Giao dịch chứng khoán chiều 22/12: Dòng tiền chảy mạnh, hệ thống của HOSE lại bị kêu khó đặt lệnh

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Một lần nữa nhà đầu tư lại than phiền về hệ thống giao dịch của HOSE trong phiên ATC khi thanh khoản thị trường vượt ngưỡng 14.000 tỷ đồng.

Giao dịch chứng khoán chiều 22/12: Dòng tiền chảy mạnh, hệ thống của HOSE lại bị kêu khó đặt lệnh

Chỉ chưa đầy 1 tuần, hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) bị nhà đầu tư 2 lần phản ánh gặp trục trặc khi lệnh đặt của nhiều nhà đầu tư không thể thực hiện được trong phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC).

Điểm chung của 2 phiên này là thanh khoản thị trường đều vượt ngưỡng 14.000 tỷ đồng.

Cụ thể, trong 17/12, phiên điều chỉnh mạnh của thị trường sau thông tin Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ. Lực bán mạnh khiến thị trường giảm sâu, nhưng lực cầu rất tốt giúp chặn đà rơi của chỉ số và đẩy thanh khoản lên cao.

Kịch tính xảy ra trong phiên ATC khi nhiều nhà đầu tư than phiền đặt lệnh bán ở nhiều công ty chứng khoán nhưng lệnh không vào. Một số nhà đầu tư đặt lệnh mua cho biết, họ cũng không vào được lệnh. Hoài nghi lúc này hướng vào hệ thống của Sở bị quá tải khi số lệnh vào quá lớn với thanh khoản thị trường đạt mức trên 14.000 tỷ đồng.

HOSE ngay buổi chiều 17/12 đã có thông báo về phiên giao dịch này. Theo HOSE, trong phiên giao dịch khớp lệnh chiều ngày 17/12/2020, Sở nhận được phản ánh của một số công ty chứng khoán về lệnh giao dịch có hiện tượng chậm. HOSE đã theo dõi và phát hiện một vài trường hợp kết quả khớp lệnh được trả về chậm, có thể do hoạt động giao dịch tăng mạnh trong phiên này.

Ngoài ra, hệ thống giao dịch chuyển sang phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa và kết thúc ngày giao dịch bình thường, không có sai sót.

Tuy nhiên, dường như sự cố kỹ thuật này lại lặp lại trong phiên chiều nay khi thị trường cũng vượt mức thanh khoản 14.000 tỷ đồng và cũng xảy ra trong phiên ATC. Trên các diễn đàn, nhiều nhà đầu tư tỏ ra bức xúc khi không thể vào được lệnh và cho rằng, hệ thống của HOSE lạc hậu, không thể chịu tải được khi lệnh vào quá lớn. Thậm chí, một số nhà đầu tư còn đề nghị hủy phiên ATC chiều nay.

Trở lại với diễn biến của phiên giao dịch hôm nay. Sau khi liên tiếp thiết lập đỉnh mới của năm, VN-Index gặp nhiều thử thách trước ngưỡng cản tâm lý 1.080 điểm trong phiên hôm nay. Áp lực bán ở vùng giá cao này khiến chỉ số giằng co mạnh, trong đó tập trung chủ yếu tại nhóm cổ phiếu lớn vốn đã tăng rất mạnh thời gian qua. Sức ép lớn khiến VN-Index nhiều thời điểm bị đẩy lùi qua tham chiếu, thậm chí giảm khá mạnh như lúc đầu và cuối phiên sáng.

Tuy nhiên, bỏ lại sau lưng mọi sức ép và sự e ngại, dòng tiền lớn vẫn ồ ạt chảy vào thị trường và thể hiện sự linh hoạt khi không còn tập trung quá nhiều vào nhóm cổ phiếu lớn, mà chuyển dần sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giúp độ rộng thị trường dần tích cực. Điều này tạo tâm lý hưng phấn cho nhà đầu tư cũng như động lực nâng đỡ chỉ số duy trì vững sắc xanh với thanh khoản ở mức ngang với phiên 17/12.

Đóng cửa, với 269 mã tăng và 167 mã giảm, VN-Index tăng 2,37 điểm (+0,22%) lên 1.083,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 756,11 triệu đơn vị, giá trị 14.590,47 tỷ đồng, tăng 6% về khối lượng và 2% về giá trị so với phiên 21/12. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 60,25 triệu đơn vị, giá trị gần 1.742 tỷ đồng.

Trước áp lực chốt lời mạnh mẽ, nhóm cổ phiếu lớp có sự phân hóa mạnh với số mã tăng giảm tương đồng. Tuy nhiên, về cuối phiên, nhóm mã tăng có biên độ tăng khá tốt, trong khi biên độ giảm của ở nhóm mã giảm không quá lớn, nên không gấy sức ép quá lớn lên VN-Index.

Các mã MWG, REE, SBT, SSI đều tăng trên 3%, còn HPG, POW, TCH, FPT, KDH, PNJ tăng từ hơn 1-2%. EIB và ROS vẫn giữ vững sắc tím.

Ngược lại, các mã VNM, GAS, MSN, VCB, VJC, PLX đều giảm trên 1%.

STB khớp lệnh 34,46 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE. Nhiều mã ngân hàng khác có thanh khoản mạnh như MBB, TCB khi lần lượt khớp 22,8 triệu và 17,1 triệu đơn vị, song đều giảm điểm.

HPG khớp lệnh hơn 26 triệu đơn vị, đứng thứ 3 HOSE. ROS khớp 16,1 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 1,6 triệu đơn vị.

Việc nhận được sự chú ý của dòng tiền giúp phần lớn nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giao dịch khởi sắc phiên này với hơn 50 mã tăng trần, trong đó có các mã giữ vững sắc tím từ đầu phiên như ITA, HQC, LCG, TDH, ASM, VOS, APG, GVR, TSC, BCG, EVG, TDC, IJC, JVC, TLD…

Nổi bật trong đó có ITA khi khớp lệnh 28,5 triệu đơn vị, đứng thứ 2 HOSE, HQC hơn 17,6 triệu đơn vị, các mã LCG, DCM, KBC khớp từ 10-12 triệu đơn vị…

Tính riêng các nhóm nghành, các nhóm ngân hàng, tài chính, vật liệu, xây dựng, bất động sản công nghiệp đều giao dịch tích cực.

Trên sàn HNX, sự giằng co cũng diễn ra trong phần lớn thời gian, nhưng bất ngờ tăng vọt trong nửa cuối phiên để đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Đóng cửa, với 134 mã tăng và 54 mã giảm, HNX-Index tăng 5,73 điểm (+3,15%) lên 187,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 158,14 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.175 tỷ đồng, tăng 36% về khối lượng và 47% về giá trị so với phiên 21/12. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 44 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 708 tỷ đồng.

Tương tự, nhóm cổ phiếu nhỏ trên HNX cũng nổi sóng và đồng loạt tăng kịch trần với các mã ART, SPI, KLF, MPT, DS3, BII, VIG, HHG, WSS, HBS LUT, VHE, PVL.

Ở các mã lớn, CEO và HUT tăng khoảng 6%, các mã MBS, NDN, PVB, DTD cùng tăng trên 4%... góp phần đáng kể vào đà tăng chung của chỉ số.

TVC và TNG giảm khoảng 2%, các mã giảm còn lại đều không mạnh nên không tác động nhiều tới chỉ số.

Thanh khoản SHB cao nhất sàn khi đạt gần 14,8 triệu đơn vị, tăng 1,7% lên 18.200 đồng. Tiếp theo là CEO và HUT với 9 triệu và 8,3 triệu đơn vị.

PVS khớp lệnh thứ 4 với hơn 8 triệu đơn vị, nhưng giảm 0,6% về 16.300 đồng.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục