Trong phiên giao dịch sáng, sau khi kéo VN-Index lên ngưỡng 875 điểm, áp lực chốt lời đã gia tăng, đẩy chỉ số này quay ngược lại giống như lúc đi lên, về sát điểm xuất phát. Vào nửa cuối phiên, lực cầu gia tăng một lần nữa kéo VN-Index trở lại, nhưng không thể chinh phục lại mức đỉnh đã xác lập đầu phiên sáng do áp lực bán luôn chực chờ.
Bước vào phiên giao dịch chiều, ngay đầu phiên, lực cung chốt lời đã gia tăng mạnh, đẩy VN-Index xuống dưới tham chiếu. Sau một nhiệp đưa đẩy, kéo VN-Index trở lại ngưỡng 870 điểm, bên bán đã “ngửa bài”, khiến hàng trăm mã bị đẩy xuống dưới tham chiếu và VN-Index lao thẳng xuống ngưỡng 860 điểm.
Thêm đợt ra hàng mạnh nữa trong đợt khớp lệnh giá đóng cửa ATC, VN-Index lùi thêm bước nữa, xuống mức đáy của ngày, nhưng may mắn vẫn giữ lại được ngưỡng 855 điểm.
Chốt phiên, VN-Index giảm 11,65 điểm (-1,34%), xuống 857,48 điểm với 127 mã tăng, trong khi có tới 258 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 388,9 triệu đơn vị, giá trị 6.686,7 tỷ đồng, tăng gần 18,5% về khối lượng và 20,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 34,4 triệu đơn vị, giá trị 703,3 tỷ đồng.
Trong nhóm cổ phiếu lớn, chỉ còn VCB, GAS, NVL, HVN, EIB còn giữ được sắc xanh, trong đó HVN tăng 2,38% lên 28.000 đồng, EIB tăng 1,78% lên 17.200 đồng, còn 3 mã còn lại may mắn giữ được sắc xanh. Thêm VIC, MSN, VJC, PLX may mắn đứng tham chiếu, còn lại đều giảm khá mạnh.
Trong đó, giảm mạnh nhất là BID giảm 5,24% xuống 39.800 đồng, VPB giảm 4,76% xuống 23.000 đồng, HPG giảm 4,23% xuống 27.200 đồng, VRE giảm 3,77% xuống 25.500 đồng, CTG giảm 3,24% xuống 22.400 đồng, GVR giảm 3,05% xuống 12.700 đồng.
Các mã giảm từ hơn 2% đến gần 3% có VHM, VNM, BVH, POW, HDB, STB; các mã giảm gần 2% có PNJ, MBB, MWG, FPT.
Trong đó, HPG là mã có thanh khoản nhất nhóm với 19,8 triệu đơn vị, tiếp theo là STB với 15,4 triệu đơn vị, MBB hơn 10 triệu đơn vị, CTG hơn 8,4 triệu đơn vị, POW hơn 6,5 triệu đơn vị…
Tuy nhiên, vẫn có nhiều mã đi ngược thị trường giữ sắc tím đậm, đặc biệt là ITA có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp lên 3.190 đồng, khớp 26,6 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường và còn dư mua trần 1,6 triệu đơn vị.
Ngoài ITA, các mã có sắc tím hôm nay còn có EVG, TVB, TNI, CTD, QBS, TEG…
Trái ngược với người đồng nghiệp HPG, HSG lại giữ được sắc xanh dù đà tăng đã hãm đi một nửa so với phiên sáng. Chốt phiên, HSG tăng 1,62% lên 10.050 đồng, khớp 16,4 triệu đơn vị, đứng thứ 3 sau ITA và HPG.
Tương tự, lực bán mạnh mẽ cũng diễn ra trên HNX trong phiên chiều, đẩy chỉ số này lao thẳng, nhưng may mắn thoát được mức thấp nhất ngày khi đóng cửa phiên.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,6 điểm (-1,45%), xuống 108,89 điểm với 64 mã tăng, trong khi có 91 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 65,2 triệu đơn vị, giá trị 735 tỷ đồng, tương đương về khối lượng, nhưng giảm nhẹ về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,1 triệu đơn vị, giá trị 63,8 tỷ đồng.
Cũng giống sàn HOSE, các mã lớn trên HNX chỉ còn PVI giữ được sắc xanh nhạt, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, ACB giảm 2,15% xuống 22.800 đồng, khớp 6,4 triệu đơn vị; SHB giảm 2,86% xuống 13.600 đồng, khớp 9,6 triệu đơn vị; PVS giảm 1,54% xuống 12.800 đồng, khớp 5,7 triệu đơn vị.
Ngoài ra, VCG giảm 0,4% xuống 25.100 đồng, VCS giảm 3,04% xuống 67.000 đồng, IDC giảm 3,26% xuống 17.800 đồng.
Trên HNX cũng có một số điểm sáng như DGC tăng 5,97% lên 35.500 đồng, NVB tăng 2,5% lên 8.200 đồng, khớp 2,9 triệu đơn vị, hay NTP tăng 0,29% lên 34.900 đồng, MBS tăng 5,05% lên 10.400 đồng, khớp 3 triệu đơn vị…
Trong các mã nhỏ, trong khi HUT vẫn an vị tại mức tham chiếu 2.000 đồng, khớp 4,2 triệu đơn vị, thì DST lại vững vàng ở mức trần 4.200 đồng, khớp gần 3 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.
UPCoM cũng không nằm ngoài xu hướng lao dốc trong phiên chiều do áp lực chốt lời. Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,4 điểm (-0,72%), xuống 54,93 điểm với 87 mã tăng và 94 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 26,3 triệu đơn vị, giá trị 480 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,5 triệu đơn vị, giá trị 151,6 tỷ đồng.
Đà tăng của LPB đã bị hãm lại khá nhiều, chỉ còn duy trì mức tăng 1 bước giá, lên 7.800 đồng, khớp 8 triệu đơn v.
Tương tự, BSR cũng có mức tăng 1 bước giá, khớp 4 triệu đơn vị, trong đó nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1,3 triệu dơn vị.
Ngoài ra, có thêm 2 mã nữa khớp trên 1 triệu đơn vị và đều đóng cửa giảm giá là VIB khớp 2 triệu đơn vị (đóng cửa giảm 1 bước giá) và VGI khớp hơn 1 triệu đơn vị (đóng cửa giảm 2,63% xuống 29.600 đồng).
Trên thị trường phái sinh, tất cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm điểm hôm nay với mức giảm lớn hơn nhiều VN30-Index (gấp 1,5 – 2 lần). Cụ thể, VN3-Index giảm 1,67% xuống 801,36 điểm, còn VN30F2006 đáo hạn ngày 18/6 giảm 3,27% xuống 782,9 điểm với 208.309 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 19.838 hợp đồng. Biên độ dao động của hợp đồng này trong phiên hôm nay khá lớn hơn 4%. Các hợp đồng còn lại giảm từ hơn 2% đến gần 3,4%.
Trên thị trường chứng quyền, cũng giống như thị trường cơ sở, số mã giảm chiếm ưu thế trên thị trường chứng quyền với 47 mã giảm 9 mã tăng. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là CROS2001 với 811.400 đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 20 đồng.