Trong đó một vấn đề đáng chú ý là tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước, khi 5 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 396,2 nghìn tỷ đồng, bằng 39,1% dự toán.
Sức ép đối với cân đối ngân sách không chỉ nằm ở tiến độ thu thấp, mà còn ở chi ngân sách đang cao. Trong 5 tháng qua, tổng chi ước lên đến 466,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so cùng kỳ năm 2015. Bội chi ngân sách 5 tháng ước đạt 70.000 tỷ đồng, bằng 27,6% dự toán năm.
Điểm sáng trong công tác thu chi ngân sách là hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ. Tính đến hết ngày 31/5/2016, Chính phủ đã thực hiện phát hành được 147.044,27 tỷ đồng trái phiếu, bằng 66,84% kế hoạch năm, đáp ứng nguồn cho các nhiệm vụ chi ngân sách.
Trong bối cảnh hiệu quả của chuyển dịch mô hình tăng trưởng nền kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu chưa đạt kết quả rõ nét, sức ép tăng thu ngân sách để có nguồn chi cho đầu tư phát triển tiếp tục căng thẳng, khi Chính phủ kiên quyết đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP đề ra cho năm nay là 6,7%.
Khó có thể cắt giảm nguồn chi tiêu, vì thế, việc tìm ra nguồn thu mới cho ngân sách đang là câu hỏi hóc búa với ngành tài chính. Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp báo Chính phủ vừa diễn ra, báo giới đặt câu hỏi cho Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng rằng, vừa rồi Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng BIDV, VietinBank trả cổ tức bằng tiền và nộp toàn bộ số cổ tức được chia vào ngân sách Nhà nước, đây có phải là dấu hiệu cho thấy thu ngân sách gặp khó, Ngân hàng Nhà nước có ủng hộ đề nghị này không?
Phó thống đốc cho biết, sau khi nhận được kiến nghị này, các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước đang xem xét, đánh giá trước khi đề xuất chính sách thực hiện và báo cáo Chính phủ…
Nếu những tháng tới, hoạt động thu ngân sách tiếp tục khó khăn, không loại trừ khả năng Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các ngân hàng khác, cũng như các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn chia cổ tức để “giải khát” nguồn thu cho ngân sách.
Ngoài tìm kiếm nguồn thu từ các doanh nghiệp mà nhà nước đang nắm vốn lớn, một hướng khác cũng đang được triển khai là thúc đẩy cổ phần hóa DNNN.
“Quan điểm chỉ đạo cổ phần hóa là chỉ giữ những doanh nghiệp mà Nhà nước cần nắm giữ liên quan đến quốc phòng, an ninh, các doanh nghiệp lớn có thể ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế đất nước. Còn các doanh nghiệp khác không cần nắm giữ thì đẩy mạnh bán phần vốn, tạo nguồn lực để đầu tư cho phát triển…”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ.
Cùng với nỗ lực tăng thu ở mức hợp lý, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ rất cần thực thi đồng thời hai giải pháp quan trọng là nâng cao hiệu quả đầu tư của nền kinh tế nói chung, đầu tư công nói riêng để tạo ra nguồn thu mới cho ngân sách, đồng thời cần quyết liệt rà soát, mạnh tay cắt giảm các khoản chi không cần thiết, để vừa giảm sức ép lên hoạt động thu, vừa nuôi dưỡng được nguồn thu.