Sau phiên giao dịch sáng đầy thận trọng khi khi lực mua bán khá giằng co thì bước sang phiên chiều thị trường xuất hiện chuyển cơ. Sự dẫn dắt của Masan (MSN) và GVR khá vững giúp cho chỉ số không bị giảm sâu kéo dòng tiền vào mua mạnh dạn hơn, giúp VN-Index có phiên tăng điểm khá tốt.
Cổ phiếu Masan được trợ lực nhờ thông tin các công ty con mua vào một lượng lớn cổ phiếu. Còn về chỉ số chung thì sau phiên chặn đà rơi ngày hôm qua (24/8) bằng một cây nến rút chân, thì nhịp phục hồi là dễ đoán định, và đã được dự báo trong bản tin chiều qua.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 24/8: Đà rơi được hãm lại
Đây là một phiên phục hồi kỹ thuật điển hình với điểm số tăng nhưng thanh khoản co hẹp cho thấy, lực bán được hãm lại, nhưng lực mua chưa quá quyết liệt.
Về tổng thể thị trường vẫn cần phải thận trọng vì nhịp giảm điểm bắt đầu từ hôm 20/8 khá mạnh, thông thường thì cần phải có ít nhất vài phiên hãm đà rơi và giao dịch giằng co tích lũy mới có thể kỳ vọng một nhịp bật mạnh trở lại được. Tuy nhiên diễn biến 2 phiên hôm qua và hôm nay bắt đầu cho thấy những hy vọng về khả năng thị trường có khả năng tạo đáy quanh vùng 1.280 điểm của VN-Index.
Cơ sở cho nhận định này vẫn đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, hầu hết trong nhịp giảm giá 3 phiên gần nhất đã trở về sát vùng giá ở mức đáy được hình thành từ đầu tháng 7, thậm chí có một số mã sáng nay đã giảm quá mức này như BID và CTG, sau đó được kéo lên. Việc nhóm ngân hàng, chiếm gần 30% trọng số của VN-Index về vùng hỗ trợ mạnh, và nếu không giảm tiếp sẽ là má phanh hãm bớt đà giảm của chỉ số chung. Còn tất nhiên, nếu điều ngược lại xảy ra VN-Index cần tiếp tục dò đáy cho đợt giảm này thêm nữa.
Quay lai với phiên hôm nay, nhóm VN-30 phục hồi khá tốt, chỉ còn VIC, VHM và CTG giảm giá, còn hầu hết các mã khác đều tăng hoặc giữ giá tham chiếu. Ngoài trường hợp MSN và GVR đã đề cập thì mã đáng chú ý gọi tên POW khi duy trì được mức giá tăng trần từ khá sớm, tương tự là SAB và VJC có mức tăng tích trên 3%.
Đánh giá nhóm VN30 để thấy, dòng tiền vẫn đang luân chuyển khá tốt vì POW chỉ có nhịp nhịp hồi khá yếu ở cuối tháng 7, còn SAB thì thậm chí còn giảm tiếp, và giờ sau một thời gian đứng im đã “lên tiếng” mạnh mẽ. Lý do để tăng giá không đến từ các yếu tố cơ bản, mà dường chỉ đơn thuần là đã giảm sâu và lâu giờ mới được dòng tiền hướng tới.
Mở rộng ra trên thị trường chung, điều tương tự cũng đang diễn ra, khi thi trường giảm điểm mạnh do các mã lớn giảm giá 3 phiên vừa qua thì phần còn lại vẫn có diễn biến rất sôi động. Số mã tăng điểm lớn, những cổ phiếu có câu chuyện vẫn tăng trần, và hôm nay tiếp tục là như vậy với 18 mã tăng giá trần trên HOSE, và gần 20 mã có mức tăng giá trên 4%, với sự xuất hiện của rất nhiều ngành nghề từ dệt sợi, bất động sản, thép, y tế,..
Với diễn biến này, có lẽ là lúc nhà đầu tư không nên quan tâm nhiều tới biến động của chỉ số, nên tìm những cổ phiếu phù hợp để giao dịch. Khi sự sôi động loang dần, sẽ là lúc thị trường lại bùng nổ.
Chốt phiên, VN-Index tăng 10,81 điểm (+0,83%), lên 1.309,55 điểm với 228 mã tăng, gấp hơn 2 lần phiên sáng, trong khi số mã giảm chỉ còn gần một nửa với 134 mã và 49 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 516,3 triệu đơn vị, giá trị 16.548,7 tỷ đồng, giảm 26,8% về khối lượng và 28,4% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 41,1 triệu đơn vị, giá trị 1.600,6 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng ngoại trừ CTG gặp chút khó khăn và là mã duy nhất trong nhóm giảm với mức giảm 1,83% xuống 32.150 đồng, khớp 18,2 triệu đơn vị, còn lại đều quay đầu tăng giá.
Trong đó, tăng mạnh nhất là VIB với mức tăng 3,2% lên 29.000 đồng, khớp 1,2 triệu đơn vị. Tiếp đến là TPB tăng 2,5% lên 34.900 đồng, khớp hơn 3 triệu đơn vị. EIB tăng 2,1% lên 24.600 đồng, khớp chỉ hơn 164.000 đơn vị, MSB tăng 1,1% lên 27.900 đồng, khớp 3,6 triệu đơn vị. Các mã còn lại tăng dưới 1%.
Dù lực bán mạnh đợt ATC khiến VCB hãm đà tăng, chỉ còn mức tăng 0,52% lên 97.500 đồng, nhưng cũng đóng góp cho VN-Index gần 0,7 điểm.
Ngoài nhóm ngân hàng, nhóm thép cũng đồng trở lại, trong đó NKG đóng cửa ở mức trần 35.800 đồng, khớp hơn 11 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần gần 1,8 triệu đơn vị. Thậm chí, TLH cũng đảo chiều ngoạn mục từ dưới tham chiếu trong phiên sáng, đóng cửa ở mức trần 17.500 đồng, khớp 3,2 triệu đơn vị và cũng còn dư mua giá trần. Tương tự, SMC cũng leo lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa tăng kịch biên độ lên 46.400 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, “anh cả” của nhóm là HPG cũng đảo chiều tăng 1,4% lên 48.400 đồng, khớp 16,4 triệu đơn vị, HSG tăng 2,9% lên 38.700 đồng, khớp hơn 10 triệu đơn vị. POM tăng 5,5% lên 16.400 đồng, khớp 273.600 đơn vị. VIS cũng tăng 2,6% lên 17.450 đồng, nhưng thanh khoản thấp.
Nhóm chứng khoán ngoại trừ một số mã vừa và nhỏ tăng nóng trước đó như VDS, FTS, VIX giảm giá, TVS đứng giá tham chiếu, thậm chí APG tiếp tục giảm sàn xuống 15.250 đồng, còn lại đều lấy lại đà tăng, dù mức tăng không quá mạnh. Trong đó, SSI tăng 1,3% lên 62.000 đồng, khớp 11 triệu đơn vị, VCI tăng 2,9% lên 59.800 đồng, khớp 3,7 triệu đơn vị, HCM tăng 1,9% lên 54.200 đồng, khớp 4,7 triệu đơn vị, CTS tăng 2,3% lên 28.900 đồng, khớp 2,4 triệu đơn vị, AGR tăng 1,2% lên 16.500 đồng, khớp 3,1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm bất động sản và xây dựng, 2 mã đầu ngành là VIC và VHM vẫn đóng cửa trong sắc đó, nhưng mức giảm của VIC đã hãm đi đáng kể, chỉ còn dưới 1%, VHM chỉ có mức giảm không đáng kể, trong khi NVL, BCM, VCG trở về tham chiếu.
Trong nhóm bất động sản, ấn tượng nhất là DIG khi đóng cửa ở mức trần 32.700 đồng.
Tuy nhiên, việc VN-Index đảo chiều tăng mạnh hôm nay ngoại trừ sự hỗ trợ từ HPG, VCB, đặc biệt phải kể đến sự khởi sắc của MSN.
Duy trì sắc xanh trong suốt phiên sáng, nhưng phiên chiều mới ghi dấu ấn của MSN khi được kéo tăng vọt 5,1% đóng cửa ở mức 135.000 đồng, thậm chí có lúc lên 136.500 đồng, khớp hơn 350.000 đơn vị. Đây là mã đóng góp nhiều nhất cho đà tăng của VN-Index hôm nay với hơn 1,8 điểm, bù đắp hết số điểm mà VIC và CTG níu kéo.
Việc MSN tăng mạnh hôm nay có thể liên quan tới thông tin CTCP Masan, cổ đông lớn nhất của MSN đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu MSN để tăng sở hữu lên 31,55%. Ngoài ra, công ty con của Masan là Công ty Xây dựng Hoa Hướng Dương cũng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu MSN để nâng sở hữu lên 13,36%. Thời gian đăng ký mau đều từ 26/8 đến 24/9.
Trong nhóm VN30, còn phải kể đến POW khi tăng trần lên 11.250 đồng, khớp 13,85 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1,7 triệu đơn vị, hay GVR tăng 3,5% lên 35.200 đồng, khớp 3,4 triệu đơn vị, SAB tăng 3,4% lên 147.200 đồng, VJC tăng 3,4% lên 127.000 đồng. Ngoài ra, còn phải kể đến GAS, VNM, cùng với các mã trên đóng góp hơn 7,1 điểm cho VN-Index trong phiên hôm nay.
Trong nhóm cổ phiếu thị trường, lực cầu bắt đáy giúp FIT thoát phiên giảm sàn tiếp theo khi lượng dư bán sàn 18.550 đồng được hấp thụ hết, kéo FIT đóng cửa ở mức 19.000 đồng, giảm 4,5%, khớp hơn 16,3 triệu đơn vị. Trong khi FLC cũng được kéo trở lại tham chiếu 10.400 đồng, khớp 13,85 triệu odwn vị.
Trong khi đó, HQC, ITA, ROS, HAI, HNG, TTF… vẫn đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng mức giảm không lớn.
Nhóm phân bón dù vẫn chìm trong sắc đỏ, nhưng đà giảm đã được hãm bớt chút ít với DPM giảm 4,2% xuống 33.900 đồng, DCM giảm 1,7% xuống 23.200 đồng, BFC giảm 3,9% xuống 33.550 đồng.
Trên HNX, diễn biến của thị trường cũng khá giống sàn HOSE khi HNX -Index bị đẩy xuống dưới tham chiếu lúc đầu phiên, sau đó được kéo tăng mạnh và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 4,22 điểm (+1,27%), lên 336,01 điểm với 128 mã tăng và 86 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 122 triệu đơn vị, giá trị 2.931,7 tỷ đồng, giảm 30% về khối lượng và giảm 34,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 21,9 triệu đơn vị, giá trị 651,6 tỷ đồng.
Chiều nay, nhóm ngân hàng và chứng khoán trên HNX đều hồi phục mạnh, trong đó SHB tăng 1,85% lên 27.500 đồng, khớp 8,49 triệu đơn vị. BAB tăng 0,45% lên 22.100 đồng, NVB tăng 3,2% lên 29.000 đồng, khớp hơn 1,2 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán ấn tượng với VND tăng 3% lên 51.500 đồng, thanh khoản 8,88 triệu đơn vị, lớn nhất sàn. MBS tăng 3,28% lên 34.600 đồng, BSI tăng 1,45% lên 27.900 đồng, BVS tăng 1,21% lên 33.500 đồng, SHS tăng 0,5% lên 40.200 đồng, EVS tăng 3,52% lên 35.300 đồng, ART tăng 1,04% lên 9.700 đồng.
Ngoài ra, cũng phải kể đến sự đóng góp của các mã lớn khác như THD dù chỉ còn tăng rất nhẹ, 0,1%, VCS (+2,14%), IDC (+4,03%), NTP (+1,8%), PHP (+1,08%), hay PVS tăng 2,9% lên 24.800 đồng, khớp 5,46 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu khai thác than vẫn giữ được sắc tím đồng loạt, cùng ở nhiều mã.
Thị trường UPCoM cũng có nhịp giảm đầu phiên chiều để tạo đáy trong ngày rồi bật lên và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,4 điểm (+0,44%), lên 91,53 điểm với 147 mã tăng và 100 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 65,3 triệu đơn vị, giá trị 1.145 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,6 triệu đơn vị, giá trị 53,8 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu họ Masan cũng là nhóm đóng vai trò chủ đạo cho đà tăng của UPCoM hôm nay. Trong đó, MCH tăng 1,6% lên 127.100 đồng, dù hạn chế hơn rất nhiều so với phiên sáng, nhưng bù lại MML lại nới đà tăng từ 0,95% lên 3,27%, đóng cửa ở mức 75.800 đồng và MSR cũng đảo chiều tăng 1,54% lên 19.800 đồng.
BSR sau khi nhường sân khấu phiên sáng, đã trở lại vị trí quen thuộc trên bảng xếp hạng thanh khoản với 5,85 triệu đơn vị, đứng đầu UPCoM, đóng cửa tăng 1,1% lên 17.700 đồng. Trong khi đó, DDV hãm đà giảm chỉ còn 5,5% xuống 17.100 đồng, thanh khoản 5,22 triệu đơn vị. Tiếp đến HHV với hơn 5 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 4% xuống 19.300 đồng. C4G lùi xuống 1 bậc với 4,8 triệu đơn vị và đóng cửa chỉ còn giảm 3,7% xuống 10.400 đồng. VHG vẫn ở mức sàn 2.600 đồng, thanh khoản 4,6 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng mạnh hơn thị trường cơ sở. Cụ thể, VN30-Index tăng 10,25 điểm (+0,72%), lên 1.428,51 điểm, trong khi hợp đồng đáo hạn tháng 9 tăng 16,4 điểm (+1,16%), lên 1.431,5 điểm, thanh khoản 277.394 hợp đồng, khối lượng mở 33.100 đồng.
Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng cũng chiếm ưu thế so với số mã giảm. Trong đó, mã có mức tăng mạnh nhất và cũng là có thanh khoản tốt nhất là CPDR2101 do KIS phát hành với mức tăng 16,7% lên 70 đồng, có lúc mã này giảm về mức sàn 10 đồng. Thanh khoản hơn 3,2 triệu đơn vị, cũng là mã duy nhất thanh khoản trên 1 triệu đơn vị hôm nay.
Ngược lại, mã có mức giảm mạnh nhất cũng do KIS phát hành là CSBT2101 giảm 14,6% xuống 820 đồng, nhưng thanh khoản thấp, chỉ 14.200 đơn vị.