Lực bán gia tăng mạnh trong phiên chiều kéo hàng trăm mã chìm trong sắc đỏ, trong đó có nhiều mã giảm sàn, VN-Index giảm hơn 8 điểm, đánh mất luôn mốc 860 điểm.
Trong phiên sáng, thị trường lình xình quanh tham chiếu với thanh khoản sụt giảm khi nhà đầu tư thận trọng đứng ngoài quan sát. Các mã nóng trong phiên trước đó đều nhanh chóng hạ nhiệt, giao dịch cũng không còn sôi động.
Nhiều nhà đầu tư lo lắng, diễn biến phiên sáng giống như trời lặng gió trước khi có bão và điều này đã trở thành sự thật trong phiên chiều.
Ngay khi bước vào phiên chiều, lực bán đã gia tăng mạnh ở nhiều mã, đẩy VN-Index lùi xuống dưới ngưỡng 865 điểm. Đà giảm càng lúc càng được nới rộng khi lệnh bán lan tỏa ra khắp thị trường, kéo theo hơn 260 mã giảm giá, trong khi sắc xanh ít dần đều trên bảng điện tử.
Đặc biệt, tại các mã thị trường, lực bán ồ ạt đã đẩy nhiều mã xuống mức sàn với dư bán sàn khá lớn.
Điểm tích cực là VN-Index đã thoát khỏi mức đáy của ngày khi hồi nhẹ trở lại vào cuối phiên nhờ VIC được kéo trở lại trên tham chiếu trong những phút cuối phiên.
Chốt phiên hôm nay, VN-Index giảm 8,49 điểm (-0,98%), xuống 859,71 điểm với 99 mã tăng, trong khi có tới 268 mã giảm, trong đó có 19 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 370,9 triệu đơn vị, giá trị 5.041,5 tỷ đồng, giảm 18,5% về khối lượng và 26% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 30,9 triệu đơn vị, giá trị 863 tỷ đồng.
Phiên giảm điểm hôm nay ghi nhận phiên giảm thứ 2 liên tiếp của VN-Index, chấm dứt đà hồi của thị trường sau đợt lao dốc cuối tuần trước đó. Trên đồ thị, đỉnh của đợt tăng này thấp hơn nhiều so với đỉnh của đợt trước đó, điều này khẳng định thị trường đang trong xu hướng downtrend.
Về các mã cụ thể, áp lực bán mạnh đã đẩy HQC và ITA về mức sàn 1.780 đồng, 4.920 đồng, khớp lần lượt 33,2 triệu đơn vị và 21,3 triệu đơn vị, và đều còn dư bán sàn. Trong đó, HQC đứng đầu về thanh khoản, còn ITA đứng thứ 3 sau FLC.
FLC là điểm sáng le lói hiếm hoi trong phiên hôm nay khi giữ được sắc xanh trong khi hàng loạt mã cùng nhóm giảm. Chốt phiên, FLC tăng 1,22% lên 4.140 đồng, khớp 26,2 triệu đơn vị.
Cùng giảm sàn với ITA và HQC là TNI xuống 4.950 đồng, khớp 9,8 triệu đơn vị; HBC xuống 11.400 đồng, khớp 8,8 triệu đơn vị; SJF xuống 2.960 đồng, khớp 3,4 triệu đơn vị; JVC xuống 4.000 đồng, khớp 2,4 triệu đơn vị; PLP vẫn yên vị ở mức sàn 12.250 đồng; QBS xuống 3.060 đồng…
Dù không giảm sàn, nhưng các mã ROS, HSG, TCH, HAG, DLG, HAI, LDG, AMD, SCR… đều quay đầu giảm giá. Trong đó, ROS khớp 17,9 triệu đơn vị, HSG khớp 15,6 triệu đơn vị.
Trong các mã bluechip, may mắn cho VN-Index không bị rớt sâu thêm là VIC được kéo trở lại cuối phiên, đóng cửa tăng nhẹ 0,53% lên 94.700 đồng, VNM cũng giữ được sắc xanh, dù đà tăng thu hẹp lại so với phiên sáng với mức tăng 0,95% lên 117.100 đồng, trong khi SAB quay đầu giảm khá mạnh 2,44% xuống 160.000 đồng.
Trong nhóm này, chỉ có thêm sắc xanh nhạt tại MBB (+0,29% lên 17.550 đồng), PNJ (+1% lên 60.400 đồng), HPG, NVL, EIB đứng giá tham chiếu, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, giảm mạnh nhất là STB giảm 3,03% xuống 11.200 đồng, khớp 11,8 triệu đơn vị. Tiếp đến là VHM giảm 2,57% xuống 75.700 đồng.
Diễn biến tương tự cũng xảy ra trên sàn HNX khi lực bán gia tăng mạnh đã đẩy HNX-Index lao mạnh trong nửa cuối phiên chiều, dù sau đó thoát được mức thấp nhất trong ngày khi đóng cửa phiên.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,93 điểm (-0,81%), xuống 113,7 điểm với 61 mã tăng, trong khi có 97 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 60,2 triệu đơn vị, giá trị 648,9 tỷ đồng, giảm 14,6% về khối lượng và giảm nhẹ về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,4 triệu đơn vị, giá trị 118,9 tỷ đồng.
Trên sàn này, ngoại trừ VCG tăng mạnh 5,09% lên 28.900 đồng, VCS tăng nhẹ 0,48% lên 63.000 đồng, còn lại các mã bluechip khác đều giảm hoặc đứng giá.
Trong đó, ACB giảm 0,83% xuống 23.800 đồng, khớp 3 triệu đơn vị; SHB giảm 2,11% xuống 13.900 đồng, khớp gần 3,1 triệu đơn vị, PVS giảm 2,34% xuống 12.500 đồng, khớp 2,4 triệu đơn vị; NTP giảm 2,74% xuống 39.000 đồng; NVB đứng giá tham chiếu 8.800 đồng, khớp hơn 3,4 triệu đơn vị.
Trong khi đó, ở các mã thị trường thị giá nhỏ, KLF thoát mức sàn 2.000 đồng khi đóng cửa ở mức 2.100 đồng, giảm 4,55%, khớp gần 4,2 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên HNX. HUT vẫn giữ mức tham chiếu 2.700 đồng, khớp 3,6 triệu đơn vị, đứng ở vị trí tiếp theo và trên NVB.
Các mã giảm sàn trên HNX có DST, NHP, KVC, HKB…, trong khi VIX, PVB, PGN đóng cửa ở mức trần, thậm chí còn dư mua giá trần khá lớn.
Trong khi đó, trên thị trường UPCoM, dù cũng chịu áp lực lớn và quay đầu giảm trong nửa đầu phiên chiều, nhưng chỉ số chính của thị trường này vẫn kịp quay lại sắc xanh khi chốt phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,17%), lên 56,74 điểm với 89 mã tăng và 93 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,7 triệu đơn vị, giá trị 281 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn nửa triệu đơn vị, giá trị 21 tỷ đồng, chủ yếu diễn ra trong phiên sáng.
Ngoài BSR và LPB, phiên chiều có thêm OIL và G36 có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, chỉ có G36 đóng cửa tăng 6,45% lên 6.600 đồng, khớp 1,83 triệu đơn vị, còn lại đều giảm.
Cụ thể, BSR giảm 2,7% xuống 7.200 đồng, khớp 3,9 triệu đơn vị, LPB giảm 1,12% xuống 8.800 đồng, khớp 3,2 triệu đơn vị, OIL giảm 3,45% xuống 8.400 đồng, khớp 1 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm mạnh hơn VN30-Index. Cụ thể, VN30-Index giảm 0,74% xuống 801,62 điểm, còn VN30F2007 giảm 1,38% xuống 785 điểm với 143.297 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 20.194 hợp đồng. Các hợp đồng khác đều giảm từ hơn 1% đến hơn 1,3%.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế với 49 mã giảm, trong khi chỉ có 12 mã tăng. Trong đó, mã có thanh khoản nhất là CSTB2003 với 639.720 đơn vị, đóng cửa giảm 10,92% xuống 1.550 đồng.