Giao dịch chứng khoán chiều 16/3: Dòng tiền đứng ngoài, nhưng thị trường không thiếu sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp, nhưng sự lưỡng lự của bên mua và bến bán khiến thanh khoản sụt giảm mạnh.
Giao dịch chứng khoán chiều 16/3: Dòng tiền đứng ngoài, nhưng thị trường không thiếu sóng

Thị trường phiên chiều nay khá giống với phiên sáng khi VN-Index nới đà tăng ngay đầu phiên, nhưng sau đó hạ nhiệt dần do lực cầu quá yếu, trong khi lực cung cũng không lớn. Sự lưỡng lự của bên mua và bên bán khiến thanh khoản thị trường giảm xuống mức thấp nhất hơn 1 tháng và lần đầu tiên sau 1 tháng có giá trị giao dịch dưới 20.000 tỷ đồng. VN-Index đóng cửa với cây nến doji.

Ngay đầu phiên chiều, thị trường có đột biến về thanh khoản, nhưng đây đơn thuần chỉ là giao dịch thỏa thuận hơn 46 triệu cổ phiếu LPB, trong khi trong phiên khớp lệnh, sự cân bằng giữa cung và cầu vẫn được duy trì.

Có thể sự thận trong của nhà đầu tư là do phiên ngày mai (17/3) là phiên đáo hạn phái sinh, thường sẽ có biến động khó lường. Tuy nhiên, quan sát diễn biến thị trường trong thời gian qua, thì đây chưa hẳn là lý do chính. Bởi trong xu hướng giảm của thị trường từ vùng 1.510 điểm, các phiên giảm có thanh khoản mạnh, còn các phiên tăng có thanh khoản thấp.

Với phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp, VN-Index đã trở lại vào trong dải bolliger, nhưng với thanh khoản thấp chưa cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, khả năng vẫn chỉ là phiên hồi kỹ thuật trong xu hướng giảm của thị trường.

Đà tăng của VN-Index hôm nay đến chủ yếu từ sự hỗ trợ của VCB với mức đóng góp 1,7 điểm, trong khi phiên hôm qua mã này lấy đi của VN-Index hơn 3 điểm. Ngoài ra, còn kể đến sự đóng góp của GAS, DGC, SAB, BCM, NVL và 2 mã ngân hàng khác là MBB, TCB. Trong khi đó, BID lại là lực cản lớn nhất với thị trường, nhưng cũng chỉ lấy đi của VN-Index hơn 0,6 điểm.

Dù giao dịch ảm đạm, nhưng thị trường không vì thế mà thiếu đi những con sóng. Trong phiên hôm nay, xuất hiện những con sóng lạ tại CSV, APH, hay KPF, PMG, nhưng cũng có nhiều con sóng quen thuộc trở lại tại TGG, OGC, FRT, NVT, HAR, cặp đôi ASM - IDI, SJF, TTB hay sự trở lại của RIC dù cổ phiếu này có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc vì 3 năm thua lỗ.

Chốt phiên, VN-Index tăng 6,59 điểm (+0,45%), lên 1.459,33 điểm với 272 mã tăng (18 mã trần), nhiều hơn so với 150 mã giảm (2 mã sàn) và 71 mã tham chiếu. Tổng khối lượng giao dịch đạt 642,2 triệu đơn vị, giá trị 18.743,7 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ 7/2, giảm 7,6% về khối lượng và 13,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 79,6 triệu đơn vị, giá trị 2.285,2 tỷ đồng, chủ yếu đến từ gần 47 triệu cổ phiếu LPB, giá trị 1.051,7 tỷ đồng đầu phiên chiều.

Trong nhóm ngân hàng, VCB nới đà tăng khi đóng cửa ở mức 82.500 đồng, tăng 1,7%, khớp 1 triệu đơn vị, mức tăng lớn thứ 2 của nhóm, chỉ sau VIB tăng 1,8% lên 44.050 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị.

MBB tăng 1,6% lên 32.100 đồng, khớp 11,2 triệu đơn vị, cao nhất nhóm. TCB tăng 0,9% lên 49.050 đồng, khớp 4,5 triệu đơn vị. OCB và EIB cùng tăng 1,2% lên 26.050 đồng và 37.450 đồng. Các mã khác như STB, LPB, SHB, CTG, SSB tăng khiêm tốn, trong đó STB có thanh khoản đứng sau MBB với 11,15 triệu đơn vị. LPB khớp 9,7 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, BID là mã giảm mạnh nhất 1,2% xuống 41.600 đồng, các mã khác như TPB, VPB và HDB chỉ giảm nhẹ không đáng kể, ACB và MSB đứng giá tham chiếu.

Nhóm chứng khoán chỉ có 2 sắc đỏ nhạt tại BSI và VND, còn lại đều xanh, nhưng mức tăng không lớn, cao nhất là CTS cũng chỉ tăng 1,4% lên 36.500 đồng. SSI tăng 1,2% lên 43.800 đồng, VCI tăng 0,9% lên 58.700 đồng và HCM tăng 0,6% lên 35.000 đồng.

Nhóm thép tích cực hơn khi toàn bộ có sắc xanh, trong đó mã đầu ngành HPG là mã tăng kém nhất khi chốt phiên chỉ có mức tăng khiêm tốn 0,1% lên 46.200 đồng. NKG cũng chỉ tăng 0,2% lên 46.600 đồng, HSG chỉ tăng 0,4% lên 37.350 đồng.

Nhóm dầu khí, GAS trở lại nới đà tăng so với phiên sáng khi đóng cửa tăng 1,1% lên 109.200 đồng, trong khi PVD vẫn giảm 1,5% xuống 35.450 đồng.

Nhóm bất động sản, ngoài NVT phiên chiều xuất hiện thêm NVT có sắc tím, trong khi LDG, DXG, PTL, HDG tăng từ hơn 3% đến hơn 4%.

Nhóm FLC cũng tăng khá tốt hôm nay khi gần như đều có sắc xanh, trong đó tăng mạnh nhất là AMD tăng 4,9% lên 6.870 đồng, ROS tăng 2,9% lên 8.210 đồng, FLC tăng 2% lên 12.800 đồng, HAI tăng 1,8% lên 6.370 đồng, ngoại trừ GAB cùng nhà nhưng không theo anh em.

Nhóm Louis trong khi TGG tăng trần, thì AGM lại giảm kịch sàn xuống 57.700 đồng.

Ở nhóm thị trường, ASM và IDI phiên chiều nổi sóng, trong đó ASM nhận lực cầu lớn với thanh khoản 11,8 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần (19.900 đồng) tới hơn 4,3 triệu đơn vị. Trong khi IDI dù cũng lên trần 22.250 đồng, nhưng không còn dư mua trần, khớp 6,7 triệu đơn vị.

Cũng nhận lực cầu lớn hôm nay là APH khi khớp 12,2 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1 triệu đơn vị. Đặc biệt, OGC còn dư mua trần (13.950 đồng) tới hơn 12 triệu đơn vị, khớp 3,6 triệu đơn vị do không có lực cung.

Trong khi đó, sàn HNX lại hạ thấp độ cao trong phiên chiều nay và đóng cửa gần mức thấp nhất ngày.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 2,66 điểm (+0,6%), lên 446,18 điểm với 150 mã tăng và 94 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 83,1 triệu đơn vị, giá trị 2.336,6 tỷ đồng, giảm 17,8% về giá trị và 20% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,5 triệu đơn vị, giá trị 109 tỷ đồng.

Nhóm FLC và Louis trên sàn này cũng giao dịch tích cực với BII tăng 8,6% lên 15.100 đồng, khớp 3,1 triệu đơn vị, có lúc lên trần 15.200 đồng. VKC tăng 4,6% lên 13.700 đồng. Trong khi đó, KLF tăng 4,7% lên 6.700 đồng, khớp 5,3 triệu đơn vị, chỉ đứng sau PVS về thanh khoản. ART tăng 1,9% lên 10.800 đồng.

Trong nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng tới chỉ số, PVS vẫn giảm 0,9% xuống 34.900 đồng, khớp cao nhất sàn với 6 triệu đơn vị. CEO cũng đảo chiều giảm 1% xuống 68.300 đồng, khớp 4,3 triệu đơn vị. Trong khi đó, HUT vẫn duy trì đà tăng 5,2% lên 46.500 đồng, khớp 5,1 triệu đơn vị. SHS tăng 0,7% lên 40.700 đồng, khớp 3 triệu đơn vị. Các mã khác tăng, giảm không đáng kể.

UPCoM tiếp tục giằng co trong biên độ hẹp trong phiên chiều. Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,48 điểm (+0,42%), lên 116,04 điểm với 238 mã tăng (26 mã trần), trong khi có 111 mã giảm (chỉ có 9 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 54 triệu đơn vị, giá trị 1.188,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,6 triệu đơn vị, giá trị 205,6 tỷ đồng.

BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM với 5,34 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,4% lên 25.900 đồng. Một cổ phiếu dầu khí khác là OIL cũng duy trì đà tăng 1,6% lên 18.600 đồng, khớp 1,17 triệu đơn vị.

Ngoài BSR, có 3 mã khác có thanh khoản trên 3 triệu đơn vị hôm nay là C4G, VHG, SDD và đều đóng cửa tăng giá, trong đó C4G tăng 2,1% lên 24.500 đồng, VHG tăng 3% lên 10.200 đồng, SDD tăng tới 11,3% lên 8.900 đồng.

Ngoài ra, còn có 9 mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó ngoại trừ DDV vẫn duy trì sắc đỏ khi đóng cửa giảm 2,1% xuống 28.200 đồng, còn lại đều tăng, riêng BOT giữ sắc tím 16.100 đồng, thanh khoản không đổi so với phiên sáng do không có lực cung, còn dư mua trần hơn 300.000 đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, tất cả các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng điểm theo thị trường cơ sở và đều tăng mạnh hơn VN30-Index. Cụ thể, VN30-Index hôm nay tăng 3,8 diểm (+0,26%), lên 1.472,69 điểm, còn hợp đồng đáo hạn ngày mai là VN30F2203 tăng 7,3 điểm (+0,5%), lên 1.471,8 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, bên tăng và giảm khá cân bằng, trong đó đáng chú ý có CACB2202 do MBS phát hành tăng tới 164,9% lên 980 đồng, nhưng thanh khoản chỉ 88.000 đơn vị. Trong khi ở chiều ngược lại, mã giảm mạnh nhất là CMSN2108 do KIS phát hành chỉ giảm 23,7% xuống 290 đồng, thanh khoản cũng chỉ 73.500 đơn vị. 6 mã có thanh khoản tốt nhất đều tăng khi đóng cửa, nhưng mức tăng khiêm tốn, trong đó có duy nhất CHPG2203 do HSC phát hành có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục