Giao dịch chứng khoán chiều 29/9: Ồ ạt xả hàng, VN-Index rơi mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực bán bất ngờ gia tăng mạnh trong phiên chiều khiến VN-Index mất hơn 8,5 điểm, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày và là phiên giảm mạnh nhất trong hơn 3 tuần.
Giao dịch chứng khoán chiều 29/9: Ồ ạt xả hàng, VN-Index rơi mạnh

Trong phiên giao dịch sáng, dù dòng tiền chảy mạnh, nhưng sức ì tại nhiều mã bluechip khiến VN-Index không thể bứt phá qua ngưỡng 920 điểm, mà chỉ đóng cửa với sắc xanh nhạt, dưới 915 điểm.

Tuy nhiên, khi bước vào phiên giao dịch chiều, lực cung bất ngờ gia tăng ở một số mã lớn, rồi lan rộng ra trên bảng điện tử, đẩy VN-Index rơi mạnh xuống dưới 905 điểm. Trong đợt ATC, không những không thể thu hẹp đà tăng, VN-Index còn bị đẩy lùi sâu hơn, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày với sắc đỏ chiếm thế áp đảo, hơn gấp 2 lần sắc xanh. Điểm tích cực là dòng tiền vẫn chảy mạnh giúp thanh khoản tăng.

Chốt phiên chiều 29/9, VN-Index giảm 8,52 điểm (-0,93%), xuống 903,98 điểm với 128 mã tăng, trong khi có tới 281 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 465,4 triệu đơn vị, giá trị 8.527,4 tỷ đồng, tăng hơn 10% về khối lượng và 17,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 27 triệu đơn vị, giá trị 772 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu bluechip, chỉ có VNM, MWG, HVN giữ được đà tăng, nhưng chỉ có VNM là đáng kể với mức tăng 3,7% lên 109.200 đồng, khớp hơn 5 triệu đơn vị, dù vậy cũng khiêm tốn hơn nhiều so với mức trần 112.600 đồng đầu phiên sáng. Trong khi đó, MWG chỉ tăng 0,49% lên 103.500 đồng, khớp hơn 1,2 triệu đơn vị và HVN còn khiêm tốn hơn, tăng 0,19% lên 26.750 đồng, khớp gần 1 triệu đơn vị.

Ngoài ra, còn có thêm NVL, GVR, POW và BHN đóng cửa ở mức tham chiếu.

Trong khi đó, sắc đỏ bao trùm trong nhóm, trong đó giảm mạnh nhất là STB khi bị chốt lời mạnh, chốt phiên giảm 3,62% xuống 13.300 đồng, khớp 22,8 triệu đơn vị, đứng thứ 3 về thanh khoản trên sàn HOSE. Tiếp đến là BVH cũng bị chốt lời mạnh sau chuỗi tăng trần trước đó, đóng cửa giảm 3,42% xuống 48.000 đồng, khớp hơn 1,1 triệu đơn vị.

Các mã giảm hơn 2% có CTG giảm 2,03% xuống 26.600 đồng, khớp gần 6 triệu đơn vị; MSN giảm 2,01% xuống 53.600 đồng, khớp 1,3 triệu đơn vị.

Các mã giảm trên dưới 1,5% có VCB, VIC, VHM, BID, SAB, TCB, VRE, PLX, VJC, MBB, FPT, TPB. Các mã còn lại giảm dưới 1%.

Trong nhóm này, ngoài STB, cũng có nhiều mã có thanh khoản tốt như HPG khớp 18,5 triệu đơn vị, VPB khớp gần 11,6 triệu đơn vị, POW gần 9,8 triệu đơn vị, MBB khớp gần 8 triệu đơn vị. Cùng CTG và VNM khớp từ hơn 5 triệu đơn vị đến gần 6 triệu đơn vị đã đề cập ở trên.

Trong khi đó, DCM lại đi ngược dòng ấn tượng khi đóng cửa ở mức trần 11.700 đồng, khớp 9,5 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.

Với các mã vừa và nhỏ khác, FLC sau khi nỗi sóng hôm qua, sáng nay tiếp tục được kéo lên mức trần 3.650 đồng, nhưng áp lực chốt lời sớm khá lớn, nên hạ nhiệt, có lúc đã về dưới tham chiếu, sau đó nhờ lực cầu duy trì tốt nên đóng cửa với sắc xanh nhạt.

Chốt phiên, FLC tăng 0,88% lên 3.450 đồng, khớp 26,3 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE.

Một mã khác cũng duy trì đà tăng hôm nay là TCH. Sau thông tin vợ Chủ tịch HĐQT đăng ký mua vào 18 triệu cổ phiếu, TCH đã tăng chuỗi tăng ấn tượng. Sau 2 phiên tăng nhẹ 0,24% và 1,21% vừa qua, phiên hôm nay, TCH có phiên tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng tốt hơn là 2,63% lên 21.500 đồng. Thanh khoản cũng vượt trội với 13 triệu đơn vị, cao nhất trong hơn 1 tháng qua.

Trong khi đó, dù lực cầu khá tốt, nhưng áp lực bán mạnh khiến HSG đóng cửa trong sắc đỏ, giảm 5,6% xuống 15.200 đồng, khớp 23 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau FLC.

Diễn biến trên HNX cũng tương tự HOSE khi lệnh xả ồ ạt diễn ra ngay khi thị trường bước vào phiên chiều, đẩy chỉ số chính của sàn này lao mạnh và cũng đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,38 điểm (-1,04%), xuống 131,74 điểm với 58 mã tăng, trong khi có tới 94 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 68,4 triệu đơn vị, giá trị 941 tỷ đồng, tăng 14% về khối lượng và 16,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6 triệu đơn vị, giá trị 204 tỷ đồng.

Trong các mã lớn trên sàn này, sắc xanh cũng chỉ xuất hiện tại VCG khi tăng 2,31% lên 39.900 đồng, khớp nửa triệu đơn vị và THD tăng nhẹ 0,24% lên 84.000 đồng, thanh khoản đì đẹt. Ngoài ra, còn có thêm PVI, IDC, PHP, NVB đóng cửa ở tham chiếu, còn lại đều giảm.

Trong đó, ACB giảm 0,88% xuống 22.400 đồng, khớp 5,9 triệu đơn vị; SHB giảm 2,56% xuống 15.200 đồng, khớp 3,8 triệu đơn vị; VCS giảm 1,62% xuống 66.600 đồng, khớp 0,4 triệu đơn vị; PVS giảm 2,88% xuống 13.500 đồng, khớp 9,8 triệu đơn vị, lớn nhất sàn.

Các mã có thanh khoản tốt khác trên sàn này (khớp từ hơn 2 triệu đơn vị đến hơn 3 triệu đơn vị) có DXP, SHS, MBG, NVB, CEO, VIG. Trong đó, DXP và VIG là 2 mã ngược dòng khi đóng cửa ở mức trần 12.500 đồng và 1.100 đồng, đều còn dư mua trần. Thêm NVB đóng cửa tham chiếu như đã nói, còn lại đều giảm giá.

Diễn biến trên UPCoM cũng tương tự 2 sàn niêm yết khi lệnh bán ồ ạt theo 2 sàn niêm yết kéo chỉ số UPCoM-Index giảm khá mạnh, nhưng may mắn thoát được mức đáy của ngày.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,42%), xuống 61,52 điểm với 99 mã tăng và 103 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 53 triệu đơn vị, giá trị 691,8 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 21,5 triệu đơn vị, giá trị gần 216 tỷ đồng, chủ yếu đến từ gần 17,2 triệu cổ phiếu EVF ở mức giá sàn, trị giá 111,67 tỷ đồng và 3,34 triệu cổ phiếu VIB ở mức sàn, giá trị 77 tỷ đồng.

Mặc dù chỉ số chung giảm, nhưng các mã thanh khoản cao nhất lại giao dịch khác tích cực. Trong đó, LPB đứng giá tham chiếu 11.300 đồng, thanh khoản hơn 8 triệu đơn vị, lớn nhất thị trường. Tiếp đến là BSR với 5,56 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,39% lên 7.300 đồng. VIB và OIL khớp hơn 2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng lần lượt 2,2% lên 27.700 đồng và 4,94% lên 8.500 đồng.

Hai mã còn lại có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là BVB và AAS và đóng cửa trái chiều, trong khi BVB tăng nhẹ 0,93% lên 10.900 đồng, thì AAS giảm 10,98% xuống 7.300 đồng.

ACV sau thông tin về việc được đề xuất quản lý các sân bay tiếp tục tăng mạnh 2,63% lên 66.300 đồng, thanh khoản đạt 0,63 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm theo chỉ số này. Cụ thể, VN30-Index giảm 0,82% xuống 856,2 điểm, mức thấp nhất ngày, còn VN30F2010 giảm 1,02% xuống 854,1 điểm cũng là mức thấp nhất ngày với 121.353 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 25.442 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng bao trùm các mã với 57 mã giảm, trong khi có 36 mã tăng. Trong đó, CSTB2007 là mã có thanh khoản nhất với hơn 1,16 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 26,09% lên 1.450 đồng. Tiếp đến là CHPG2017 với 1,11 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,08% lên 670 đồng. Các mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị hôm nay có CVPB2007, đóng cửa giảm 0,93% xuống 1.070 đồng; CHPG2016, đóng cửa tăng 3,45% lên 3.300 đồng; CVHM2006, đóng cửa giảm 8,93% xuống 510 đồng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục