Giao dịch chứng khoán chiều 14/6: Giằng co vùng đỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc phiên đầu tuần, thị trường đã quay trở lại vùng đỉnh của VN-Index và diễn biến giao dịch giằng co cho thấy thị trường chưa đủ động lực để bứt phá mạnh trở lại xu hướng tăng điểm.
Giao dịch chứng khoán chiều 14/6: Giằng co vùng đỉnh

Mặc dù VN-Index vẫn tăng gần 10 điểm và thanh khoản đã có cải thiện, nhưng diễn biến thị trường phiên chiều vẫn tương đối cân bằng, và có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng không có sự đồng thuận khi một loạt ngân hàng lớn như VCB, BID, CTG, VPB... kết thúc phiên trong sắc đỏ, chỉ có một số mã như TCB, STB... có màu xanh nhạt.

Động lực của thị trường đến từ các mã lớn như VIC, VJC, VNM, MSN và khá nhiều mã midcap và small cap.

Trong một diễn biến có sự phân hóa trong nội bộ các nhóm ngành thì giao dịch diễn biến giằng co là dễ hiểu. Thị trường có lẽ cần thêm vài phiên để tích lũy hoặc thậm chí điều chỉnh nhẹ trước khi có thêm những bước tiến mới trong tuần này.

Đóng cửa, sàn HOSE có 202 mã tăng và 184 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 9,98 điểm (+0,74%) lên 1.361,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 775,72 triệu đơn vị, giá trị 25.335,26 tỷ đồng, tăng 5,94% về khối lượng và tăng 6,6% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 11/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 60,11 triệu đơn vị, giá trị 2.106,84 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, dòng bank chỉ còn TPB và STB xanh nhạt, còn lại đều giao dịch trong sắc đỏ, là một trong những nhân tố khiến thị trường thu hẹp biên độ tăng về cuối phiên. Tuy nhiên, các mã này như BID, CTG, VCB, VPB, MBB, MSB… đều có mức giảm khá nhẹ, chỉ trên dưới 1%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn là điểm sáng của thị trường dù có chút hạ độ cao sau những phút bừng bừng ở đầu phiên chiều. Cụ thể, ngay khi mở cửa phiên chiều, hàng loạt mã thuộc dòng chứng khoán như SSI, AGR, APG… đồng loạt tăng kịch trần, nhưng sau đó giảm nhiệt với các mã SSI, AGR, APG, BSI, CTS đóng cửa tăng hơn 5%.

Cổ phiêu HCM là tâm điểm giao dịch của dòng chứng khoán khi giữ đà tăng trần và đóng cửa tại mức giá 42.150 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh xấp xỉ 12,2 triệu đơn vị và dư mua trần gần 250.000 đơn vị.

Bên cạnh nhóm chứng khoán, nhiều mã lớn khác cũng hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường như BVH tăng 4,7% lên 60.000 đồng/CP, GAS tăng 2,9% lên 89.500 đồng/CP, PLX tăng 1,9% lên 55.000 đồng/CP, VHM tăng 3,7% lên 109.900 đồng/CP, VIC tăng 1,7% lên 120.000 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, trong khi bộ đôi ROS và FLC vẫn giao dịch khá sôi động nhưng vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ. Đóng cửa, FLC giảm nhẹ 0,8% xuống 13.050 đồng/CP và khớp hơn 29,5 triệu đơn vị.

Trong khi đó, HNG vẫn tăng khá tốt 3,9% và đóng cửa giữ nguyên mức giá khi chốt phiên sáng 10.750 đồng/CP với thanh khoản sôi động, đạt 29,66 triệu đơn vị, chỉ thua VPB về khối lượng giao dịch.

Cổ phiếu nóng FIT cũng có chút hạ nhiệt khi không còn tăng trần và kết phiên tăng 6,2% lên mức 15.400 đồng/CP.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng cũng khiến thị trường thu hẹp biên độ tăng về cuối phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 117 mã tăng và 97 mã giảm, HNX-Index tăng 2,32 điểm (+0,73%) lên mức 319,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 165 triệu đơn vị, giá trị 3.997,24 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 47,6 tỷ đồng.

Nhóm chứng khoán và dầu khí là tâm điểm của thị trường. Điển hình là các mã như PVS tăng 3,9% lên mức 29.300 đồng/CP, SHS tăng 6,5% lên 40.900 đồng/CP, SHS tăng 6,5% lên 40.900 đồng/CP.

Các mã này cũng có thanh khoản sôi động, chỉ đứng sau SHB, trong đó PVS khớp lệnh gần 16,6 triệu đơn vị; SHS khớp hơn 14 triệu đơn vị, VND khớp 9,75 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, cặp đôi lớn cổ phiếu ngân hàng là SHB và NVB tiếp tục nới rộng biên độ giảm. Cụ thể, SHB giảm 2% xuống mức 29.200 đồng/CP và NVB giảm 2,6% xuống 18.800 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cũng như các mã lớn, cổ phiếu nóng HUT cũng giảm nhiệt sau phiên tăng tốc cuối tuần trước. Kết phiên, HUT tăng 5,1% lên mức 8.200 đồng/CP và khớp 8,54 triệu đơn vị, chỉ bằng 1/2 mức thanh khoản trong phiên trước.

Trên UPCoM, mặc dù thị trường đảo chiều hồi phục ngay khi bước vào phiên chiều nhưng lực bán gia tăng đã khiến UPCoM-Index quay đầu giảm.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,11 điểm (-0,12%) xuống 88,83 điểm với 194 mã tăng và 105 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 88,93 triệu đơn vị, giá trị 1.655,72 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 40,51 triệu đơn vị, giá trị 857,52 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR vẫn giữ mức giá 20.300 đồng/CP khi kết phiên với thanh khoản tiếp tục tăng mạnh, đạt hơn 27,6 triệu đơn vị. Ngoài ra, dòng dầu khí còn có OIL tăng 3,5% lên mức 14.600 đồng/CP và PVP tăng 11,7% lên mức 17.200 đồng/CP.

Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản sau BSR là cặp đôi chứng khoán gồm AAS tăng 14,9% lên mức giá trần 13.100 đồng/CP và khớp 8,27 triệu đơn vị, SBS tăng 4,6% lên 13.600 đồng/CP và khớp 5,27 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, giao dịch phân hóa nhẹ trong khi BVB, ABB, NAB tăng nhẹ, thì SGB, PGB, VBB mất điểm.

Trên thị trường phái sinh, cả bốn hợp đồng tương lai đều đóng cửa tăng, trong đó, VN30F2106 tăng 4,3 điểm (+0,3%), lên 1.497,4 điểm, với khối lượng khớp lệnh đạt gần 201.690 đơn vị, khối lượng mở hơn 31.170 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CPDR2101 và CVRE2102 dẫn đầu thanh khoản, trong đó CPDR2101 tăng 6,6% lên mức 4.660 đồng/CQ và khớp 53.010 đơn vị, còn CVRE2102 giảm 10,9% xuống 1.150 đồng/CQ và khớp 45.270 đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục