Bộ Tài chính vừa chính thức đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay 900 đồng/lít (từ 3.000 đồng xuống 2.100 đồng/lít) đến hết ngày 31/12/2020. Như vậy, nếu tính cả thuế giá trị gia tăng được giảm thì mỗi lít xăng máy bay giảm 990 đồng.
Khó như ngành hàng không
Thực hiện khảo sát đánh giá tác động dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh với trên 126.500 doanh nghiệp, trong đó có 6.333 doanh nghiệp lớn bị tác động bởi đại dịch Covid-19, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, có tới 87,7% doanh nghiệp đang phải chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19, trong đó, số doanh nghiệp lớn bị tác động tiêu cực là 92,8%.
“100% số doanh nghiệp hàng không bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19. Có thể nói, ngành hàng không đã và đang chịu tác động nặng nề nhất trong số cách ngành nghề, lĩnh vực, nếu không muốn nói là tình hình hoạt động của các hãng hàng không hiện nay rất nghiêm trọng”, ông Thúy cho biết.
Theo báo cáo của Vietnam Airlines, tính đến hết quý II/2020, số chuyến bay giảm trên 88% so với kế hoạch (giảm 32.700 chuyến), số lượng khách vận chuyển giảm trên 89%, tương đương với giảm khoảng 5.670.000 khách.
Trong quý II/2020, doanh thu của Vietnam Airlines giảm khoảng 18.000 tỷ đồng, lợi nhuận giảm gần 6.400 tỷ đồng so với kế hoạch. Dự kiến trong năm 2020, doanh thu Vietnam Airlines giảm 49.300 tỷ đồng và mức lỗ lên đến gần 16.000 nghìn tỷ đồng, dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến thiếu hụt xấp xỉ 17.000 tỷ đồng trong năm 2020. Trước thực tế này, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã phải chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 6.000 người.
Doanh thu, lợi nhuận giảm nhưng các doanh nghiệp hàng không vẫn phải gia tăng chi phí cố định để duy trì hoạt động như chi phí thuê máy bay, chi phí đậu đỗ và các chi phí chi thường xuyên khác. Hiện tại, mỗi tháng Vietnam Airlines phải chi ra 30 triệu USD để thuê máy bay; Vietjet là 20 triệu USD. Chưa kể, mỗi tháng, Vietnam Airlines phải chi ra thêm 6 tỷ đồng cho chi phí đậu máy bay. Con số nầy của Vietjet Air khoảng 3,6 tỷ đồng; Bamboo Airways khoảng 1,24 tỷ đồng.
Hiện nay, với nhiều biện pháp chống dịch kịp thời và hiệu quả, Việt Nam đã kiểm soát được dịch, mở lại các đường bay nội địa, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện hàng không.
Tuy nhiên, theo dự báo, trong trường hợp 5 tháng cuối năm 2020, các hãng hàng không khôi phục lại toàn bộ đường bay nội địa, mở thêm đường bay nội địa mới cùng với chính sách đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa thì hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa cũng chỉ bằng 75-83% cùng kỳ năm 2019.
Mức cứu trợ chưa tương xứng
Để “cứu” ngành hàng không, bên cạnh việc cho gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất như đối với 29 lĩnh vực, ngành nghề khác, “dư địa” còn lại chính là giải pháp giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì mức giảm này là chưa tương xứng với sự khó khăn của ngành hàng không hiện nay.
Trước thời điểm 1/1/2016, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay chỉ có 1.000 đồng/lít và kể từ năm 2016 đến nay, mức thuế này được áp kịch khung và tăng gấp 3 lần so với trước đó. Vì vậy, nếu chỉ giảm 900 đồng mỗi lít, tức là giảm 30% thì mỗi lít nhiên liệu bay phải chịu cả thuế bảo vệ môi trường lẫn thuế giá trị gia tăng là 2.310 đồng gấp 2,1 lần so với thời điểm trước năm 2016.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, số thu từ thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay tăng liên tục năm 2015. Nếu như năm 2015, xăng máy bay đóng góp vào ngân sách nhà nước thông qua thuế bảo vệ môi trường (không tính các loại thuế, phí khác) 1.687.074 tỷ đồng thì đến năm 2019 là 2.939.629 tỷ đồng do nhu cầu sử dụng nhiên liệu bay tăng mạnh cộng với việc kể từ năm 2016, thuế bảo vệ môi trương đối với nhiên liệu bay tăng gấp 3 lần, từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít.
Như vậy, nếu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay chỉ giảm 30% tương đương 900 đồng mỗi lít thì hàng tháng, các hãng hàng không cũng chỉ đỡ được khoảng 72 - 80 tỷ đồng, tức là mỗi tháng các hãng hàng không vẫn phải nộp vào ngân sách nhà nước 183-203 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường.
Thế giới hỗ trợ ngành hàng không rất mạnh
Do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp hàng không trên thế giới đối mặt với nguy cơ phá sản cao do không bù đắp được những khoản chi phí lớn để duy trì hoạt động. Sự ngưng trệ của ngành hàng không mang lại vô vàn tác động tiêu cực đến sự phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm thương mại, dịch vụ, du lịch… bởi vai trò quan trọng của ngành hàng không trong việc cung ứng các dịch vụ trung gian liên quan đến vận chuyển, trung chuyển hành khách và hàng hoá.
Chính vì vậy, nhiều nước trên thế giới cũng đã sử dụng công cụ thuế, trong đó có thuế đối với nhiên liệu bay để hỗ trợ cho doanh nghiệp hàng không trước dịch Covid-19 như Trung Quốc miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường đối với nhiên liệu bay. Australia miễn thuế tiêu thụ nhiên liệu hàng không, phí dịch vụ hàng không nội địa và phí an ninh hàng không. Ấn Độ tạm thời dừng hầu hết các loại thuế trong ngành hàng không. Thái Lan giảm 96% thuế môi trường đối với nhiên liệu trong 7 tháng kể từ ngày 6/02/2020 cho các đường bay nội địa.
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường góp phần trực tiếp giảm giá nhiên liệu bay, là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của ngành hàng không vì suy cho cùng toàn bộ thuế bảo vệ môi trường hay bất kỳ khoản đóng góp nào vào ngân sách nhà nước thì người tiêu dùng cuối cùng cũng phải chi trả. Vì vậy, việc mạnh tay giảm các loại thuế, phí liên quan đến hàng không cũng nhằm mục đích kích cầu người tiêu dùng sử dụng dịch vụ hàng không, qua đó tạo điều kiện cho ngành này duy trì hoạt động, phục hồi và phát triển.
Thường trực Ủy ban Tài chính-ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Quang chia sẻ, Quốc hội, Chính phủ cũng muốn mạnh tay hỗ trợ hơn nữa, nhưng trước bối cảnh ngân sách nhà nước năm nay dự kiến giảm thu rất mạnh trong khi chi không thể giảm được, thậm chí phải tăng chi để bảo đảm an sinh xã hội trong đại dịch Covid-19 nên... phải tính từng bước một, ngành nào, lĩnh vực nào khó khăn nhiều thì hỗ trợ nhiều và ngược lại.
“Nếu ngân sách nhà nước không khó khăn thì hỗ trợ tất cả các ngành, các lĩnh vực, không phải giảm 30% thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm 30% thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay mà hỗ trợ 50% thậm chí còn cao hơn nữa”, ông Quang chia sẻ.