Giao dịch chứng khoán chiều 28/3: Họ FLC bị bán tháo, cổ phiếu bất động sản "vạ lây"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã chứng kiến phiên giao dịch biến động mạnh và thanh khoản tăng vọt. Đáng chú ý, việc cổ phiếu họ FLC bị bán tháo khiến các cổ phiếu vừa và nhỏ trong nhóm bất động sản cũng "vạ lây".
Giao dịch chứng khoán chiều 28/3: Họ FLC bị bán tháo, cổ phiếu bất động sản "vạ lây"

Trong phiên sáng, tin đồn liên quan tới Chủ tịch Tập đoàn FLC đã khiến nhóm cổ phiếu này bị bán tháo với dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, gây tâm lý tiêu cực lên cả thị trường, nhất là các mã vừa và nhỏ có tính đầu cơ cao.

Dù áp lực bán tháo không diễn ra trên diện rộng khi số mã giảm sàn chưa tới 10 mã, nhưng việc nhóm bluechip, đặc biệt là dòng bank giảm cuối phiên khiến VN-Index nới đà giảm.

Ngay sau khi chốt phiên giao dịch sáng, tờ Tuổi trẻ đã đăng tin ông Trịnh Văn Quyết bị cơ quan chức năng ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh trong thời gian một tháng và mời lên làm việc để xác minh một số nội dung, báo hiệu thêm những khó khăn cho thị trường trong phiên chiều.

Ngay khi mở cửa phiên chiều, lực bán mạnh lan rộng thị trường khiến các mã lớn bé đua nhau giảm sâu. Chỉ số VN-Index nhanh chóng giảm hơn 25 điểm chỉ sau chưa đầy 10 phút giao dịch và rơi về sát mốc 1.470 điểm. Nhưng lực cầu mạnh đã nhập cuộc sôi động, giúp thị trường dần thu hẹp biên độ. Chỉ số VN-Index đã trở về trên mốc 1.480 điểm trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC.

Thị trường đã kết thúc phiên giao dịch không quá đáng lo ngại khi chỉ số VN-Index vẫn nằm trên vùng hỗ trợ 1.480 – 1.485 điểm và thanh khoản thị trường cũng tăng vọt, với giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt gần 33.000 tỷ đồng. Xu hướng thị trường vẫn trong trạng thái tích lũy để để đi lên.

Chốt phiên, sàn HOSE có 142 mã tăng (19 mã tăng trần) và 315 mã giảm (16 mã sàn), VN-Index giảm 15,32 điểm (-1,02%) xuống 1.483,18 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 1.065,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 32.880 tỷ đồng, tăng 38,56% về khối lượng và 34% giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 25/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 76,5 triệu đơn vị, giá trị 2.388,36 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn 3 mã đứng giá là BVH, PLX, PNJ, cùng 3 mã tăng là MWG tăng 3,7% lên 144.000 đồng/CP, FPT tăng 2,5% lên 98.100 đồng/CP, SAB tăng 0,1% lên 157.600 đồng/CP.

Còn lại có tới 24 mã giảm điểm, trong đó cặp đôi ngân hàng vẫn dẫn đầu, với STB giảm 5,3% xuống vùng giá thấp nhất trong ngày 31.850 đồng/CP và BID giảm 4,3% xuống mức 41.600 đồng/CP.

Các mã lớn khác như VHM giảm 1,3%, VNM và GVR cùng giảm 2,4%, SSI giảm 2,8%, NVL giảm 1,3%...

Xét về nhóm ngành, diễn biến tiêu cực ở họ FLC cũng đã lan sang các cổ phiếu khác trong nhóm bất động sản khi hàng loạt mã vừa và nhỏ cũng đua nhau nằm sàn.

Ở họ FLC, các mã gồm FLC, ROS, AMD, HAI vẫn giao dịch trong sắc xanh mắt mèo với lượng dư bán sàn chất đống, điển hình là FLC và ROS dư bán sàn tới gần 60 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều mã khác trong ngành như DTL, HAR, NBB, LDG, QCG, VPH, VRC, DIG cũng đều kết phiên tại mức giá sàn; hay DRH, CII, DXS, ITA… giảm trên dưới 6%. Cổ phiếu HQC cũng không thoát khỏi giá sàn với lượng dư bán sàn lên tới gần 12,7 triệu đơn vị.

Bộ 3 trụ cột gồm bank – chứng – thép vẫn trong trạng thái giảm điểm khi sắc đỏ bao phủ gần hết toàn ngành. Trong đó, nhóm ngân hàng có phần tiêu cực hơn phiên sáng khi các mã đồng loạt nới rộng biên độ giảm sâu hơn khi chỉ còn VCB, TCB, MBB và EIB giảm dưới 1%, còn lại đều trên 1%.

Ở nhóm chứng khoán, trái với diễn biến có phần tiêu cực chung của toàn thị trường nói chung và nhóm chứng khoán nói riêng, cổ phiếu FTS tiếp tục lội ngược dòng ngoạn mục.

Lực cầu tăng mạnh đã giúp FTS tiệm cận mức giá trần khi tăng 6,5% và đóng cửa tại mức giá cao nhất trong ngày 57.300 đồng/CP và trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất trong ngành tại thời điểm này. Đồng thời, thanh khoản của FTS cũng tăng vượt trội, với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1,44 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thủy sản vẫn là điểm nhấn của thị trường khi hàng loạt mã đua nhau tăng trần. Đáng chú ý là cặp ASM và IDI cũng không nằm ngoài xu hướng chung của ngành và đều kết phiên tại mức giá trần, với thanh khoản sôi động, lần lượt đạt 14,2 triệu đơn vị và hơn 7,31 triệu đơn vị, tăng mạnh so với những phiên gần đây.

Ngoài ASM và IDI, các mã khác trong nhóm như ACL, CMX cũng tăng trần, AAM tăng 5%, ANV tăng 4,2%, VHC tăng 2,7%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi trong khi các mã giảm khá mạnh thì cặp đôi của bầu Đức đã có phiên giao dịch khởi sắc và cùng dẫn đầu thanh khoản thị trường. Trong đó, HAG tăng 1,1% lên mức 13.300 đồng/CP và khớp 41,23 triệu đơn vị, còn HNG có thời điểm chạm trần và kết phiên tăng 6,4% lên 10.800 đồng/CP và khớp 37,48 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, lực cầu sôi động cũng giúp thị trường thu hẹp đà giảm về cuối phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 87 mã tăng và 169 mã giảm, HNX-Index giảm 6,86 điểm (-1,48%) xuống 454,89 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 148,45 triệu đơn vị, giá trị 4.467,73 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,4 triệu đơn vị, giá trị gần 198 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30, cổ phiếu LHC tăng vọt về cuối phiên với biên độ 7,9% lên mức giá cao nhất trong ngày 177.100 đồng/CP.

Bên cạnh đó, PVS cũng hỗ trợ tốt cho thị trường khi tăng 4,6% và đóng cửa tại vùng đỉnh của ngày, tại mức giá 36.100 đồng/CP; điểm sáng duy nhất của dòng bank là NVB dù không giữ được phong độ như phiên sáng nhưng vẫn tăng tốt đạt 3,1% lên mức 36.600 đồng/CP… Ngoài ra, TAR tăng 2,8% lên 41.000 đồng/CP với thanh khoản duy trì trạng thái sôi động với gần 2,8 triệu đơn vị khớp lệnh…

Ở chiều ngược lại, cặp đôi bất động sản là CEO và HUT đều giảm sâu hơn. Trong đó CEO giảm 7% xuống mức 66.000 đồng/CP, còn HUT giảm 5,2% xuống 41.900 đồng/CP. Ngoài ra, một số mã lớn khác như SHS giảm 3,3%, IDC giảm 3%, THD giảm 1,3%...

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu dệt may đã có phiên giao dịch tích cực, đi ngược xu hướng chung của thị trường. Bên cạnh NPS tăng trần, các mã khác giao dịch khởi sắc như TNG tăng 6,41% lên 38.200 đồng/CP, MPT tăng 3,6%... Trong đó, TNG có thanh khoản đột biến, chỉ đứng sau CEO và PVS, với khối lượng khớp lệnh gần 7,2 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp KLF và ART vẫn dư bán sàn lượng lớn, ngoài ra, các mã BII, MBG, DL1, PVL, TTH, AMV… cũng không thoát khỏi trạng thái giảm sâu.

Trên UPCoM, sau nhịp giảm sâu đầu phiên, thị trường cũng thu hẹp biên độ về vùng giá chốt phiên sáng nay.

Đóng cửa phiên giao dịch, UpCoM-Index giảm 1 điểm (-0,85%) xuống 116,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 86,82 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.819 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6 triệu đơn vị, giá trị 214,38 tỷ đồng.

Cổ phiếu VHG vẫn duy trì trạng thái giảm sâu khi kết phiên giảm 4,5% xuống mức 10.700 đồng/CP và thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt 12,75 triệu đơn vị.

Cặp đôi dầu khí có phần tích cực hơn sau nhịp điều chỉnh của phiên sáng. Kết phiên, BSR tăng 1,1% lên 27.000 đồng/CP và khớp hơn 7 triệu đơn vị, còn OIL đã lấy lại mốc tham chiếu.

Tâm điểm đáng chú ý là CEN. Sau khi hụt hơi về cuối phiên sáng, cổ phiếu CEN đã lấy lại sắc tím trong phiên chiều và kết phiên đứng tại mức giá trần 19.000 đồng/CP cùng khối lượng giao dịch lớn, đạt 2,53 triệu đơn vị.

Một trong những mã đáng chú ý khác trên UPCoM là VGI. Đóng cửa, VGI tăng 5,4% lên mức 35.100 đồng/Cp với khối lượng giao dịch đạt hơn 2,66 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều mất điểm, trong đóVN30F2204 giảm 10,5 điểm (-0,7%) xuống 1.483,5 điểm, khớp lệnh hơn 117.190 đơn vị, khối lượng mở gần 29.490 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ bao trùm, với CHPG2203 giao dịch sôi động nhất với gần 2,15 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên giảm 5% xuống 1.530 đồng/cq.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục