Covid-19 tác động ngược lên thị trường chứng khoán Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  2 giá trị quan trọng nhất của TTCK là thanh khoản và huy động vốn có chuyển động trái chiều trong môi trường kinh doanh có yếu tố bất thường là đại dịch Covid-19.
Covid-19 tác động ngược lên thị trường chứng khoán Việt Nam

Các doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp niêm yết có thời hạn trước 30/7 phải công bố báo cáo 6 tháng, nhưng với toàn ngành, bức tranh hiệu quả hoạt động đã được đưa ra tại cuộc họp sơ kết của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cuối tuần qua. 

Thanh khoản tăng trên cả 3 thị trường

Ðại dịch đã khiến nhiều chủ thể trên TTCK phải thay đổi cách thức hoạt động, tương tác, từ trực tiếp sang trực tuyến, tuy  nhiên, điều thú vị là thanh khoản thị trường cổ phiếu không những không giảm mà lại tăng trên 21% so với 6 tháng đầu năm 2019.

Số liệu từ UBCK cho biết, trên 3 thị trường (HOSE, HNX, UPCoM), giá trị giao dịch bình quân 6 tháng đầu năm đạt trên 5.600 tỷ đồng, tăng 21,4% so với bình quân năm 2019; trong đó, quý II/2020, thanh khoản tăng 40% so với quý I, trung bình khoảng 6.500 tỷ đồng/phiên.

Tính đến nay, thị trường cổ phiếu có 1.647 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết/đăng ký giao dịch với quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch 3 sàn là gần 1.428 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với cuối năm 2019.

Dòng tiền cũng chảy mạnh trên thị trường trái phiếu với thanh khoản bình quân đạt trên 9.850 tỷ đồng/phiên, tăng 7% so với năm 2019.

Thị trường trái phiếu hiện có 493 mã trái phiếu niêm yết (trong đó có 470 mã trái phiếu chính phủ và 23 mã trái phiếu doanh nghiệp) với giá trị niêm yết đạt 1.200 nghìn tỷ đồng, tương đương 19,9% GDP.

Trên TTCK phái sinh, giao dịch của sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 sôi động hơn, đặc biệt khi thị trường cơ sở biến động mạnh.

6 tháng đầu năm, khối lượng giao dịch bình quân đạt 164.228 hợp đồng/phiên, tăng 85% so với cuối năm 2019. Tính đến cuối tháng 6, khối lượng mở OI toàn thị trường đạt 27.060 hợp đồng, tăng 63% so với cuối năm 2019.

Ðiểm đặc biệt là 6 tháng đầu năm nay ghi nhận số lượng tài khoản mở mới trong nước tăng vọt. Ðúng giai đoạn đỉnh dịch, từ tháng 3 đến tháng 6, thị trường có thêm 137.000 tài khoản được mở. Ðến cuối tháng 6, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước đạt trên 2,5 triệu tài khoản, tăng 7,1% so với cuối năm 2019.

Trong bức tranh chung về TTCK, một nét vẽ khác đáng chú ý được Sở GDCK TP. HCM cung cấp, đó là việc khối ngoại giao dịch rất thận trọng trong 6 tháng đầu năm 2020 (xem bảng), với giá trị mua ròng chỉ đạt 559 tỷ đồng (trên HOSE), thấp nhất kể từ năm 2006 đến nay (ngoại trừ năm 2016, khối này bán ròng 7.729 tỷ đồng).

Covid-19 tác động ngược lên thị trường chứng khoán Việt Nam ảnh 1

Giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài 2000 - nay.

Cùng với đó, số mã niêm yết mới rất hạn chế trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2020. Sàn HOSE có 3 DN niêm yết mới, sàn HNX có có 4 DNNY mới, nhưng có tới13 doanh nghiệp hủy niêm yết trong giai đoạn này.

Huy động vốn đạt 107.000 tỷ đồng, giảm 29%

Về hoạt động huy động vốn, UBCK cho biết, 6 tháng đầu năm 2020 có xu hướng chậm lại, tổng mức huy động trên TTCK ước đạt 107.000 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa đạt 9.043 tỷ đồng, giảm 79%; huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 10.920 tỷ đồng, tăng 278%; huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ đạt 87.037 tỷ đồng, giảm 17%.

Hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn gặp khó khăn trước những diễn biến bất lợi của TTCK, từ đầu năm đến nay, 2 Sở đã tổ chức 12 phiên bán đầu giá cổ phần và thoái vốn với tổng giá trị bán được 1.111 tỷ đồng, giảm 75% so với cuối 2019, trong đó có 3 đợt đấu giá cổ phần hóa, trị giá gần 2,27 tỷ đồng và 9 đợt đấu giá thoái vốn Nhà nước, thu về hơn 1.109 tỷ đồng.

Như vậy, 2 giá trị quan trọng nhất của TTCK là thanh khoản và huy động vốn có chuyển động trái chiều trong môi trường kinh doanh có yếu tố bất thường là đại dịch Covid-19.

Về chỉ số chứng khoán, VN-Index cuối tháng 6/2020 tăng trên 25% so với mức đáy của thị trường (cuối tháng 3/2020), khiến TTCK Việt Nam được đánh giá là thị trường phục hồi nhanh và mạnh nhất thế giới.

Ðánh giá về TTCK trong 6 tháng cuối năm 2020 và năm 2021, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCK chia sẻ, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát ở nhiều nước, cuộc khủng hoảng này chưa đoán định được bao giờ sẽ kết thúc khi chưa tìm được vắc xin phòng chống Covid, do đó TTCK thế giới cũng như TTCK Việt Nam vẫn sẽ đối mặt với những khó khăn, thách thức và khó đoán định.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, TTCK Việt Nam còn nhiều điểm tựa đến từ yếu tố nội tại của nền kinh tế và công tác kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả.

Nếu dịch bệnh trong nước tiếp tục được khống chế tốt như hiện nay, TTCK vễ cơ bản sẽ được hậu thuẫn tích cực do các doanh nghiệp chỉ chịu tác động từ yếu tố bên ngoài.

Chủ tịch UBCK cho biết, cơ quan này sẽ tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thoái vốn, cổ phần hóa và cải cách thủ tục hành chính tốt hơn để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

6 tháng cuối năm 2020, UBCK đặt trọng tâm hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường, trong đó có việc xây dựng các văn bản quy định hướng dẫn Luật Chứng khoán; xây dựng Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021- 2030; triển khai Ðề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam…

Một công việc khác là đẩy mạnh phối hợp với 2 Sở GDCK trong giám sát, phát hiện vi phạm, dấu hiệu vi phạm, tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất, theo chuyên đề và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Cùng với đó, nhà quản lý sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động huy động vốn và việc sử dụng vốn huy động trên TTCK, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tăng vốn ảo và sử dụng vốn sai mục đích.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục