Sau những biến động khá mạnh trong phiên cơ cấu danh mục của 2 quỹ ETF ngoại, thị trường đã trở lại trạng thái sideway. Chỉ số VN-Index biến động giằng co nhẹ quanh vùng giá tham chiếu trong suốt cả phiên giao dịch sáng 20/12 với những tín hiệu có phần kém tích cực hơn về cuối phiên khi lực bán có dấu hiệu gia tăng cùng thanh khoản thị trường sụt giảm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, lực bán tiếp tục dâng cao khiến sắc đỏ lan rộng và thị trường nới rộng đà giảm. Chỉ sau chưa đầy 20 phút giao dịch, chỉ số VN-Index đã để mất hơn 10 điểm và thủng mốc 1.470 điểm.
Tuy nhiên, mốc 1.470 điểm vẫn đóng vai trò là vùng hỗ trợ tốt cho thị trường. Ngay khi để thủng vùng giá này, lực cầu đã nhập cuộc khá tích cực giúp thị trường nhanh chóng bật ngược đi lên. Tuy nhiên, với áp lực bán khá lớn luôn trực chờ, chỉ số VN-Index chưa thể lấy lại thăng bằng và đã kết phiên trong trạng thái điều chỉnh nhẹ.
Phiên giảm nhẹ với số mã giảm chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử là nhờ kéo 2 trụ lớn là VCB và MSN, giúp đối trọng lại với VIC, GAS và VHM.
Chốt phiên, VN-Index giảm 2,46 điểm (-0,17%) xuống 1.477,33 điểm với 163 mã tăng (20 mã tăng trần) và 304 mã giảm (2 mã giảm sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 963,35 triệu đơn vị, giá trị 28.941,72 tỷ đồng, giảm 13,57% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 17/12. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 56,48 triệu đơn vị, giá trị 2.411,56 tỷ đồng.
Cổ phiếu lớn VIC gia tăng gánh nặng lên thị trường khi nới rộng biên độ giảm, là mã giảm sâu nhất trong rổ VN30 khi để mất 2,9%, xuống mức giá thấp nhất ngày 99.000 đồng/CP. Trong khi người anh em – VHM cũng giao dịch thiếu tích cực khi giảm 1,2% xuống mức 83.500 đồng/CP.
Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác vẫn giảm điểm như cặp PLX và GAS giảm hơn 2%; BVH, GVR, CTG giảm hơn 1,5%...
Trái lại, trong rổ VN30 chỉ còn 1/3 số mã (10 mã) giữ được đà tăng điểm. Trong đó, cổ phiếu POW là một trong những điểm sáng của thị trường nói chung và rổ VN30 nói riêng khi bất ngờ đảo chiều tăng vọt trong phiên chiều nhờ lực cầu sôi động. Kết phiên, POW tăng 6,7% lên mức giá trần 18.250 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lên tới 38,42 triệu đơn vị.
Tiếp đó, cặp đôi cổ phiếu ngân hàng là TPB và VCB tiếp tục nới rộng khoảng cách trong phiên chiều, đáng kể là mã lớn VCB đóng góp tích cực giúp VN-Index không giảm quá sâu khi kết phiên tăng 3,1% lên mức giá cao nhất ngày 99.500 đồng/CP, còn TPB vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong họ bank khi tăng 4,7% lên mức giá 39.800 đồng/CP (TPB điều chỉnh giá do hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền Ngân hàng thực hiện chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 100:35).
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bên cạnh POW, nhiều mã nóng cũng đã hồi phục mạnh trong phiên chiều nay. Đáng chú ý nhất là ROS. Sau diễn biến rung lắc nhẹ trong suốt cả phiên sáng, ROS đã nhanh chóng tăng hết biên độ lên mức giá trần 11.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lên tới 51,47 triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần lên tới hơn 21,66 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, hàng loạt mã nóng khác cũng tăng mạnh như HAG tăng 4,9% lên mức giá cao nhất ngày 12.750 đồng/CP với thanh khoản chỉ đứng sau ROS khi khớp 48,86 triệu đơn vị; HQC tăng 3,3% lên 8.250 đồng/CP và khớp 28,48 triệu đơn vị, FLC tăng 5,6% lên 17.950 đồng/CP và khớp 26,35 triệu đơn vị, LDG tăng 6,1% lên 17.350 đồng/CP, HNG tăng 2,9% lên 10.700 đồng/CP… các mã khác như HAI, AMD, SCR, DLG, ITA… cũng có được sắc xanh khi kết phiên.
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu ngân hàng có hồi phục nhưng chưa mạnh mẽ. Bên cạnh VCB và TPB tăng tốt, các mã khác trong ngành cũng có được sắc xanh như VIB tăng 3,76%, VPB tăng 1,04%, STB tăng 1,24%, EIB tăng 1,73%, HDB và MSB cùng tăng nhẹ chưa tới 0,5%; trong khi đó, CTG, SHB và MBB cùng giảm hơn 1%; BID, TCB, ACB, SSB, OCB giảm trên dưới 0,5%.
Nhóm cổ phiếu thép vẫn giao dịch phân hóa. Trong khi HPG, NKG, TLH, POM tăng nhẹ trên dưới 0,5%, thì HSG giảm 1,1%, SMC giảm 2%.
Trong bộ 3 trụ cột thì nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn là điểm sáng khi sắc xanh đang bao phủ trên diện rộng, đáng chú ý là VND tiếp tục nới rộng đà tăng trong phiên chiều và có thời điểm áp sát mức giá trần. Kết phiên, VND tăng 6,5% lên mức giá 85.200 đồng/CP.
Các mã khác trong ngành cũng tăng tốt như TVS tiếp tục giữ sắc tím, VCI tăng 2,3%, SSI và HCM đều tăng hơn 1,8%, CTS tăng 3%, BSI tăng 1,6%...
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng giao dịch phân hóa. Ở top lớn hơn, VIC, VHM, DIG, KBC giảm điểm, trong khi BCM đã đảo chiều tăng nhẹ cùng VRE, NVL, VCG. Hay ở top vừa và nhỏ, bên cạnh NLG, DXG, HBC, TCH, DPG, IJC… giao dịch trong sắc đỏ do áp lực chốt lời gia tăng, thì nhiều mã khác như CII, VCR, NHA, ROS tăng trần; KHG, ITA, SCR, CRE… khởi sắc.
Trên sàn HNX, sau nhịp giảm khá mạnh vào đầu phiên, thị trường cũng thu hẹp dần biên độ.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,61 điểm (-0,35%) xuống 454,59 điểm với 92 mã tăng 138 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 120,83 triệu đơn vị, giá trị 3.481,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 9 triệu đơn vị, giá trị 405,97 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 giao dịch khá cân bằng với 12 mã tăng và 13 mã giảm, nhưng với đà giảm khá mạnh của các mã lớn, chỉ số HNX30-Index vẫn để mất 2,3%.
Trong đó, cổ phiếu IDC tiếp tục gia tăng sức ép và là gánh nặng chính của thị trường khi để mất 5,5%, kết phiên đứng tại mức giá 82.000 đồng/CP, hay PVS giảm 2,3%...
Bên cạnh đó, các mã giảm mạnh khác trong rổ HNX30 có LHC giảm 4,9%, NBC giảm 4,1%, DXP giảm 3,2%, NDN giảm 3,1%, L14 giảm 2,9%...
Ở chiều ngược lại, VMC vẫn giữ đà tăng trần khi kết phiên tăng 9,9% lên mức 28.900 đồng/CP; CEO tiếp tục tăng tốc với biên độ tăng 5,7% và kết phiên đứng tại mức 56.000 đồng/CP, IDV tăng 3,6% lên 69.000 đồng/CP…
Nhóm cổ phiếu chứng khoán trên sàn HNX vẫn duy trì đà tăng khá tốt như SHS tăng 2%, MBS tăng 1,5%, VIG tăng 4,5%, ART tăng 1,3%, TVC tăng 4,5%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, điển hình của họ FLC là KLF cũng đã đảo chiều thành công trong phiên chiều nay khi kết phiên tăng 2,4% lên mức giá cao nhất ngày 8.500 đồng/CP cùng thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt xấp xỉ 12 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường đi ngang dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,58 điểm (-0,52%) xuống 111,02 điểm với 163 mã tăng (24 mã trần) và 177 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 79 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 1.724,46 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 15,64 triệu đơn vị, giá trị gần 392,48 tỷ đồng.
Cổ phiếu QTP vẫn giữ mức tăng 5,3% và kết phiên đứng tại 18.000 đồng/CP cùng thanh khoản tiếp tục gia tăng với hơn 6,44 triệu đơn vị được giao dịch thành công, đứng ở top 3 về thanh khoản trên thị trường.
Trong khi đó, bộ đôi có thanh khoản tốt nhất thị trường là HHV khớp hơn 8 triệu đơn vị và BSR khớp hơn 7,9 triệu đơn vị. Kết phiên, HHV giảm 2,3% xuống 25.500 đồng/CP và BSR giảm 3,6% xuống 21.700 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó VN30F2201 có ngày đáo hạn gần nhất là 20/1/2020 đã giảm 12 điểm (-0,8%) xuống 1.508 đồng/CQ, có thanh khoản dẫn đầu thị trường với gần 128.830 đơn vị, khối lượng mở gần 24.800 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo, trong đó CHPG2111 dẫn đầu thanh khoản với 103.320 đơn vị được khớp lệnh và kết phiên giảm 8,2% xuống 450 đồng/CQ.
Tiếp theo là CVHM2114 khớp 102.700 đơn vị và kết phiên giảm 6,6% xuống 710 đồng/CQ.