Gian nan gọi vốn bằng cổ phiếu

(ĐTCK) Bên cạnh các doanh nghiệp tìm vốn mới nhằm mở rộng kinh doanh thì cũng có những doanh nghiệp muốn phát hành cổ phiếu để cấn trừ nợ, giảm áp lực nợ vay. Dù với mục đích gì thì nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn cổ phần.
Gian nan gọi vốn bằng cổ phiếu

Giá phát hành thấp

Tháng 10 tới, Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre (DHC) dự kiến sẽ phát hành tổng cộng gần 9 triệu cổ phiếu, nhằm huy động hơn 130 tỷ đồng.

Trong đó, DHC phát hành 5,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với giá 18.000 đồng/cổ phiếu, bằng một nửa thị giá (34.000 đồng/cổ phiếu ngày 15/9), tỷ lệ phát hành 5:1. Công ty sẽ dùng nguồn vốn hơn 92 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành này để bổ sung vốn đối ứng đầu tư giai đoạn 2 nhà máy giấy Giao Long.

Ngoài ra, DHC sẽ phát hành 1,2 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), với tỷ lệ 4,69% và phát hành gần 2,6 triệu cổ phiếu, với tỷ lệ 10%, nhằm chi trả cổ tức năm 2016.

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) vừa tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm xin ý kiến về việc chào bán hơn 123 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện quyền mua 2:1. Tuy nhiên, cổ đông đề xuất, điều chỉnh giá phát hành xuống 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 1/3 so với thị giá. Cuối cùng, CII đã quyết định điều chỉnh giá phát hành như đề xuất của cổ đông và dự kiến sẽ thực hiện trong quý IV/2017.

Đại hội đồng cổ đông CII cũng thông qua phương án chào bán riêng lẻ 17,7 triệu cổ phiếu cho Quỹ đầu tư Rhinos Asset Management, hoặc đơn vị được ủy thác bởi quỹ này (RAM). Giá chào bán 24.490 đồng/cổ phiếu, thực hiện trong quý I/2018

Theo CII, Công ty đang có nhu cầu vốn lớn để đầu tư vào các dự án như BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội, Cụm cao ốc 152 Điện Biên Phủ, các dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2... Uớc tính, nguồn vốn thu được từ đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu là 1.231 tỷ đồng, phát hành riêng lẻ là 434 tỷ đồng.

Phát hành riêng lẻ

Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) vừa xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chào bán gần 150 triệu cổ phiếu, tương đương với giá trị 1.500 tỷ đồng, để bổ sung vốn và hoán đổi nợ vay.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông HNG đã phê duyệt phương án phát hành 55 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ. Tuy nhiên, với kế hoạch tái cơ cấu và cải thiện tình hình tài chính gấp rút hiện nay của Công ty, HNG quyết định tăng khối lượng phát hành và thực hiện ngay trong quý IV/2017.

Gian nan gọi vốn bằng cổ phiếu ảnh 1

 Hai yếu tố được nhà đầu tư quan tâm nhất là giá bán và phương án sử dụng vốn sau phát hành

“Trước đây, nhiều doanh nghiệp thực hiện phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi các khoản nợ. Tuy nhiên, việc thuyết phục chủ nợ chấp nhận đổi nợ lấy cổ phiếu là không dễ dàng”, đại diện một đơn vị tư vấn chia sẻ và cho biết, nếu doanh nghiệp phát hành với số lượng cổ phiếu quá lớn thì nguy cơ pha loãng giá luôn hiện hữu, điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông hiện tại.

“Tiền trảm, hậu tấu”

Đầu tháng 8/2017, Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một (TDM) đã hoàn thành việc chào bán 30,2 triệu cổ phiếu ra công chúng, huy động được gần 302,6 tỷ đồng. Theo phương án sử dụng vốn ban đầu, Công ty sẽ dùng 151 tỷ đồng để chi trả nợ vay cổ đông và 151,6 tỷ đồng còn lại sẽ thực hiện Dự án Bàu Bàng.

Tuy nhiên, do quá trình hoàn tất hồ sơ và thực hiện chào bán diễn ra khá lâu, nên Hội đồng quản trị TDM đã thực hiện mượn trước tiền của cổ đông cũng như đơn vị thi công để tái cơ cấu khoản nợ và thực hiện thanh toán cho nhà thầu thi công Dự án Bàu Bàng.

Do đó, Hội đồng quản trị TDM muốn thay đổi phương án và dùng toàn bộ số tiền để trả nợ vay cổ đông. Theo đó, TDM sẽ phát hành 19,5 triệu cổ phiếu, dự kiến thu về 357,5 tỷ đồng, trong quý IV/2017 hoặc quý I/2018.

Cụ thể, TDM sẽ chào bán 6,5 triệu cổ phiếu cho cán bộ, công nhân viên, với giá dự kiến 15.000 đồng/cổ phiếu (trên sàn, cổ phiếu TDM đang được giao dịch với giá 21.000 đồng). Đồng thời, Công ty sẽ chào bán 13 triệu cổ phiếu ra công chúng thông qua đấu giá, với giá dự kiến 20.000 đồng/cổ phiếu.

Vốn điều lệ của TDM sau phát hành sẽ tăng lên 845 tỷ đồng. Toàn bộ lượng vốn huy động sẽ được Công ty dùng để nâng công suất các nhà máy hiện hữu và thực hiện các dự án trong tương lai.

Bài toán sử dụng vốn hiệu quả

Lên kế hoạch phát hành 50 triệu cổ phiếu tăng vốn từ đầu năm 2016, nhưng đến ngày 20/8/2017, Công ty cổ phần Tasco (HUT) mới hoàn tất việc phát hành, với giá phát hành 10.500 đồng/cổ phiếu. Sau đợt phát hành, Tasco thu về 525 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên hơn 2.400 tỷ đồng. Số cổ phiếu phát hành thêm đã được HUT đưa vào niêm yết bổ sung ngày 15/9/2017, giá đóng cửa phiên này là 11.900 đồng/cổ phiếu.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HUT cho biết, kinh tế vĩ mô tăng trưởng cùng với chuyển động tích cực của thị trường chứng khoán từ đầu năm 2017 đến nay là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp tự tin hơn trong huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu.

Tuy vậy, theo ông Dũng, sau khi tăng vốn điều lệ, điều khó khăn đối với các doanh nghiệp nói chung là làm thế nào để có thể đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) cao hơn mức độ pha loãng giá. Đây mới là điều cổ đông, nhà đầu tư quan tâm sau mỗi đợt phát hành của doanh nghiệp. Hiện nay, HUT đã bắt đầu dừng đầu tư vào các dự án BOT mới và chuyển hướng sang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Là đơn vị tư vấn cho nhiều doanh nghiệp trong việc huy động vốn, ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Maritime (MSI) đánh giá, sự khởi sắc của thị trường chứng khoán năm 2017 đã giúp nhiều doanh nghiệp niêm yết bớt khó khăn trong việc huy động vốn, song bài toán sử dụng vốn hiệu quả cũng đặt ra với nhiều doanh nghiệp.

Trong quá khứ, nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách tăng vốn cổ phần liên tục, trong khi chưa thực sự có dự án đầu tư khả thi. Thậm chí, có doanh nghiệp tăng vốn lên hàng chục lần chỉ trong một thời gian ngắn, dẫn đến tốc độ pha loãng giá lớn, trong khi lợi nhuận không tăng trưởng kịp, dẫn đến chỉ số lợi nhuận trên vốn cổ phần (ROE) và EPS ngày càng giảm, không có lợi cho chiến lược dài hạn của doanh nghiệp. Cũng có những doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay và dùng vốn ngắn hạn để đầu tư trung hạn, dẫn đến sự mất cân đối về nguồn vốn.                                

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục