Ngày 17/2, phiên tòa xét xử vụ án Tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại Vinashinlines bước sang ngày thứ 2, tập trung xét hỏi việc mua 3 tàu cũ.
Theo cáo trạng, tháng 7/2006, Trần Văn Liêm, cựu Tổng giám đốc Vinashinlines ký hợp đồng mua 3 tàu gồm Vinashin Summer, Vinashin Phoenix, Vinashin Island. Giang Văn Đạt thỏa thuận thông qua công ty môi giới Marvin Shipping LTD hưởng 2% - 3,75%/tổng giá trị mua tàu.
"Bị cáo ra Hà Nội làm việc theo lời mời của anh Liêm, đi theo cắp cặp cho anh, không có ký hợp đồng lao động, không có bảo hiểm. Khi được phân công quyền Trưởng phòng kinh doanh, bị cáo cũng không có chế độ lao động".
Tại tòa, Giang Kim Đạt khai nhận, năm 2006, bị cáo được Trần Văn Liêm bổ nhiệm làm trợ lý giám đốc, rồi chuyển lên Phòng Kế hoạch đầu tư làm chuyên viên, nhưng chỉ ngồi chơi.
Thời điểm Vinashin có chủ trương cho phép mua tàu cũ khai thác, bị cáo được bổ nhiệm làm quyền Trưởng phòng kinh doanh. Bị cáo liên hệ mua 8 tàu.
Trong hành vi mua 3 tàu và hưởng các khoản tiền chênh lệch, bị cáo Đạt hiểu đó là “lệ phí môi giới”, tiền hoa hồng của công ty môi giới.
Lời khai của bị cáo Đạt thể hiện quá trình giao dịch mua tàu gồm nhiều công đoạn. Ngày nhận tàu, bị cáo và Liêm bay sang gặp luật sư môi giới đối tác. Để hợp đồng có hiệu lực, bên bán và bên mua xuất trình nghị quyết HĐQT, ủy quyền... Khi chốt giá mua tàu, bị cáo và Liêm tiếp tục sang gặp đối tác đối chứng tài liệu.
Giang Kim Đạt khai nhận, theo thông lệ quốc tế, lệ phí công ty môi giới được hưởng từ 1-5,75% tùy theo thỏa thuận giữa bên bán và môi giới. Việc trích lại hoa hồng, bị cáo hoàn toàn không báo cáo bị cáo Liêm.
“Bị cáo chuyển cho anh Liêm 150.000 USD, nói là môi giới được hưởng, họ trích ra cho em, em cho anh. Theo bị cáo, anh Liêm có thể hiểu là lệ phí môi giới trích ra làm quà”, Đạt khai.
Tổng số tiền Giang Kim Đạt nhận tiền “hoa hồng” mua 3 tàu là hơn 711.000 USD (tương đương 11,4 tỷ đồng).
HĐXX hỏi: “Tại sao nhận tiền lớn nhưng chỉ trích cho Liêm khoản tiền nhỏ?”
Đạt đáp: “Vì đó là tiền người ta cho bị cáo. Anh Liêm không quan tâm chuyện đó, không chỉ đạo bị cáo”.
Trước vành móng ngựa, bị cáo Đạt cho rằng, số tiền hoa hồng là hợp pháp. Nhưng lý giải việc chuyển tiền vào tài khoản của Giang Văn Hiển (bố Đạt), Đạt nói: “Vì bị cáo cho bố. Nếu tiền không hợp pháp bị cáo đã chuyển vào tài khoản cá nhân của mình”.
HĐXX: “Bị cáo là đại diện công ty giao dịch mua tàu, nếu cho là khoản tiền đàng hoàng, tại sao không báo cáo cho công ty?”
Đạt đáp: “Bị cáo hiểu đơn giản là tiền môi giới cho bị cáo”.
Tòa công bố lời khai bị cáo tại cơ quan điều tra về việc chuyển toàn bộ tiền nhận hoa hồng mua tàu cho Liêm, Đạt khai vì bị dọa dẫm, mớm cung. “Điều tra viên nói anh Liêm đổ cho bị cáo mua tàu Hoa Sen. Do áp lực nên bị cáo đổ hết cho anh Liêm”.
Trước tòa, Đạt nói: “Nội dung trước đây tôi khai về anh Liêm không đúng, tôi xin lỗi anh Liêm”.
Giang Kim Đạt cũng thừa nhận tất cả các công ty môi giới đều do bị cáo tự tìm, tự liên hệ. Trước khi vào làm việc tại Vinashinlines, bị cáo làm đại lý, chuyên môi giới kinh doanh hàng hải.
“Bị cáo ra Hà Nội làm việc theo lời mời của anh Liêm, đi theo cắp cặp cho anh, không có ký hợp đồng lao động, không có bảo hiểm. Khi được phân công quyền Trưởng phòng kinh doanh, bị cáo cũng không có chế độ lao động”, Đạt khai nhận.
Nói về quãng thời gian nghỉ việc từ tháng 5/2006 - 10/2007, Đạt khai do môi trường công ty quá gò bó, quá nhiều ràng buộc, trong khi bị cáo là người môi giới tự do. Khoảng tháng 4/2008, bị cáo quay trở lại làm việc do anh Liêm nhờ bị cáo giải quyết liên quan đến việc bắt giữ tàu tại nước ngoài.