Giao dịch chứng khoán chiều 10/10: Hàng loạt nhóm cổ phiếu bùng nổ, VN-Index đảo chiều tăng điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự "châm ngòi" trong cuối phiên sáng đã tiếp thêm sức mạnh giúp hàng loạt cổ phiếu, nhóm cổ phiếu đua nhau tăng trần, nhưng sự cản trở của dòng bank khiến VN-Index chỉ tăng hơn 6 điểm.
Giao dịch chứng khoán chiều 10/10: Hàng loạt nhóm cổ phiếu bùng nổ, VN-Index đảo chiều tăng điểm

Những tưởng thị trường sẽ trải qua thêm một phiên đỏ lửa khi nhóm cổ phiếu lớn – VN30 giảm mạnh đã lan rộng ra thị trường, đẩy VN-Index về sát ngưỡng 1.010 điểm khi giảm tới hơn 20 điểm sau khoảng gần 2 giờ mở cửa. Tuy nhiên, lực cầu gia tăng mạnh đã giúp nhiều cổ phiếu và nhóm ngành đảo chiều hồi phục tích cực, giúp thị trường bật hồi khá tốt và tạm dừng phiên giao dịch sáng trong xu hướng giảm nhẹ.

Đặc biệt, thanh khoản trong phiên sáng nay vẫn duy trì khá tốt, sau tín hiệu bắt đáy tích cực trong 2 phiên cuối tuần vừa qua, điều này càng giúp giới đầu tư tin vào nhịp hồi phục đang cận kề trước mắt.

Không nằm ngoài kỳ vọng trên, tâm lý tích cực tiếp tục duy trì khi thị trường bước vào phiên giao dịch chiều giúp VN-Index nhanh chóng được kéo lên mốc tham chiếu chỉ sau 15 phút mở cửa.

Chỉ số VN-Index đã lình xình quanh mốc tham chiếu sau khoảng 30 phút và dần nới rộng đà tăng điểm để thử thách lại mốc 1.050 điểm trước khi hạ độ cao về cuối phiên.

Thị trường kết thúc phiên đầu tuần bằng phiên tăng điểm nhẹ và nếu không có sự cản bước của nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là dòng bank, thì VN-Index có thể bật cao hơn.

Về thanh khoản, mặc dù tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE chạm 15.000 tỷ đồng, nhưng giao dịch thỏa thuận đóng góp khá lớn và tổng giá trị khớp lệnh đạt chưa tới 10.000 tỷ đồng, giảm mạnh so với phiên trước hơn 14.000 tỷ đồng. Điều này khiến giới đầu tư vẫn tin rằng đây chỉ là một nhịp hồi phục kỹ thuật khi thị trường đã về vùng hỗ trợ mạnh.

Đóng cửa, sàn HOSE có 286 mã tăng và 175 mã giảm, VN-Index tăng 6,57 điểm (+0,63%) lên 1.042,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 693 triệu đơn vị, giá trị 15.055,41 tỷ đồng, giảm 21% về khối lượng và 11,32% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 7/10.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 151,1 triệu đơn vị, giá trị 5.202,46 tỷ đồng, trong đó riêng EIB thỏa thuận xấp xỉ 80 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị lên tới hơn 3.172 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng dù đã có nhiều mã đảo chiều hồi phục tích cực, điển hình là cặp đôi lớn CTG và BID tăng lần lượt 3,76% và 2,74%, cùng một số mã khác như MBB, ACB, STB tăng trên dưới 1%, nhưng vẫn mất điểm.

Đáng kể, cổ phiếu TPB kết phiên không thoát khỏi nằm sàn, cổ phiếu TCB giảm tới 5,32%, SHB và HDB giảm trên dưới 3%, đặc biệt cổ phiếu lớn VCB giảm 2,4% xuống mức 65.100 đồng/CP.

Trong đó, cổ phiếu STB là mã giao dịch sôi động nhất với 34,12 triệu đơn vị khớp lệnh, cổ phiếu TCB thuộc top 5 thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt 18,28 triệu đơn vị; cùng một số mã như LPB, VPB, SHB, MBB khớp hơn 10 triệu đơn vị.

Ngoài nhóm bank, một số mã trong rổ VN30 cũng đóng vai trò cản trở thị trường như VJC giảm 4,3%, NVL giảm 3,3%, VRE giảm 2,3%, SAB giảm 1,3%, MSN giảm 1,2%.

Trên thị trường, nhiều nhóm ngành sau nhịp hồi phục ở phiên sáng đã tiếp tục tăng tốc mạnh trong phiên chiều. Cụ thể, nhóm cổ phiếu bán lẻ với sự đua trần của các mã DGW và FRT, các mã khác như MWG tăng 5,7%, PET tăng 3,8%...

Ở nhóm phân bón – hóa chất, các mã DCM, DPM, DGC đều trong trạng thái dư mua trần chất đống. Các nhóm cổ phiếu nhóm thủy sản cũng khởi sắc với VHC và IDI tăng trần, ANV tăng 5,2%..., hay dầu khí với cặp đôi lớn PLX và GAS tăng tốc, kết phiên tương ứng tăng 5,3% và 3,9%, PVD tăng 3%...

Nhóm cổ phiếu cùng nhịp thở thị trường là chứng khoán với cặp đôi FTS và VCI tăng trần, HCM tăng 3,9%, SSI tăng 3,6%, AGR và BSI tăng hơn 2,2%, VND tăng 2,8%, CTS tăng 3,8%... Ở nhóm cổ phiếu thép, HSG và NKG đều tăng kịch trần, trong đó HSG khớp 9,89 triệu đơn vị và dư mua trần 1,35 triệu đơn vị, còn NKG khớp 8,79 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,28 triệu đơn vị; cổ phiếu HPG cũng nới rộng đà tăng +4,3% lên 18.350 đồng/CP và khớp lệnh hơn 25 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bên cạnh các cổ phiếu thu hẹp đà giảm, nhiều mã cũng đảo chiều hồi phục và nới rộng đà tăng. Trong đó, cổ phiếu HAG có thời điểm tiệm cận mức giá trần và kết phiên tăng 3,3% lên 11.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ thua STB, đạt hơn 29,61 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu bluechip bốc đầu tăng vọt, hỗ trợ tốt giúp thị trường hồi phục tích cực.

Đóng cửa, sàn HNX có 98 mã tăng và 96 mã giảm, HNX-Index tăng 3,76 điểm (+1,66%) lên 229,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 59,48 triệu đơn vị, giá trị 949,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,84 triệu đơn vị, giá trị 40,74 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 chỉ còn 5 mã mất điểm, trong đó NRC trở về nằm sàn, VCS giảm 5,7%, L14 giảm 4,6%, DXP giảm 1,8%, LHC giảm 0,7%.

Trái lại, có tới 23 mã tăng, trong đó cổ phiếu dệt may TNG đã kéo trần thành công và đóng cửa tại mức giá 16.600 đồng/CP với thanh khoản sôi động, đạt hơn 2 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu phân bón, dầu khí trên sàn HNX cũng đồng loạt tăng mạnh, với LAS tăng 7,5% lên mức 10.000 đồng/CP, PVC tăng 7,5% lên 18.700 đồng/CP, PVS tăng 5,7% lên 24.100 đồng/CP, PLC tăng 4% lên 23.200 đồng/CP, PVB tăng 4% lên 18.200 đồng/CP…

Ở nhóm chứng khoán, BVS tăng 6,4% lên vùng giá cao nhất ngày 18.300 đồng/CP, MBS tăng 6% lên 16.000 đồng/CP, SHS tăng 2,4% lên 8.600 đồng/CP và vẫn là mã khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt hơn 10 triệu đơn vị, APS tăng 3% lên 10.200 đồng/CP…

Một số mã đáng chú ý cũng nới rộng đà tăng khá tốt như IDC tăng 6% lên 45.800 đồng/CP và khớp 4,42 triệu đơn vị, HUT tăng 5,5% lên 21.100 đồng/CP, THD tăng 3,8% lên 40.500 đồng/CP, TAR tăng 2,8% lên 18.100 đồng/CP, CEO hồi nhẹ khi tăng 0,6%...

Trái lại, KLF vẫn ảm đạm và kết phiên nằm sàn ở mức giá 1.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 4 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng hồi phục thành công.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,2%) lên 80,14 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,93 triệu đơn vị, giá trị 384 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,25 triệu đơn vị, giá trị 43,83 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR tiếp tục nới rộng đà tăng +5,7% và đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày 20.400 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường UPCoM, đạt hơn 6,65 triệu đơn vị. Trong khi OIL tăng 2% lên 10.200 đồng/CP và khớp hơn 0,85 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu có thanh khoản sôi động khác trên thị trường là ABB khớp 2 triệu đơn vị, VHG khớp 1,6 triệu đơn vị, SBS và C4G khớp hơn 1,2 triệu đơn vị. Đóng cửa, ABB và VHG cùng đứng giá tham chiếu, SBB giảm 1,6%, trong khi C4G tăng 1%.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều hồi phục, trong đó, VN30F2210 tăng nhẹ 0,3 điểm lên 1.032,5 điểm, khớp lệnh tới hơn 422.440 đơn vị, khối lượng mở hơn 51.060 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn, trong đó CVPB2206 khớp lệnh lớn nhất đạt gần 3,55 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 100% lên 20 đồng/CQ; tiếp theo là CSTB2220 khớp 3,13 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 8,3% lên 260 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 4.33 0.34% 230,739 tỷ
HNX 241.54 1.53 0.63% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.37 0.4% 1,197 tỷ