Giảm tình trạng “đô-la hóa”, ngành ngân hàng đi nước cờ cuối

(ĐTCK) Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng “đô-la hóa” trong nền kinh tế, từ cuối tháng này, Ngân hàng Nhà nước sẽ dứt điểm chuyển quan hệ vay - mượn sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.
Từ 31/9/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài.

Thị trường ngoại hối ổn định

Trước giờ "G" chấm dứt cho vay ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa, tháng 8 vừa qua, thị trường ngoại hối diễn biến khá ổn định.

Cụ thể, tính đến hết tháng 8/2019, USD/VND gần như không thay đổi so với giai đoạn đầu năm. Trong khu vực ASEAN, VND là đồng tiền duy nhất ổn định so với USD trong bối cảnh CNY liên tục giảm. Ðây là hiện tượng hiếm khi xảy ra đối với VND do quan hệ thương mại theo hướng nhập siêu rất lớn với Trung Quốc.

Theo ghi nhận của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thanh khoản USD trên hệ thống ngân hàng chưa có dấu hiệu căng thẳng, trong khi khoảng chênh lệch lãi suất qua đêm giữa VND và USD ở mức an toàn.

Cụ thể, chênh lệch lãi suất VND-USD ở mức dương và có xu hướng mở rộng về cuối tháng, dao động phổ biến trong biên độ 1-5,5%/năm đối với các kỳ hạn ngắn (qua đêm-1 tuần).

Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng khoảng 70-80 điểm trong 3 phiên đầu tháng 8, trước khi thanh khoản trên thị trường tiền tệ có phần căng thẳng hơn về cuối tháng khiến chênh lệch lãi suất mở rộng, góp phần giúp tỷ giá giảm mạnh khoảng 10-20 điểm dưới ngưỡng chặn - là giá mua (23.200 đồng/USD) của Ngân hàng Nhà nước trong khoảng 1 tuần cuối tháng 8.

Cũng trong tháng này, ước tính Ngân hàng Nhà nước mua vào hơn 1 tỷ USD ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại.

Dưới góc nhìn thị trường, VDSC cho rằng, yếu tố tương quan giữa các đồng tiền trong khu vực giai đoạn hiện tại đang giảm mạnh do sự phân hoá về nền tảng kinh tế vĩ mô giữa các quốc gia.

Ở trong nước, VDSC nhấn mạnh 2 yếu tố: Thứ nhất, năng lực sản xuất gia tăng giúp giảm áp lực huy động ngoại tệ để nhập khẩu hàng tiêu dùng; thứ hai, nguồn ngoại tệ sử dụng để nhập hàng hoá trung gian và sản xuất hàng xuất khẩu.

Do đó, VDSC nhận định, cung - cầu ngoại tệ ở góc độ này cũng khá cân bằng.

Giảm “đô-la hóa” là xu hướng tất yếu

Liên quan tới ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước đang rất quyết liệt giải quyết tình trạng “đô-la hoá” bằng việc chuyển quan hệ vay - mượn sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.

Cụ thể, Thông tư 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng “đô-la hóa” trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.

Từ 31/9/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước ngay cả khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh.

Các khoản vay ngoại tệ ngắn hạn với nhu cầu và điều kiện tương tự cũng đã chấm dứt kể từ 31/3/2019.

Ở góc độ điều hành chính sách, khi nền kinh tế càng hội nhập với thế giới, công tác chống “đô-la hoá” càng cần đẩy mạnh để hạn chế tối thiểu tác động lan tỏa từ biến động bên ngoài nền kinh tế.

Bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc Phụ trách Khối Khách hàng doanh nghiệp khu vực phía Nam, HSBC Việt Nam thì đánh giá, những thay đổi này sẽ hạn chế việc vay ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu (có hoặc không có nguồn thu ngoại tệ) phục vụ cho nhu cầu trong nước.

Mặc dù lãi suất vay vốn VND hiện nay cao hơn lãi suất vay USD khoảng 2-3%/năm, nhưng với việc doanh nghiệp có thể bán ngoại tệ kỳ hạn để lấy VND và dự kiến biến động VND khoảng 1-2%/năm, chi phí vay vốn bằng VND sẽ tăng, nhưng không nhiều.

“Theo quan sát của chúng tôi từ đầu năm 2019, khi Thông tư 42/2018 chính thức có hiệu lực, sau hơn 9 tháng triển khai và áp dụng, quy định mới này không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp. Các hoạt động vay của khách hàng vẫn ổn định. Ðiều này nhờ vào lộ trình áp dụng rõ ràng, giúp doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh kế hoạch”, bà Oanh nói.

Một lãnh đạo cao cấp VIB cho biết, ngay từ đầu năm, VIB đã trao đổi với khách hàng về việc tuân thủ chính sách của Ngân hàng Nhà nước về chống “đô-la hoá”, giảm dần cho vay bằng USD.

VIB đã tư vấn, cung cấp cho khách hàng vay bằng VND và đến kỳ thanh toán, Ngân hàng đã chuẩn bị nguồn lực USD để bán giao ngay hoặc kỳ hạn nhằm đáp ứng nhu cầu, tránh những biến động tỷ giá cho khách hàng.

Trong nội bộ, ngay từ đầu năm, VIB cũng đã hạn chế cho vay bằng USD để giảm tình trạng “đô-la hoá” trong nền kinh tế.

“VIB đã có sự chuẩn bị từ lâu cho cả nội bộ và khách hàng của mình, nên ảnh hưởng bởi Thông tư 42/2018 là gần như không có”, lãnh đạo
VIB nói.

Còn theo bà Oanh, HSBC đã tư vấn cho doanh nghiệp về những thay đổi có thể xảy ra khi Thông tư số 42/2018 được áp dụng hoàn toàn, đồng thời cung cấp những công cụ tài chính hợp lý và hiệu quả nhất để khách hàng có thể sử dụng, chẳng hạn các sản phẩm phái sinh, giúp khách hàng dự báo và ứng phó với những thay đổi của thị trường.

“Giảm tình trạng ‘đô-la hóa’, giảm đầu cơ và găm giữ ngoại tệ là xu hướng tất yếu để giúp thị trường tài chính hoạt động hiệu quả và quan trọng nhất là đảm bảo an ninh tiền tệ cho nền kinh tế Việt Nam”, bà Hoa nhấn mạnh.    

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục