Giảm thủ tục cho khối ngoại: Thông tư 123 bị vô hiệu hóa vì Thông tư 23!

(ĐTCK) Nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư trên TTCK Việt Nam phải tuân thủ các quy định về chứng khoán và TTCK của Bộ Tài chính cũng như các quy định về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam. 
Mở TK chứng khoán thì dễ, nhưng thủ tục mở TK tiền tại ngân hàng của các NĐT nước ngoài vẫn khá phức tạp Mở TK chứng khoán thì dễ, nhưng thủ tục mở TK tiền tại ngân hàng của các NĐT nước ngoài vẫn khá phức tạp

Tuy nhiên, sự “vênh” nhau giữa các văn bản ban hành của hai cơ quan này đang tạo ra không ít bất cập cho các NĐT nước ngoài và làm giảm tính hấp dẫn của TTCK Việt Nam. 

Trước hết là những quy định liên quan đến việc tạo thông thoáng cho NĐT nước ngoài mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Kiến nghị này được nhắc đến rất nhiều lần trong các kỳ đối thoại chính sách giữa cộng đồng NĐT nước ngoài và các cơ quan Chính phủ Việt Nam.

Mới đây, Thông tư 123/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 18/8/2015 hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam đã dỡ bỏ nhiều quy định để đơn giản hóa hồ sơ, chứng từ cho khối ngoại tham gia vào TTCK như bỏ quy định về hợp pháp hóa lãnh sự, bỏ yêu cầu dịch đối với các tài liệu tiếng Anh đã được công chứng, bỏ yêu cầu dịch công chứng đối với các tài liệu tiếng Anh khác…

Các NĐT đề xuất, NHNN xem xét cho phép thực hiện cơ cấu tài khoản VND linh hoạt với nhiều tài khoản VND cho các NĐT nước ngoài.

Tuy nhiên, khi mở tài khoản tiền tại ngân hàng, NĐT nước ngoài phải tuân thủ Thông tư 23/2014/TT-NHNN, hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ. Theo đó, yêu cầu khách hàng phải nộp bản dịch công chứng các tài liệu mở tài khoản và bản dịch công chứng của bản sao chứng minh thư, hộ chiếu đã được công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự ở nước ngoài của chủ tài khoản. Như vậy, sự vênh nhau của hai văn bản trên khiến các NĐT nước ngoài không thể áp dụng được những quy định đơn giản hóa thủ tục hành chính của Thông tư 123.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2015 diễn ra tuần qua tại Hà Nội, các NĐT nước ngoài đã đề xuất NHNN xem xét đơn giản hóa yêu cầu đối với NĐT nước ngoài để đảm bảo áp dụng thống nhất các yêu cầu về chứng từ, tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng cho NĐT nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam.

Cụ thể, bãi bỏ yêu cầu về cung cấp giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu cho người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của chủ tài khoản, bãi bỏ yêu cầu dịch sang tiếng Việt đối với các tài liệu tiếng Anh đã được công chứng, bỏ quy định dịch công chứng đối với các tài liệu tiếng Anh khác, bỏ yêu cầu về văn bản ủy quyền, mẫu chữ ký và bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được ủy quyền trong trường hợp khách hàng sử dụng điện SWIFT để gửi lệnh và chỉ thị cho ngân hàng lưu ký tại Việt Nam.

Một bất cập khác cần tháo gỡ là quy định số lượng tài khoản NĐT nước ngoài được mở tại Việt Nam. Trên TTCK, NĐT có thể là các chính phủ, có thể là các tổ chức đầu tư có quy mô toàn cầu và cơ cấu danh mục đầu tư đa dạng, được quản lý bởi các nhà quản lý danh mục chuyên môn sâu khác nhau.

Theo các luật định liên quan đến nghĩa vụ đảm bảo tài sản đầu tư, các tổ chức đầu tư này và các nhà quản lý danh mục phải tuân thủ quản lý và hạch toán tách biệt tài sản, đơn cử tách biệt danh mục đầu tư trái phiếu chính phủ và cổ phiếu. Vì vậy, những tổ chức này có nhu cầu mở nhiều tài khoản tiền và tài khoản lưu ký tương ứng với các danh mục đầu tư, để đảm bảo tách bạch vốn đầu tư và tài sản cho từng danh mục đầu tư.

Thông tư 05/2014/TT-NHNN ngày 12/3/2014 chỉ cho phép mở một tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng VND cho một NĐT nước ngoài. Trong khi đó, Thông tư 05/2015/TT-BTC ngày 15/1/2015 hướng dẫn hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán cho phép áp dụng cơ cấu tài khoản lưu ký linh hoạt, theo đó mỗi NĐT nước ngoài phải mở một tài khoản lưu ký tại một ngân hàng lưu ký/thành viên lưu ký, nhưng dưới mỗi tài khoản lưu ký, NĐT có thể mở các tài khoản đặc thù khác nhau cho các mục đích khác nhau (ví dụ: tài khoản chứng khoán giao dịch, tài khoản chứng khoán tạm ngừng giao dịch, tài khoản chứng khoán cầm cố, tài khoản chứng khoán phong tỏa, tạm giữ, tài khoản chứng khoán chờ thanh toán, tài khoản chứng khoán ký quỹ đảm bảo khoản vay…. ).

Tại Thông tư 123/2015/TT-BTC, nội dung hướng dẫn hoạt động của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam cho phép các tổ chức đầu tư, chính phủ hoặc liên chính phủ có các danh mục đầu tư độc lập được phép cấp các mã số giao dịch riêng biệt cho từng danh mục đầu tư tại một tổ chức lưu ký. Với mỗi mã số được cấp, các tổ chức đầu tư này được mở một tài khoản lưu ký tương ứng tại một ngân hàng lưu ký.

Trước thực trạng này, các NĐT đề xuất, NHNN xem xét cho phép thực hiện cơ cấu tài khoản VND linh hoạt với nhiều tài khoản VND cho các NĐT nước ngoài. Để đáp ứng yêu cầu quản lý ngoại hối của NHNN, các ngân hàng lưu ký phải cam kết có hệ thống đảm bảo được việc giám sát và báo cáo dòng vốn vào ra của từng NĐT một cách riêng biệt.

Trần Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục