Bốn kết quả nổi bật của giai đoạn 2016 - 2018
Thứ nhất, điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và góp phần kiểm soát lạm phát.
Cụ thể, NHNN đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát tổng phương tiện thanh toán và tín dụng ở mức hợp lý, đảm bảo duy trì lạm phát cơ bản ổn định, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý.
Đặc biệt, trong điều kiện tăng mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước, NHNN đã kịp thời sử dụng linh hoạt các công cụ tín phiếu, điều chỉnh kỳ hạn phát hành để kịp thời trung hòa lượng tiền đưa ra mua ngoại tệ một cách phù hợp, qua đó vừa đảm bảo thanh khoản cho các TCTD, vừa kiểm soát tốc độ tăng M2 theo định hướng đề ra từ đầu năm nhằm góp phần kiểm soát lạm phát (năm 2016, M2 tăng 17,65%% và tín dụng tăng 18,25%; 2017 tốc độ tăng M2 giảm còn 14,88%, nhưng vẫn đảm bảo tín dụng tăng phù hợp ở mức 18,28%; năm 2018, M2 tăng 12,21% và tín dụng tăng 13,89%).
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN
Kết quả, lạm phát cơ bản ổn định trong biên độ 1,4 - 1,9% từ năm 2016 đến nay. Lạm phát chung bình quân ở mức thấp (năm 2016: 2,66%; năm 2017: 3,53%; năm 2018: 3,54%). Kỳ vọng lạm phát được neo vững ở mức dưới 4% theo chỉ tiêu của Quốc hội đặt ra; lòng tin của thị trường vào cam kết của Chính phủ, NHNN trong việc kiểm soát lạm phát được củng cố.
Thứ hai, điều hành tín dụng theo phương châm mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, vừa hỗ trợ kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Giai đoạn này, căn cứ mục tiêu tăng trưởng và lạm phát, NHNN xây dựng chỉ tiêu tín dụng định hướng, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, thực hiện các giải pháp tín dụng cụ thể như: Kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng cả năm, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; Hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn trong hoạt động; Kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để các TCTD mở rộng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, đi đôi với an toàn hoạt động; Thực hiện kiểm soát nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.
Kết quả, tín dụng được kiểm soát theo chỉ tiêu định hướng, một mặt giúp kiểm soát lạm phát, một mặt hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế ngày càng được cải thiện (năm 2016: 6,21%, năm 2017: 6,81%, năm 2018: 7,08%).
Cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh là chủ yếu, tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát hợp lý (tỷ trọng tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản năm 2016 chiếm 6,61%, năm 2017 chiếm 6,69% và 2018 chiếm 13,25%, tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh chứng khoán năm 2017 chiếm 0,38%, năm 2018 chiếm 0,4%).
Đóng góp của tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế được cải thiện qua từng năm, thể hiện qua chỉ số phần trăm tăng trưởng tín dụng cần thiết để có được 1% tăng trưởng GDP, chỉ số này đang trong xu hướng giảm (2016: 2,94%; 2017: 2,68%; 2018: 1,96%).
Thứ ba, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và diễn biến lạm phát, tạo điều kiện cho các TCTD duy trì ổn định mặt bằng lãi suất trong điều kiện lãi suất các nước trên thế giới đang tăng lên.
Cụ thể, năm 2016, trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát có xu hướng tăng, nhu cầu vốn của nền kinh tế ở mức cao, trong khi nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào vốn tín dụng ngân hàng, trái phiếu chính phủ được phát hành với khối lượng lớn đã đặt ra những thách thức, khó khăn trong việc ổn định và giảm mặt bằng lãi suất.
Tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh chứng khoán năm 2018 chỉ chiếm 0,4%
Tuy nhiên, NHNN đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, trong đó tập trung điều tiết và đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các TCTD, duy trì lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức thấp, tạo điều kiện giảm chi phí vốn vay của các TCTD.
Từ tháng 7/2017, NHNN điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, qua đó hỗ trợ các TCTD giảm chi phí vốn vay, giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên của TCTD đối với khách hàng.
Từ đầu tháng 1/2018, NHNN điều chỉnh giảm lãi suất chào mua OMO từ 5%/năm xuống 4,75%/năm để hỗ trợ TCTD có điều kiện giảm chi phí vốn, từ đó giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Trên cơ sở đó, các ngân hàng thương mại nhà nước đã chủ động giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ với mức giảm phổ biến khoảng 0,5%/năm. Với việc điều hành đồng bộ các giải pháp nêu trên, mặt bằng lãi suất từ năm 2016 đến nay về cơ bản tiếp tục được duy trì ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay của các TCTD phổ biến khoảng 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn, trung/dài hạn khoảng 9 - 11%/năm, trong đó lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm.
Thanh khoản của hệ thống TCTD được đảm bảo, dư thừa ở mức hợp lý, lãi suất liên ngân hàng về cơ bản được duy trì ổn định ở mức thấp, vừa hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, vừa hỗ trợ Bộ Tài chính phát hành thành công trái phiếu chính phủ với khối lượng lớn cho các kỳ hạn dài lên đến 15 - 30 năm, lãi suất trái phiếu chính phủ các kỳ hạn giảm mạnh từ 1 - 2,5%/năm so với cuối năm 2016.
Thứ tư, tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối về cơ bản ổn định, thông suốt. Từ năm 2016, NHNN bắt đầu thực hiện cách thức điều hành tỷ giá mới theo hướng NHNN công bố tỷ giá trung tâm, có lên có xuống, giúp thị trường ngoại tệ hấp thu tốt hơn các cú sốc bên ngoài, giảm thiểu tác động bất lợi tới tỷ giá, giảm tâm lý đầu cơ găm giữ ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, điều chỉnh kỳ hạn mua ngoại tệ từ các TCTD trong những giai đoạn nguồn cung - cầu ngoại tệ thuận lợi để mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.
Cụ thể, khi thị trường trong nước và quốc tế thuận lợi, từ đầu tháng 2/2018, NHNN bắt đầu niêm yết tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng để trì hoãn việc đưa tiền đồng ra mua ngoại tệ, góp phần kiểm soát nguồn tiền cung ứng.
Ngược lại, khi nguồn cung kém thuận lợi trước biến động trên thị trường quốc tế, NHNN chủ động thực hiện thông tin, truyền thông dưới nhiều hình thức để định hướng, ổn định thị trường; chủ động và linh hoạt điều tiết thanh khoản tiền VND hợp lý để hỗ trợ ổn định tỷ giá; sẵn sàng bán ngoại tệ (giao ngay và kỳ hạn) khi cần thiết để giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá.
Nhờ các biện pháp chủ động, linh hoạt, cũng như các yếu tố tương đối thuận lợi trong và ngoài nước, thị trường ngoại tệ những năm vừa qua nhìn chung ổn định, thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống tốt, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp và người dân được đáp ứng đầy đủ kịp thời; NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, qua đó góp phần giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá theo mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, dự trữ ngoại hối đạt được mức cao kỷ lục, Việt Nam được 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm nâng hạng: S&P và Fitch Ratings nâng từ "BB-" lên "BB"; Moody's nâng từ "B1" lên "Ba3". Chỉ số CDS phản ánh mức độ rủi ro của đầu tư trái phiếu Chính phủ Việt Nam đã giảm mạnh.
8 giải pháp cho chính sách tiền tệ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
Thực hiện chính sách tiền tệ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, NHNN sẽ bám sát các nhiệm vụ và mục tiêu được đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2025 (đang được nghiên cứu, xây dựng), cũng như thực hiện thành công các nhiệm vụ nêu tại Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018).
Trên cơ sở các mục tiêu chính của chính sách tiền tệ là ổn định lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, để thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao, NHNN đã ban hành Chương trình Hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 34/QĐ-NHNN ngày 7/1/2019), trong đó định hướng các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ như sau:
Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.
Thứ hai, rà soát, đánh giá tác động và hiệu quả, từ đó sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định liên quan đến ổn định tiền tệ theo hướng bảo đảm thực hiện chính sách tiền tệ theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, phối hợp có hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm; Xây dựng khuôn khổ chính sách tiền tệ hướng đến mục tiêu ưu tiên cao nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Tăng tính độc lập của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ.
Thứ ba, trong điều hành, bảo đảm sự phối hợp chính sách giữa NHNN và Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương nhằm tạo sự đồng bộ, nhất quán giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.
Thứ tư, điều hành chính sách tín dụng theo hướng nâng cao chất lượng tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân; hạn chế cho vay bằng ngoại tệ, chuyển dần quan hệ huy động vốn và cho vay ngoại tệ giữa TCTD với khách hàng sang quan hệ mua bán ngoại tệ; giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Thứ năm, hoàn thiện thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD cung ứng đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính, nhất là sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng và các sản phẩm dịch vụ hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế; hoàn thiện cơ chế cho vay, hoạt động tín dụng.
Thứ sáu, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; Điều hành chính sách tiền tệ chuyển dần từ điều hành theo khối lượng tiền sang chủ yếu điều hành theo giá; sử dụng công cụ gián tiếp, tiến tới dỡ bỏ dần các biện pháp hành chính về lãi suất khi điều kiện cho phép.
Thứ bảy, điều hành nghiệp vụ thị trường mở theo hướng là công cụ chủ yếu điều tiết vốn khả dụng của các TCTD, nhằm đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ;
Thứ tám, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; Tiếp tục thực hiện chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý, điều hành tỷ giá với mức độ linh hoạt cao hơn, bám sát diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế, đồng thời bảo đảm phù hợp với các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ; tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng tính lành mạnh, hiệu quả trong hoạt động của thị trường ngoại tệ, tăng cường các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá; Phối hợp đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường ngoại hối, phấn đấu từng bước tăng quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế; Phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% đến năm 2020 và đạt mức 5% vào năm 2030.
Trong dài hạn, NHNN cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tiền tệ, hoạt động ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, phù hợp thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập, hạn chế sử dụng, tiến tới ngừng hẳn các biện pháp hành chính; từng bước đổi mới khuôn khổ chính sách tiền tệ.