9% về sát mức giá sàn, APS giảm 8%, EVS giảm 7,8%, ART giảm 6,5%...

Về thanh khoản, cổ phiếu chứng khoán SHS vẫn dẫn đầu sàn HNX với gần 17,73 triệu đơn vị được khớp lệnh thành công. Tiếp theo đó là KLF khớp gần 9,3 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 1,6% lên 6.400 đồng/CP.

Trên UPCoM, thị trường cũng cắm đầu đi xuống trong phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 2,44 điểm (-2,13%), xuống 112,11 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 189,5 triệu đơn vị, giá trị 2.627,22 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 13,74 triệu đơn vị, giá trị 230,27 tỷ đồng.

Cổ phiếu HHV tiếp tục lùi về vùng giá thấp trong ngày khi để mất 4,6% và đóng cửa đứng tại mức giá 24.700 đồng/CP, nhưng thanh khoản vươn lên dẫn đầu với hơn 13,96 triệu đơn vị khớp lệnh.

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn cũng giảm sâu hơn như BSR giảm 2,3% xuống 20.800 đồng/CP, VGT giảm 5,9% xuống 25.300 đồng/CP, MSR giảm 4,2% xuống 27.500 đồng/CP, VGI giảm 4% xuống 33.400 đồng/CP…

Mặt khác, nhiều mã nhỏ như PVX, DCS, DPS, GTT, KSK, PPI, AVF, SPP… vẫn trong trạng thái trắng bên bán và đóng cửa tại mức giá trần.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều giảm, với VN30F2112 mất 31 điểm (-2%), xuống 1.509 điểm, khớp gần 144.470 đơn vị, khối lượng mở gần 29.020 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng nhuốm màu với CHPG2111 dẫn đầu thanh khoản khi khớp 187.940 đơn vị và đóng cửa giảm 21,4% xuống 770 đồng/CQ.

Tiếp theo đó là CMBB2107 giảm 3% xuống 1.940 đồng/CQ và khớp 160.650 đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục