Vậy, đâu là điều thị trường cần cho việc kích thích tăng thanh khoản, và đâu là lý do khiến vấn đề này chỉ vẫn là kiến nghị khi lợi ích và khả năng thực hiện ở trong "tầm tay"?
Hai đề xuất của VSCC
Theo VCSC, hiện nay, thời gian thanh toán mua, bán cổ phiếu trên các Sở GDCK được áp dụng là T+3. Quy định này làm giảm tính thanh khoản của cổ phiếu, ảnh hưởng đến quyền lợi của NĐT, tăng phí giao dịch và phí lãi vay margin.
Trong khi đó, VCSC nhận định rằng, với quy trình quản lý chặt chẽ như hiện nay, khả năng quản lý và trình độ công nghệ tại các CTCK, các CTCK hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của các Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký chứng khoán trong việc rút ngắn thời gian thanh toán.
“Chúng tôi đề xuất giảm thời gian thanh toán xuống còn T+2, và có lộ trình giảm tiếp thời gian thanh toán này xuống T+1”, VCSC kiến nghị.
Bên cạnh đề xuất liên quan đến rút ngắn thời gian thanh toán, theo VCSC, để kích thích NĐT tăng cường giao dịch, việc giảm thuế giao dịch chứng khoán từ 0,1% giá trị bán chứng khoán trên TTCK niêm yết như hiện nay về 0,05% là cần thiết.
“Mức phí giao dịch chứng khoán bình quân hiện nay là 0,2%. Các CTCK rất khó giảm phí này, vì còn phải trả các chi phí lưu ký, phí cho các Sở GDCK, đồng thời vẫn phải đầu tư công nghệ, nhân lực. Với bối cảnh đó, mức thuế bán chứng khoán 0,1% tổng giá trị giao dịch chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí của NĐT”, VCSC nhận xét.
Kích thanh khoản, đâu là yếu tố trọng tâm?
Cùng quan điểm với VCSC, ông Hoàng Thanh Tuấn, Giám đốc Môi giới CTCK SHBS cho rằng, miễn giảm thuế, phí giao dịch cùng với tăng thêm hàng hóa chất lượng cho TTCK (như thúc đẩy các NHTM, các tổng công ty lớn niêm yết ngay sau cổ phần hóa…), giảm thời gian thanh toán kèm với chính sách thu hút thêm sự tham gia của NĐT nước ngoài như mở room, giữ ổn định tỷ giá… sẽ giúp cải thiện thanh khoản cho thị trường.
Dường như, trong con mắt của các đơn vị cung cấp dịch vụ, thuế được coi là một trong những yếu tố quan trọng giúp làm tăng thanh khoản thị trường. Nhưng, khảo sát NĐT của ĐTCK lại không hẳn như vậy.
Với câu hỏi của ĐTCK về việc làm thế nào để kích thanh khoản thị trường? Câu trả lời của NĐT nhìn chung vẫn là: giảm thời gian thanh toán, tăng các công cụ trên thị trường, nới “room”, ổn định vĩ mô… Thuế dường như là yếu tố được nhiều NĐT trong nước… quên mất!
Ông L.D.H, một NĐT cá nhân tại TP. HCM cho biết, một năm, giá trị giao dịch trung bình của ông khoảng 500 tỷ đồng, tương đương mức thuế giao dịch ông phải trả là 500 triệu đồng/năm, do ông chọn cách tính thuế 0,1% giá trị bán chứng khoán.
“Tôi cho rằng, mức thuế 0,1% giá trị bán chứng khoán là hợp lý. Xét ở góc độ cá nhân, được giảm thuế thì sẽ tiết kiệm chi phí, nhưng điều đó không đáng gì nếu đầu tư sinh lời. Thêm vào đó, ai cũng mong giảm thuế, thì lấy đâu nguồn thu cho Chính phủ để tăng đầu tư công, cải thiện môi trường chung?”, ông H. cho biết.
NĐT Nguyễn Quốc Thịnh, CTCK MBS, người có xu hướng đầu tư lướt sóng cổ phiếu, nhận xét: chỉ cần giảm thời gian thanh toán thì thị trường sẽ có cơ hội tăng thanh khoản do vòng quay cổ phiếu, tiền có cơ hội được rút ngắn. Chưa kể, với việc rút ngắn thời gian giao dịch thì NĐT tiết kiệm đáng kể chi phí vốn cho các giao dịch margin, tận dụng được các cơ hội của thị trường trong ngắn hạn. “Một phiên giao dịch hợp lý có thể mang lại nhiều hơn rất nhiều lần chi phí thuế”, vị này nhận xét.
Dù kiến nghị rút ngắn thời gian thanh toán, nhưng theo NĐT H., điều cần hơn mà thị trường chờ đợi từ cơ quan quản lý, là cung cấp thêm các yếu tố vĩ mô hỗ trợ thị trường.
“Giai đoạn trước, thuế giao dịch chứng khoán được miễn phí, nhưng vĩ mô kém, chưa có nhiều công cụ để tận dụng khi thị trường đi xuống, nên thanh khoản không được cải thiện. Từ 2013 đến nay, dù không giảm thuế, nhưng thanh khoản vẫn tăng, bởi vĩ mô đang diễn biến tích cực lên. Khi có niềm tin vào xu hướng vĩ mô tích cực, hoặc có công cụ để NĐT kiếm lời khi thị trường đi xuống, tự khắc thanh khoản sẽ cải thiện”, ông H nhận xét.