Giao dịch chứng khoán chiều 22/2: Tiền vẫn vào mạnh và đường đến HOSE vẫn... tắc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường lại gặp sự cố cố hữu khi bước vào phiên giao dịch chiều khiến thanh khoản sụt giảm, tuy nhiên chỉ số VN-Index đã may mắn có được sắc xanh nhạt nhờ giao dịch khởi sắc một số bluechip.
Giao dịch chứng khoán chiều 22/2: Tiền vẫn vào mạnh và đường đến HOSE vẫn... tắc

Sau phiên sáng khá sôi động với lượng giao dịch tốt, lực cung thấp và lực cầu tốt khiến giấc mơ vượt đỉnh lịch sử tiếp tục được duy trì thì bước vào phiên giao dịch chiều, sau thời gian khá ngắn duy trì đà tăng nhẹ, thị trường bất ngờ có cú rớt điểm khá mạnh khiến VN-Index giảm, xuyên thủng mốc 1.170 điểm sau chưa đầy 1 giờ giao dịch.

Lý do cho cú rớt nhanh này là việc giảm điểm bất ngờ của một số mã trụ giữ nhịp chỉ số, và trùng hợp với thông tin về Hải Phòng đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu khi xuất hiện ca lây nhiễm cộng động mới.

Dù vậy, nhờ trạng thái hưng phấn của bên mua, VN-Index đã ngay lập tức được kéo trở lại và rung lắc ngắn rồi nhường chỗ cho việc... nghẽn lệnh. Trong khoảng hơn 30 phút giao dịch trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC, nhà đầu tư nhìn bảng điện tử một cách chán nản chờ đợt khớp lệnh đóng cửa.

Cần phải nói thêm rằng, tình trạng nghẽn lệnh này gần như không lối thoát ngoài chờ đợi hệ thống mới mà khả năng phải tới cuối năm mới có thể vận hành. Giải pháp khắc phục ngoài việc nâng lô giao dịch, chưa có thêm bất kỳ giải pháp có tính khả thi cho ngắn hạn!

Chốt phiên, với 170 mã tăng và 160 mã giảm, VN-Index tăng 1,54 điểm (0,13%), lên mức 1.175,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 630 triệu đơn vị, giá trị gần 15.300 tỷ đồng, tăng 8,94% về khối lượng và 3,74% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 19/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 58,86 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.364 tỷ đồng.

Nếu trong phiên sáng nay, dòng bank đóng vai trò là trụ đỡ chính giúp VN-Index lấy lại đà tăng điểm thì sang phiên chiều, nhóm cổ phiếu này không còn giữ phong độ khi nhiều mã như BID, TCB, STB, VCB đảo chiều giảm, CTG lùi về mốc tham chiếu, chỉ còn TPB, VPB và HDB nhích nhẹ chưa tới 1%.

Dù không được như phiên giao dịch trước đó ngày 19/2, nhưng cổ phiếu ACB vẫn là điểm sáng của ngành với mức tăng tốt nhất trong nhóm ngân hàng trên sàn HOSE, với mức tăng 1,6% lên 31.600 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh gần 12,6 triệu đơn vị.

Ngoài ACB, các mã khác cùng ngành có khối lượng khớp lệnh hơn 10 triệu đơn vị có STB, MBB, LPB, TCB, CTG. Trong đó, STB dẫn đầu thanh khoản thị trường khi khớp gần 26 triệu đơn vị, MBB khớp xấp xỉ 19,8 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác như VNM, VRE, GAS, HPG, MSN, BVH cũng kết phiên dưới mốc tham chiếu cũng phần nào khiến thị trường hạ nhiệt.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu lớn bất động sản là VHM vẫn tăng khá tốt 2,6% và kết phiên tại mức 105.800 đồng/CP, ngoài ra VIC, FPT, NVL, BCM cũng tăng nhẹ trên 0,5%, PLX tăng 1,8% lên 57.200 đồng/CP.

Một số cổ phiếu đáng chú ý trong phiên hôm nay phải kể đến RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia. Dù kết quả kinh doanh năm 2020 không mấy khả quan khi ghi nhận lợi nhuận âm 81,5 tỷ đồng, cao hơn cả số lỗ 73 tỷ đồng trong năm 2019, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2020 lên gần 310 tỷ đồng, nhưng cổ phiếu RIC đã có chuỗi ngày dài tăng phi mã.

Với việc xác lập 26 phiên tăng trần liên tiếp, cổ phiếu RIC đã đóng cửa phiên 22/2 tại mức giá 27.000 đồng/CP. Và tính trong gần 1,5 tháng qua, kể từ ngày 8/1/2021, giá cổ phiếu RIC đã tăng gấp gần 5 lần.

Cổ phiếu VIX cũng đã có phiên giao dịch bùng nổ thứ 2 khi thị trường biến động giằng và nhiều mã lớn chịu áp lực bán quay đầu giảm. Cụ thể, đóng cửa phiên 22/2, cổ phiếu VIX tăng 7% lên mức giá trần 29.850 đồng/CP và khớp 6,57 triệu đơn vị, dư mua trần 1,53 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, mặc dù trong gần suốt cả phiên chiều thị trường chỉ biến động giằng co nhẹ nhưng dòng tiền chảy mạnh cuối phiên đã giúp HNX-Index bật tăng mạnh mẽ.

Đóng cửa, sàn HNX có 102 mã tăng và 88 mã giảm, HNX-Index tăng 6,79 điểm (+2,94%), lên 237,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 160,68 triệu đơn vị, giá trị 1.778 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,13 triệu đơn vị, giá trị 36,36 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu lớn tăng mạnh, là động lực chính giúp thị trường vọt tăng, cụ thể: THD tăng 9,8% lên 184.500 đồng/CP, VIF tăng 3,9% lên 18.600 đồng/CP, PVS tăng 2,8% lên 21.700 đồng/CP, VCS tăng 1,1% lên 82.700 đồng/CP…

Trong khi đó, cặp đôi bà bank là SHB và NVB đều đảo chiều giảm, trong đó SHB giảm 1,3% xuống 15.700 đồng/CP, còn NVB giảm 0,7% xuống 13.600 đồng/CP.

Về thanh khoản, cổ phiếu SHB vẫn dẫn đầu với 16,46 triệu đơn vị khớp lệnh; tiếp theo đó là PVS khớp 14,76 triệu đơn vị và NVB khớp 7,84 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau khi bị đẩy về sát mốc tham chiếu sau gần 1 giờ giao dịch của phiên chiều, chỉ số UPCoM-Index đã nới rộng đà tăng trở lại.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,44 điểm (+0,58%), lên 76,57 điểm với 136 mã tăng và 100 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 38,78 triệu đơn vị, giá trị 715 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,13 triệu đơn vị, giá trị 36,36 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR đã lấy lại sắc xanh nhạt khi tăng 0,8% và kết thúc phiên tại mức 12.200 đồng/CP, cùng thanh khoản dẫn đầu thị trường UPCoM, với khối lượng giao dịch vượt trội, đạt 10,7 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là SSN có khối lượng giao dịch đạt 2,17 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 13,5% lên mức giá trần 5.900 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng đều giảm giảm, trong đó hợp đồng VN30F2103 có ngày đáo hạn gần nhất vào ngày 18/3/2021 kết phiên giảm 0,4% xuống 1.173,1 điểm, khối lượng khớp lệnh cao nhất đạt 183.570 đơn vị, khối lượng mở gần 27.730 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CVNM2102 hôm nay khớp lệnh cao nhất với gần 1,28 triệu đơn vị, kết phiên giảm 8,4% xuống 2.080 đồng/cq. Tiếp theo là CTCB2102 khớp 1,13 triệu đơn vị và kết phiên giảm 10% xuống 4.500 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục