Điện mặt trời áp mái: Doanh nghiệp nóng ruột chờ cơ chế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo đại diện CME Solar, Việt Nam đang “trống” cơ chế lắp điện mặt trời mái nhà trong khi bản thân doanh nghiệp và xã hội đều có nhu cầu.
Điện mặt trời áp mái: Doanh nghiệp nóng ruột chờ cơ chế

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo Phát triển bền vững 2023 do Báo Đầu tư tổ chức ngày 16/11, ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Copper Mountain Energy Solar (CME Solar) cho biết, nhu cầu lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng, khu công nghiệp đang tăng cao trong các lĩnh vực sản xuất của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, đặc biệt là ngành điện tử, bán dẫn và dệt may.

Vừa qua, CME Solar đã ký thoả thuận về việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho nhà máy của LG Innotek ở Hải Phòng với công suất lắp đặt lên đến 4,3 MWp. Trước đó, nhiều doanh nghiệp FDI cũng đã lắp đặt điện mặt trời với tổng công suất mà doanh nghiệp này đã lắp đặt lên đến 100MWp.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng đang cần điện mặt trời mái nhà để đáp ứng các mục tiêu về giảm phát thải, thực hành phát triển bền vững hay đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường xanh (LEED, Lotus...), các yêu cầu về tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo từ chuỗi cung ứng toàn cầu...

“Khi đã cam kết phát thải ròng bằng 0, các thương hiệu và nhà sản xuất quốc tế tại Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi năng lượng sang các nguồn tái tạo nên đây cũng là cơ hội cho thị trường năng lượng mặt trời phân tán phát triển ở Việt Nam”, ông Kiên nhấn mạnh.

Đại diện CME Solar được vinh danh tại Hội thảo Phát triển bền vững 2023

Đại diện CME Solar được vinh danh tại Hội thảo Phát triển bền vững 2023

Tuy nhiên, theo ông Kiên, Việt Nam đang “trống” cơ chế lắp điện mặt trời mái nhà trong khi bản thân doanh nghiệp và xã hội đều có nhu cầu. Điều này khiến nhiều công ty dù đã có định hướng sản xuất năng lượng sạch nhưng vẫn chưa dám khởi động nhập vào công cuộc “xanh hóa”. Còn những doanh nghiệp dám khởi nghiệp đều trong tình trạng phải tự thân vận động, vừa làm vừa thắc thỏm hóng… cơ chế.

“Chúng tôi hy vọng rằng với định hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo thể hiện qua Quy hoạch điện VIII, trong đó không hạn chế đối với mô hình phát triển điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu, mô hình đầu tư điện mặt trời áp mái trên mái nhà máy/cơ sở sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tại chỗ (mang tính tự sản tự tiêu) sẽ sớm có chính sách đồng bộ, khuyến khích phát triển. Với mô hình tự sản tự tiêu này, doanh nghiệp sẽ cam kết tiêu thụ 100% hoặc phần lớn lượng điện do hệ thống điện mặt trời áp mái sản xuất ra, áp dụng giải pháp không phát ngược lên lưới điện (Zero Export).

Ngoài ra, chúng tôi thấy rằng, cũng nên có chính sách để tận dụng và tối ưu hóa nguồn điện này. Khi nhu cầu điện có thể tăng mạnh trong thời gian tới, cũng như ở một số thời điểm nhất định thì cơ quan điện lực có thể mua phần sản lượng mà doanh nghiệp không sử dụng hết theo sự điều tiết của cơ quan điện lực và với mức giá thảo thuận từng thời kỳ, vừa đảm bảo sự điều tiết hệ thống, vừa tiết giảm chi phí và bổ sung được nguồn điện đáp ứng cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân”, ông Kiên đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Kiên cho rằng, cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) sẽ là bước tiến phát triển thị trường điện với sự tham gia ngày càng đa dạng của nhiều thành phần với tư cách của bên mua, bên bán, bên truyền tải điện, điều tiết điện... Sự phát triển của thị trường này sẽ giúp hình thành thị trường điện ngày càng cạnh tranh, giúp tối ưu hóa chi phí, huy động nguồn lực đầu tư vào năng lượng tái tạo.

“Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý đã dự thảo xây dựng cơ chế thí điểm DPPA với quy mô và thời hạn thí điểm nhất định. Chúng tôi cho rằng, đây là hướng tiếp cận thận trọng, phù hợp để đánh giá tác động và hoàn thiện khi đưa vào áp dụng ở quy mô rộng. Hiện nay, cơ quan dự thảo đã đưa ra một số phương án thực hiện thí điểm cơ chế này, trong đó quy định bên mua và bên bán điện được thỏa thuận trực tiếp với nhau và việc truyền tải thực hiện qua đường dây của EVN. Chúng tôi thấy rằng, đứng trước nhu cầu của nền kinh tế, đồng thời một số vấn đề về pháp lý cần tiếp tục hoàn thiện thì nên cân nhắc lựa chọn phương án có tính khả thi cao, trong đó yếu tố quan trọng là đặt nền tảng cho việc mua bán điện trực tiếp giữa Bên phát điện (Bên bán) và Bên sử dụng điện (Bên mua), phần bù đắp chi phí truyền tải và các chi phí liên quan khác được thanh toán theo cơ chế chênh lệch với giá mua bán điện với EVN”, ông Kiên chia sẻ.

Tư Thuần

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục