Khoảng đầu tháng 3/2020, hai đại diện của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) ôm tập tài liệu đến Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội để tiếp tục kháng cáo việc dân sự yêu cầu hủy Nghị quyết ÐHÐCÐ của CTCP Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn (mã HLS, sàn UPCoM).
Vụ việc kéo dài gần 8 năm nay, cho thấy sự phức tạp của các tình tiết để giải quyết tranh chấp, tuy nhiên, đại diện của HLS vắng mặt.
Một câu chuyện khác là ông Nguyễn Ngọc Long, cổ đông nắm giữ 16,7% cổ phần tại CTCP Công trình vận tải (trụ sở ở TP. Hải Phòng) mất nhiều năm theo đuổi pháp lý, đi từ Hải Phòng ra Hà Nội để yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu, tình hình tài chính.
Nhiều bất cập trong quản lý doanh nghiệp được ông Long đưa ra, nhưng đại diện Công ty “năm lần bảy lượt” vắng mặt, không cung cấp tài liệu.
Công ty ủy quyền cho luật sư tham gia, hết thời hạn ấn định, Công ty cũng không cung cấp bản khai cho tòa án.
Ông Long khởi kiện rồi kháng cáo, để mong được được đối chất hoặc tìm một tiếng nói từ doanh nghiệp nhưng chỉ nhận được sự im lặng khó hiểu.
Theo ông Phan Ðức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, qua rà soát cho thấy, có 6 lỗ hổng về thể chế bảo vệ cổ đông thiểu số, điển hình là quyền cổ đông.
Thứ nhất, cổ đông muốn đầu tư tiền vào công ty nhưng lại không có quyền tiếp cận thông tin để biết doanh nghiệp hoạt động ra sao.
Hiện nay, pháp luật về vấn đề này quy định, để xem xét, trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của hội đồng quản trị, hợp đồng, giao dịch phải thông qua hội đồng quản trị… thì phải sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần doanh nghiệp.
Ngoài ra, pháp luật còn quy định, cổ đông phải sở hữu cổ phần trong thời hạn 6 tháng liên tục.
Thứ hai, cổ đông đầu tư tiền vào công ty nhưng họ không có quyền quyết định ngân sách cho hội đồng quản trị và người quản lý.
Theo quy định hiện hành, hội đồng quản trị chỉ báo cáo về mức chi lương thưởng của hội đồng quản trị, ban điều hành tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên.
Kẽ hở này có thể tạo cơ hội cho lãnh đạo doanh nghiệp trục lợi, làm phương hại tới quyền lợi của cổ đông.
Thứ ba, trong công ty cổ phần có nhiều loại cổ đông. Luật Doanh nghiệp quy định mọi quyết định của doanh nghiệp đều theo đa số. Giả sử, Công ty A thiết kế một cổ phần ưu đãi bán cho nhà đầu tư, giá trị lớn hơn 10% cổ tức trả cho cổ đông hàng năm.
Sau khi bán hết cho nhà đầu tư, doanh nghiệp sửa lại Ðiều lệ, triệu tập họp ÐHÐCÐ ra quyết định, chia cổ tức tùy vào tình hình kinh doanh. Như vậy, gần như là nhà đầu tư đã bị lừa.
Việc kiểm soát giao dịch liên quan, trong tiếng Anh thuật ngữ này thì phải hiểu là giao dịch có phát sinh nguy cơ tư lợi và tất cả giao dịch này đều phải kiểm soát chặt chẽ.
Hiện nay, pháp luật yêu cầu một số giao dịch lớn phải được ÐHÐCÐ thông qua, nhưng thực tế có trường hợp doanh nghiệp có thể xé lẻ các giao dịch nhỏ để đạt được tỷ lệ 35% và do hội đồng quản trị quyết định.
Ngoài ra, pháp luật các nước trên thế giới còn quy định giao dịch, quyết định mà thực hiện đúng thủ tục thì người quản lý vẫn có thể bị khởi kiện, vì luật ràng buộc họ phải có nghĩa vụ trung thành, trung thực và cẩn trọng.
Nếu vi phạm 3 điều này thì lãnh đạo vẫn có thể phải bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra.
Ông Hiếu nhận xét, hiện nay, mức độ dễ dàng khởi kiện của cổ đông là rất khó. Bởi lẽ cổ đông khởi kiện phải tuân theo Bộ luật Tố dụng dân sự, tức là đương sự phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin. Cổ đông lại rất khó để chứng minh, vì không được tiếp cận hồ sơ đầy đủ.
Theo kinh nghiệm tại các quốc gia khác thì sẽ áp dụng trình tự thủ tục tố tụng riêng, tạm gọi là “kiện phái sinh” và khi đó, nghĩa vụ chứng minh thuộc về người bị kiện.