Giao Bộ Công thương trình dự thảo nghị định khuyến khích điện mặt trời áp mái trước 25/4

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa chỉ đạo Bộ Công thương trình dự thảo nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp trước ngày 25/4.
Mô hình điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu trên mái nhà xưởng Công ty Bao bì Kim Đức tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An (Ảnh: M.Minh) Mô hình điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu trên mái nhà xưởng Công ty Bao bì Kim Đức tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An (Ảnh: M.Minh)

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 165/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp.

Kết luận nêu, việc xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà với mục đích tự sản, tự tiêu nhằm từng bước thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch là cần thiết. Đây là nhiệm vụ cấp bách, giải pháp quan trọng để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường góp phần bảo đảm an ninh năng lượng Quốc gia theo đúng chủ trương của Chính phủ về tăng trưởng xanh và là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam để hiện thực hoá mục tiêu giảm lượng phát thải nhà kính về Net Zero vào năm 2050.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần có chỉ đạo xây dựng Nghị định về việc này. "Trường hợp để chậm trễ trong việc xây dựng Nghị định này thì Bộ Công thương và các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ", Kết luận nêu chỉ đạo của Phó thủ tướng.

Từ đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công thương khẩn trương, tích cực và chủ động xây dựng dự thảo Nghị định từ thực tiễn, cơ sở khoa học, vấn đề pháp lý để xác định nội hàm của Nghị định, mục tiêu của Nghị định trong đó có việc tổng kết, đánh giá những mặt được và chưa được của các chính sách trước đây...; đồng thời cần quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục cấp "tín chỉ xanh" đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch, hoàn thành và báo cáo Phó Thủ tướng trước 25/4/2024.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ chương trình, hồ sơ xây dựng Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp…

Về trình tự, thủ tục xây dựng nghị định, Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp trong quá trình thẩm định dự thảo nghị định nếu phát hiện các nội dung cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.

Doanh nghiệp có thể mua bán điện tái tạo qua EVN hoặc không qua EVN

Liên quan đến vấn đề trên, hiện Bộ Công thương đang lấy ý kiến dự thảo cơ chế mua bán điện trực tiếp (DDPA). Dự thảo dự kiến trình Chính phủ trước ngày 30/4.

Tại dự thảo này, Bộ Công thương đề xuất doanh nghiệp sản xuất có thể mua điện trực tiếp từ các nhà máy năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) có hoặc không qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Cụ thể, các hình thức của cơ chế mua bán điện trực tiếp bao gồm: Mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây kết nối riêng (không qua lưới điện quốc gia) hoặc qua lưới điện quốc gia.

Nếu mua bán điện qua lưới điện quốc gia thì đơn vị phát điện sẽ ký hợp đồng mua bán điện với EVN (hoặc đơn vị được ủy quyền/phân cấp) và bán toàn bộ điện năng sản xuất lên thị trường điện giao ngay của thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo quy định của Bộ Công thương.

Đối với trường hợp mua điện trực tiếp qua đường dây riêng, tổ chức, cá nhân sẽ không bị giới hạn các điều kiện về công suất, sản lượng, cấp điện áp đấu nối. Hợp đồng mua bán và giá điện sẽ do hai bên tự thỏa thuận.

Cơ chế DDPA từng nhiều lần được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị Việt Nam sớm thí điểm, bởi họ cho rằng chính sách này sẽ tác động tích cực vào cạnh tranh ngành năng lượng.

Trước đó, khảo sát của Bộ Công thương cho thấy đang có khoảng 20 doanh nghiệp lớn cũng mong muốn mua điện trực tiếp với tổng nhu cầu là gần 1.000 MW, trong đó nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tham gia cơ chế DPPA như Samsung, Nike...

Đa số doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện lớn với tổng sản lượng điện tiêu thụ bình quân lên đến 1 triệu kWh mỗi tháng, sử dụng cấp điện áp 22kV trở lên. Trong khi đó, có 24 dự án năng lượng tái tạo với công suất 1.773 MW muốn bán điện qua cơ chế DPPA, 17 dự án có công suất 2.836 MW cân nhắc tham gia.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục