Thị trường chứng khoán tăng - giảm trong biên độ hẹp nhưng thanh khoản được duy trì khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số đang tìm động lực cho đà tăng mới. Trong những phiên cuối tuần qua, biến động của VN-Index tương đối thấp, dù vậy nhóm VnMidcap và Smallcap vẫn có mức tăng giá tốt đi kèm khối lượng giao dịch cao, chỉ số có vẻ như bị ảnh hưởng nhiều bởi nhóm vốn hóa lớn.
Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn, có thể thấy ở nhóm VN30 có hiện tượng ép chỉ số khi các lệnh bán được thực hiện ở những cổ phiếu trụ vào cuối giờ giao dịch để ép chỉ số giảm điểm nhiều hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, nhiều cổ phiếu nhóm VN30 có thể đang bị ghìm giữ cho những toan tính gắn với thị trường phái sinh. Còn trên thị trường cơ sở, dòng tiền vẫn luân chuyển tìm kiếm cơ hội ở các nhóm ngành, điều này có nghĩa nhiều nhà đầu tư đã trở lại thị trường, chấp nhận tìm kiếm lợi nhuận ở mức vừa phải trong bối cảnh hiện tại.
Khi mùa đại hội đồng cổ đông đã bắt đầu, yếu tố có tác động mạnh đến các cổ phiếu, tạo ra sự phân hóa về thị giá sẽ là những kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp, chuyển động kinh doanh, cổ tức...
Trước thềm đại hội năm nay, nhiều cổ phiếu đã trở thành cái tên nóng bỏng khi thị giá tăng tới hơn 50% trong chưa tới 10 ngày, gắn với những tin tức bên lề được chuyền nhau như thế. Chọn chủ đề “Phân hóa mùa đại hội cổ đông” trong số báo này, Đầu tư Chứng khoán chỉ ra những yếu tố sẽ tác động đáng kể đến diễn biến giá cổ phiếu ở nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới.
Sau mùa đại hội năm nay, sẽ có những cái tên bật lên mạnh mẽ, ở chiều ngược lại một số doanh nghiệp vẫn chỉ sống đều đều. Đây là tình trạng phổ biến trên bức tranh hoạt động của doanh nghiệp theo nhận định của các chuyên gia tham dự Tọa đàm Phục hồi kinh tế do Báo Đầu tư tổ chức sáng 25/3 vừa qua.
Tại sự kiện này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV chia sẻ rằng, những chương trình hành động hỗ trợ phát triển kinh tế mạnh mẽ, dứt khoát và rất tốc độ đang được Quốc hội, Chính phủ triển khai.
Tuy nhiên, để chương trình phục hồi kinh tế thực sự thẩm thấu ngay vào “cơ thể” từng doanh nghiệp thì cần sự tham gia của không chỉ các Bộ, ngành mà còn của các hiệp hội ngành hàng, của doanh nghiệp và sự thành công của từng doanh nghiệp trong năm nay cũng phụ thuộc rất lớn vào sự chủ động, sẵn sàng đón nhận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Chẳng hạn như doanh nghiệp thuận lợi hơn trong vay vốn nhưng vẫn giữ các mô hình đầu tư, kinh doanh cũ mà không chuyển đổi, không linh hoạt hơn thì khó có thể tăng trưởng bền vững. Cũng có không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chỉ tính ngắn hạn, có cơ hội kinh doanh nào đó thì chớp thời cơ mở ra, khi khó khăn đóng lại ngay, có những doanh nghiệp thành lập ra để trục lợi chính sách, khi cơ quan chức năng vào cuộc đã bị xử phạt nặng...
Rõ ràng, đầu tư là hành trình tìm kiếm những doanh nghiệp có chuyển động, có sự thay đổi để lớn lên. Một tầm nhìn xa để thiết lập các chiến lược phù hợp với những thay đổi trong môi trường kinh doanh đang được nhiều nhà đầu tư tìm kiếm ở các doanh nghiệp.