Giao dịch chứng khoán chiều 22/11: Nhóm cổ phiếu ngân hàng không cứu nổi thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù dòng bank đua nhau nổi sóng với hàng loạt mã tăng mạnh và kéo trần, nhưng áp lực xả bán diễn ra trên diện rộng, với tâm điểm là nhóm cổ phiếu bất động sản - xây dựng khiến VN-Index thủng mốc 1.450 điểm.
Giao dịch chứng khoán chiều 22/11: Nhóm cổ phiếu ngân hàng không cứu nổi thị trường

Lực bán quá mạnh trong chiều nay, riêng HOSE có 350 mã giảm điểm và 111 mã giá sàn khiến cho nhóm cổ phiếu trụ của thị trường là ngân hàng, chứng khoán và thép cũng không làm trụ được cho thị trường.

Nhóm ngân hàng thậm chí còn chịu lực bán rất mạnh ở thời điểm đầu phiên chiều và hầu hết đều không phục hồi được mức giá cao nhất trong ngày khi kết phiên. Tình cảnh chung cũng tương tự với nhóm cổ phiếu chứng khoán và thép.

Việc suy giảm của các mã lớn trong phiên chiều còn tạo ra một mẫu hình xấu về mặt kỹ thuật. Chỉ số VN30-Index đóng phiên không vượt qua được đường trung bình giá 20 ngày (MA20) đang ở khoảng 1.520 điểm, dù trong phiên sáng đã vượt qua. VN30-Index đã có phiên thứ 2 rơi xuống dưới đường MA20 là một tín hiệu cần chú ý bởi đó là dấu hiệu cho thấy không chỉ các mã nhỏ và vừa bị phân phối mà các mã lớn cũng đang chịu sức ép bán ra rất mạnh.

Tương tự về kỹ thuật, chỉ số chung của thị trường VN-Index cũng đã giảm dưới đường MA20 phiên đầu tiên. Tuy nhiên, hiện dải Bolinger Band đang bóp lại, điều này sẽ hỗ trợ cho VN-Index nếu có giảm tiếp thì khả năng mức giảm không quá sâu. Hiện VN-Index đang được hỗ trợ mạnh ở đỉnh cũ trong vùng 1.420-1.425 điểm.

Câu chuyện hiện tại của thị trường là liệu thị trường có sóng tăng với nhóm ngành cơ bản, hay phiên hôm nay chỉ là kéo trụ để rũ các mã đã tăng nóng từ trước? Rất khó trả lời chính xác câu hỏi này sau phiên hôm nay, nếu chỉ là kéo trụ thì những phiên tới có thể đỉnh cũ cũng chưa chắc là ngưỡng hỗ trợ cứng cho thị trường, còn nếu là dòng tiền dịch chuyển sang các nhóm cơ bản một cách bền vững thì cơ hội cho các nhà đầu tư vẫn vẹn nguyên.

Đóng cửa, sàn HOSE có 127 mã tăng và 350 mã giảm (111 mã giảm sàn), VN-Index giảm 5,1 điểm (-0,35%), xuống 1.447,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.266 triệu đơn vị, giá trị 36.455,61 tỷ đồng, giảm 16,79% về khối lượng và 18,53% về giá trị so với phiên cuối tuần ngày 19/11.

Nhóm bluechip chính là má phanh giúp thị trường chỉ điều chỉnh nhẹ trong phiên xả bán mạnh, khi kết phiên, chỉ số VN30-Index vẫn ghi nhận mức tăng gần 17 điểm, lên mốc 1.517 điểm.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng chính là “vị cứu tinh” của thị trường. Kết phiên, bên cạnh bộ 3 gồm HDB, TPB và VIB khoe sắc tím, các mã khác trong ngành cũng ghi nhận mức tăng khá ấn tượng.

Cụ thể như CTG tăng 5,18%, MSB tăng 6,71% lên sát mức giá trần, STB tăng 3,23%, SHB tăng 3,66%, OCB tăng 2,82%, BID tăng 2,59%, ACB tăng 2,09%, các mã VCB, TCB, VPB tăng trong khoảng 1-2%...

Bên cạnh đó, một số mã lớn khác như MSN và PNJ cùng tăng 1,7%; HPG tăng 1,4%; VHM, SAB, PDR, SSI, VNM tăng nhẹ trên dưới 0,5%.

Mặt khác, một số mã bluechip giảm khá mạnh như KDH giảm 6,3%, PLX giảm 5,9%, GVR giảm 5,6%, GAS giảm 3,7%, VRE giảm 2%, BVH giảm 1,5%.

Trái với diễn biến khởi sắc của nhóm cổ phiếu bluechip, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn bị xả bán mạnh. Hàng loạt mã như HAG, ROS, HQC, ITA, LDG, HNG, HBC, FIT, TTF, DLG, HHS, AMD, HAI… hầu hết đều trong trạng thái sắc mắt mèo với lượng dư bán sàn chất đống.

Xét về nhóm ngành, như đã nói ở trên, dòng bank chính là điểm sáng của thị trường, trong khi nhóm cổ phiếu thép có phần hạ nhiệt sau nhịp hồi trong phiên sáng. Các mã HPG, HSG, NKG, SMC, POM đều thu hẹp biên độ tăng, trong khi TLH quay đầu điều chỉnh.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường khi sắc đỏ có phần mở rộng hơn, chỉ còn một số mã như SSI, VND xanh nhạt.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý chính là nhóm cổ phiếu bất động sản – xây dựng. Sau đợt tăng nóng, đây là phiên thứ 2 nhóm cổ phiếu này bị bán tháo với hàng loạt mã kết phiên tại mức giá sàn, điển hình như KBC, DXG, LDG, SCR, HBC, DIG, IJC, NLG, LCG...

Trên sàn HNX, bên cạnh áp lực bán khá lớn từ thị trường, nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục gia tăng sức nặng, đã khiến HNX-Index tiếp tục có thêm phiên lao dốc mạnh.

Đóng cửa, sàn HNX chỉ có 41 mã tăng và 220 mã giảm (39 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 9,35 điểm (-2,06%) xuống 444,62 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 180,71 triệu đơn vị, giá trị 4.817,13 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,2 triệu đơn vị, giá trị 267,18 tỷ đồng.

Trái với diễn biến chung của thị trường, bộ đôi cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nới rộng biên độ và vẫn đóng vai trò là lực đỡ chính của thị trường. Trong đó, BAB tăng 7,3% lên vùng giá cao nhất ngày 25.100 đồng/CP, NVB tăng 4,4% lên 30.700 đồng/CP.

Bên cạnh đó, một số mã khác trong nhóm HNX30 cũng diễn biến tích cực như LHC tăng 4,6%, VC3 tăng 2,9%, VCS tăng 1,7%, LAS tăng 0,5%.

Trái lại, nhóm HNX30 có tới 24 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu. Trong đó, các mã giảm sâu nhất hầu hết thuộc nhóm bất động sản và xây dựng, gồm L14, DXP, NRC đều đóng cửa tại mức giá sàn.

Cổ phiếu CEO sau chuỗi 12 phiên tăng liên tiếp từ đầu tháng 11, đến nay đã quay đầu giảm khá sâu do áp lực bán chốt lời gia tăng. Kết phiên, CEO giảm 6,7% xuống mức giá 29.400 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, đạt 11,16 triệu đơn vị.

Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất là THD tiếp tục nới rộng biên độ giảm khi để mất 1,7% xuống mức giá 233.900 đồng/CP.

Không chỉ nhóm cổ phiếu bất động sản – xây dựng, các cổ phiếu chứng khoán, dầu khí trên HNX cũng chịu áp lực bán và đều đóng cửa lùi sâu hơn.

Cũng như sàn HOSE, trên HNX, hàng loạt mã vừa và nhỏ cũng đóng cửa trong sắc xanh mắt mèo như KLF, TVC, APS, DL1, PVL, DST, IDJ, BCC, LIG…

Trên UPCoM, thị trường cũng không tránh khỏi phiên giảm sâu trước áp lực bán lan rộng.

Đóng cửa, với 108 mã tăng và 290 mã giảm, UpCoM-Index giảm 1,28 điểm (-1,13%) xuống 111,96 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 147,13 triệu đơn vị, giá trị 3.011,72 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 40,11 triệu đơn vị, giá trị 833,32 tỷ đồng, trong đó HHV thỏa thuận 39 triệu đơn vị, giá trị 783,9 tỷ đồng.

Dòng bank đăng ký giao dịch trên UPCoM cũng có phiên tỏa sáng với các mã tăng ấn tượng như BVB tăng 11,2%, ABB tăng 6,1%, VAB tăng 5,5%, NAB tăng 4,7%, SGB tăng 6,2%, KLB tăng 3,3%...

Tuy nhiên, sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã không đủ sức để giúp thị trường thoát khỏi phiên điều chỉnh trước áp lực bán khá lớn từ thị trường. Bên cạnh càng loạt mã vừa và nhỏ giảm sâu, nhiều mã lớn khác cũng ghi nhận phiên giao dịch không mấy khả quan.

Cụ thể như BSR giảm 7,7%, MSR giảm 7%, MCH giảm 3%, ACV giảm 1,4%, VGI giảm 8,7%, VGT giảm 11,5%... Trong đó, BSR vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 14,18 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng phái sinh đều tăng. Trong đó, VN30F2112 đáo hạn gần nhất vào ngày 16/12/2021, đã tăng 10 điểm (+0,7%) lên 1.512,5 điểm, khớp lệnh gần 150.040 đơn vị, khối lượng mở gần 29.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế hơn, tuy nhiên, dẫn đầu thanh khoản là CSTB2110 kết phiên tăng 15% lên 690 đồng/CP và khớp 190.380 đơn vị. Tiếp theo là CSTB2109 kết phiên tăng 16,8% lên 2.020 đồng/CQ và khớp lệnh 180.070 đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục