Chiều 22/2, TAND TP.Hà Nội tuyên án đối với 4 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Vinashinlines.
Bị cáo Trần Văn Liêm (nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines), Giang Văn Đạt (nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh) lĩnh án tử hình, Trần Văn Khương (nguyên Kế toán trưởng) mức án chung thân về tội Tham ô tài sản. Bị cáo Giang Văn Hiển lĩnh án 12 năm tù về tội Rửa tiền.
HĐXX thấy rằng, quá trình thực hiện dự án mua tàu, cho thuê tàu biển, các bị cáo Trần Văn Liêm, Trần Văn Khương, Giang Kim Đạt lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao thông qua công ty môi giới, chủ tàu hưởng tiền hoa hồng mua tàu, gửi cước giá thuê tàu.
Tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt là 260 tỷ đồng.
Để che giấu nguồn tiền bất hợp pháp, bị cáo Giang Văn Hiển (cha của Đạt) trực tiếp tham gia giao dịch tài chính, mở nhiều tài khoản nhận 15,9 triệu USD sau đó Hiển rút ra chuyển cho Đạt để Đạt chuyển cho Liêm.
Số tiền bất hợp pháp, bị cáo Hiển sử dụng mua 40 bất động sản, mua đi bán lại 13 ô tô.
Trong vụ án này, bị cáo Liêm giữ vai trò chính, chủ mưu. Bị cáo là Tổng giám đốc Vinashinlines, trực tiếp quản lý phòng kinh doanh. Bị cáo là người trực tiếp ký trình duyệt quyết toán 3 con tàu lên Vinashin nhưng không quyết toán số tiền hoa hồng. Bị cáo trực tiếp chỉ đạo Đạt đàm phán với các đối tác tỷ lệ tiền hoa hồng mua tàu, gửi giá cước thoong qua môi giới. Bị cáo yêu cầu Đạt trực tiếp mở tài khoản nhận tiền phù hợp lời khai các bị cáo khác. Bị cáo "bật đèn xanh" để Khương để ngoài sổ sách số tiền 110.000 USD.
Về ý thức chủ quan, bị cáo Liêm chủ động, đồng tình để Đạt đàm phán, chiếm đoạt số tiền hoa hồng mua tàu và tiền chênh lệch gửi giá cước.
HĐXX cho rằng, mặc dù không thu được chứng cứ trực tiếp chứng minh bị cáo Đạt có hành vi thỏa thuận với các công ty môi giới, nhưng lời khai các bị cáo thể hiện việc đàm phán, chuyển tiền.
HĐXX cũng xác định, tại thời điểm xảy ra vụ án, nguồn vốn thực hiện hợp đồng mua tàu thuộc Vinashin.
Hiện tại, Vinashinlines còn nợ Vinashin số tiền 48 triệu USD mua tàu. Đến nay, Vinashinlines trực thuộc Vinalines, Vinalines nhận nợ nguyên trạng nhưng vì Vinashinlines còn nợ Vinashin tiền. Do đó, Vinashin là nguyên đơn dân sự. Sau khi nhận tiền, Vinashin phải có trách nhiệm đối trừ công nợ của Vinashinlines.
HĐXX nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến quan hệ sở hữu tài sản của Nhà nước, gây thiệt hại cho Nhà nước 260 tỷ đồng. Hành vi cố ý che giấu nguồn tiền bất hợp pháp của bị cáo Hiển đã gây trở ngại lớn cho cơ quan điều tra.
Toàn bộ khối tài sản gồm 40 nhà đất, 2 chiếc ô tô được mua từ nguồn tiền bất hợp pháp. HĐXX đề nghị tiếp tục kê biên số tài sản này thi hành án và bồi thường cho nguyên đơn dân sự.
HĐXX cũng kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải xem xét các hoạt động vận tải của các doanh nghiệp, đặc biệt là Vinashin.