Ngày 28/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có hướng dẫn giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% từ ngày 1/2/2022.
Dù việc giảm thuế không áp dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhưng theo bà Trần Thùy Linh, Phó giám đốc Công ty Đức Linh Real cho rằng, việc những hàng hóa, dịch vụ có liên quan đến bất động sản như một số loại vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, hoạt động tư vấn, thiết kế, thi công xây dựng công trình, quảng cáo… được giảm thuế theo quy định sẽ gián tiếp tác động tích cực. Theo đó, các công ty kinh doanh bất động sản sẽ giảm được chi phí đầu vào, từ đó có thêm điều kiện giảm giá bán, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, qua đó người mua cũng được hưởng lợi.
“Việc giảm thuế VAT sẽ tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường bất động sản, bao gồm cả người mua lẫn người bán. Thực tế, dịch bệnh khiến thu nhập của khách hàng chịu ảnh hưởng lớn, nên khi được giảm 2% thuế sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí mua nhà. Với bên bán, việc giảm thuế VAT đối với nguyên vật liệu đầu vào giúp có thêm điều kiện để không tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ trước sức ép chi phí tăng cao”, bà Linh nói.
Cùng quan điểm, ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc COPiHOME cho rằng, trên phương diện chung, đây là một trong những chính sách có tác động rộng rãi đến thị trường địa ốc trong năm nay, bởi việc giảm thuế vừa hỗ trợ các đơn vị sản xuất - kinh doanh, đơn vị tiêu dùng, vừa giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
“Khi nền kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát thì giá trị của sản phẩm bất động sản cũng được bình ổn, không bị nâng lên quá cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân. Ngoài ra, chính sách này cũng giúp người mua nhà tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện tốt hơn để người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu, đầu tư, qua đó tăng giao dịch trên thị trường”, ông Phi nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng hiện nay có sự khác biệt rõ rệt so với giai đoạn trước. Nếu như trước đây việc miễn, giảm thuế, phí chủ yếu tập trung vào các loại thuế trực thu như thuế thu nhập doanh nghiệp, áp dụng đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch Covid-19, thì nay chính sách mới giảm thẳng vào thuế gián thu là thuế giá trị gia tăng, nên mức độ hỗ trợ mở rộng hơn.
Thực tế, đây là lần đầu tiên thuế VAT được giảm đồng bộ, nên vấn đề đặt ra là làm sao để chính sách này áp dụng trong thực tiễn một cách hiệu quả, thiết thực. Bởi hiện nay, một số hàng hóa, dịch vụ liên quan đến bất động sản bắt đầu phát sinh vướng mắc trong quá trình áp dụng.
Chẳng hạn, đặc thù của hoạt động tư vấn, thiết kế, thi công xây dựng công trình là hợp đồng được ký kết kèm theo dự toán được duyệt và thời gian thường kéo dài trong nhiều năm. Như vậy, đối với những dự án đã ký kết trước thời điểm giảm thuế nhưng chưa nghiệm thu thì khi nghiệm thu hóa đơn với thuế suất thuế giá trị gia tăng như thế nào? Hay như việc một số loại vật tư xây dựng bằng kim loại vẫn chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng là 10%, vậy hoạt động thi công các hạng mục liên quan đến những vật liệu này có được giảm thuế suất hay không và xử lý về mặt chứng từ như thế nào... vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể. Do vậy, trong thời gian tới, cơ quan thuế cần có những quy định rõ ràng hơn để chính sách thiết thực này phát huy tối đa hiệu quả trong thực tiễn.