Giao dịch chứng khoán chiều 16/7: Đẩy giá VN30, VN-Index tăng thẳng đứng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lình xình trong suốt phiên giao dịch, lực cầu đỡ giá trong đợt ATC nhắm vào nhóm VN30 trong ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 7 giúp VN-Index tăng thẳng đứng.
Giao dịch chứng khoán chiều 16/7: Đẩy giá VN30, VN-Index tăng thẳng đứng

Hôm nay là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F2007 nên ngay từ đầu phiên, nhà đầu tư cả bên bán và bên mua đều giữ thế thủ khiến thị trường lình xình trong biên độ hẹp với thanh khoản sụt giảm.

Bởi theo lịch sử giao dịch trước đây, trong các phiên chốt hợp đồng phái sinh, thị trường thường có đột biến trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) và nhà đầu tư đã đúng trong phiên hôm nay.

Ngay khi bước vào đợt khớp lệnh ATC, lực cầu đỡ giá ở các mã trong nhóm VN30 đã được tung vào, kéo hàng loạt mã đảo chiều tăng giá (23 mã tăng, 5 đứng giá, 2 mã giảm), trong đó có 19 mã đóng cửa ở mức cao nhất ngày, đáng chú ý có SAB, VIC, VNM, MSN, VJC... , qua đó kéo VN30-Index tăng thẳng đứng lên mức cao nhất ngày 819,83 điểm (+1,19%).

Cũng chính nhờ hoạt động đẩy giá VN30 mà VN-Index cũng được hưởng lợi theo khi chỉ số này cũng tăng theo chiều thẳng đứng lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa phiên hôm nay, dù số mã tăng ít hơn số mã giảm.

Chốt phiên, VN-Index tăng 6,92 điểm (+0,80%), lên 876,83 điểm với 165 mã tăng và 193 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 243,5 triệu đơn vị, giá trị 4.296,6 tỷ đồng, giảm 5,7% về khối lượng và 3,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 22,5 triệu đơn vị, giá trị 559 tỷ đồng.

Dù VN30-Index được kéo tăng thẳng đứng về cuối phiên, nhưng toàn bộ các hợp đồng phái sinh tương lai chỉ số này đều giảm, cả hợp đồng đáo hạn ngày hôm nay là VN30F2007. Cụ thể, VN30F2007 giảm 0,12% xuống 816 điểm với 96.189 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 21.026 hợp đồng.

VN30F2008 đáo hạn ngày 20/8 giảm 0,49% xuống 806 điểm với 37.185 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 10.364 hợp đồng.

Về thanh khoản, trong nhóm VN30, HPG khớp tới 17,9 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE, cao hơn đáng kể so với các mã còn lại trong rổ như ROS, SBT, STB khi khớp lệnh từ 5,1-5,9 triệu đơn vị.

Tại nhóm cổ phiếu thị trường, sau thời gian ngắn tích cực đầu phiên, đa phần bị bán mạnh sau đó. Chỉ một số mã còn giữ được sắc xanh như HQC, TSC, HAG, OGC, MHC… Trong đó, HQC +2,2% lên 1.870 đồng, khớp lệnh thứ 2 sàn HOSE với 13,18 triệu đơn vị.

DBC bất ngờ tăng trần lên 48.700 đồng, qua đó cắt chuỗi giảm ở con số 3, khớp lệnh 4,2 triệu đơn vị.

Ngược lại, các mã HSG, FLC, ITA, DXG, HDCD, HBC, HAI… đồng loạt giảm. HSG -1,7% về 11.500 đồng, khớp lệnh thứ 3 sàn HOSE với 10,4 triệu đơn vị.

DAH có phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp về 9.220 đồng, khớp lệnh 2,48 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau nhịp rung lắc mạnh nửa đầu phiên sáng, chỉ số sàn này bắt đầu đảo chiều đi xuống và đà giảm dần nới rộng về cuối phiên khi sức ép gia tăng.

Đóng cửa, với 81 mã tăng và 66 mã giảm, HNX-Index giảm 0,32 điểm (-0,27%) về 115,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,7 triệu đơn vị, giá trị 386 tỷ đồng, tương đương về khối lượng, nhưng tăng 7% về giá trị so với phiên 15/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,4 triệu đơn vị, giá trị gần 26 tỷ đồng.

Việc nhóm bluechips phân hóa mạnh là nguyên nhân chính khiến chỉ số sàn HNX yếu đà. Trong khi các mã PVS, SHS, SHB, TNG, PVI, DGC, NDN… tăng điểm, thì VCG, VCS, NNC, DDG, BVS, CEO… giảm điểm, còn ACB, TVC, TC3, HUT… đứng giá.

PVS +1,6% lên 12.600 đồng, dẫn đầu thanh khoản với 6,36 triệu đơn vị khớp lệnh, vượt trội so với các mã còn lại như SHS, SHB, NVB, HUT khi khớp lệnh chưa đến 2 triệu đơn vị. NVB -1,1% về 9.100 đồng.

DST khớp được 2,65 triệu đơn vị, nhưng giảm sàn về 6.300 đồng. Trong 5 phiên trước đó, mã này tăng trần 4 phiên.

Tân binh THD sau chuỗi gần 20 phiên tăng trần bắt đầu giảm nhiệt, phiên này giảm sàn về 85.500 đồng, khớp lệnh chỉ hơn 1.000 đơn vị.

Trên UPCoM, diễn biến giằng co mạnh diễn ra trong suốt phiên giao dịch, nhưng may mắn giữ được sắc xanh khi kết phiên.

Đóng cửa, với 85 mã tăng và 80 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,09%) lên 57,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 11,36 triệu đơn vị, giá trị 172 tỷ đồng, giảm 35% về khối lượng và 36% về giá trị so với phiên 15/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 0,43 triệu đơn vị, giá trị 13,4 tỷ đồng.

Nhiều cổ phiếu lớn vẫn duy trì được đà tăng để giữ sắc xanh cho thị trường này như VIB, MPC, OIL, KDF, LTG, VRG, CTR…, song đa phần thanh khoản yếu.

Chỉ VIB và BSR là có thanh khoản vượt 1 triệu đơn vị, lần lượt là 1,9 triệu và 1,7 triệu đơn vị. VIB +2,6% lên 19.500 đồng, còn BSR -1,4% về 7.000 đồng.

Trên thị trường chứng quyền, cả 3 mã có thanh khoản cao nhất đều thuộc về chứng quyền CHPG2002,CHPG2010, CHPG2009 và đều tăng điểm. Trong đó, CHPG2002 có thanh khoản tốt nhất với lượng khớp 544.820 đơn vị, tăng 5,6% lên 1.870 đồng. Tuy nhiên, sắc đỏ chiếm thế chủ đạo với 28 mã giảm, trong khi có 17 mã tăng.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục